Nhà trong phố hơn 6 tỷ, rao bán 2 ngày có khách chốt: Thị trường nhà đất Hà Nội đang ấm trở lại?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường BĐS khởi sắc, cơ hội 10 năm có 1 dành cho nhà đầu tưThị trường bất động sản có tín hiệu khởi sắc, nhà đầu tư “quay xe” dừng cắt lỗ, chờ giá tăngThị trường nhà đất Hà Nội đang ấm trở lại?
Theo Nhịp sống thị trường, tín hiệu hồi phục với thị trường nhà phó tại Hà Nội đang cho thấy sự khởi sắc khi nhiều căn nhà trong ngõ nhanh chóng tìm được chủ mới chỉ trong thời gian ngắn. Đơn cử, một căn nhà ngay trong quận trung tâm Hà Nội, ô tô đỗ cửa, rộng hơn 40m2, đã sẵn nhà và nội thất được chào bán với giá hơn 6 tỷ đồng. Được biết, căn nhà này được giới thiệu là chri cách vài bước có thể di chuyển tới con phố lớn.
Chỉ sau 2 ngày rao bán, căn nhà đã có khách đặt cọc. Môi giới tham gia rao bán căn nhà này tiết lộ: Người mua nhà là khách nét của môi giới. Giá chỉ giảm nhẹ cho khách thiện chí, không phải hàng cắt lỗ.
Hồi đầu tháng 9 mới đây, anh Tiến Ngọc đăng tải rao bán căn nhà đất ở quận Nam Từ lIêm với giá 3,5 tỷ đồng. Diện tích sử dụng mỗi sàn của căn nhà là 35m2, nội thất cơ bản. Sau gần 3 tuần rao bán, căn nhà cũng có khách đặt cọc. Dự kiến đầu tháng 10, chủ nhà và người mua sẽ tiến hàng ký công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Anh Tiến Ngọc cho biết thêm, sau khi tháng 7 m lịch kết thúc, lượng khách hàng chốt căn có tăng nhẹ. Nhưng thanh khoản chủ yếu vẫn rơi vào sản phẩm bất động sản là nhà đất có vị trí đẹp, tầm giá trung bình từ 2-3,5 tỷ đồng. Đối với các căn nhà đất có giá trị cao, khả năng khách chốt thấp hơn. Tuy nhiên, một số căn nhà đất có vị trí đẹp, đáp ứng đủ tất cả các tiêu chí của khách hàng vẫn sẽ nhanh chóng được giao dịch.
Trước nhận định cho rằng: Thị trường nhà đất Hà Nội đang ấm trở lại? anh Ngọc cho biết, so với thời điểm đầu năm 2023, loại hình nhà đất đã ghi nhận thanh khoản tốt hơn. Nhưng để trở về giai đoạn sôi động như 2018 - 2020, thị trường nhà đất vẫn chỉ đang rục rịch chuyển động. Tín hiệu khởi sắc đã có nhưng chưa thực sự rõ nét.
Lý giải về nhận định này, anh Ngọc đưa ra các lý do: Thứ nhất là về giá, so với thời điểm đầu năm 2022, giá nhà đất tại Hà Nội đang giảm trung bình từ 200 - 500 triệu đồng. Giá nhà đất đang chững lại, khó tiếp tục giảm sâu. Đây là lý do người mua có tâm lý mạnh tay xuống tiền hơn. Thứ hai là lãi suất cho vay mua bất động sản hiện đã giảm mạnh. Hiện tại, phần lớn các ngân hàng cho vay mua nhà đất trong năm đầu tiên từ 7 - 8%/năm. Bên cạnh đó, tâm lý của người mua cũng đã mạnh tay xuống tiền. Có thể họ hiểu rằng, giá nhà đất sẽ không còn hạ quá sâu. Đồng thời, lượng nhà đầu tư cắt lỗ cũng không xuất hiện nhiều. Trong khi đó, với bối cảnh thị trường hiện tại, giá nhà đất có thể còn tăng lên.
Anh Trầm Tâm, môi giới bất động sản khu vực Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm tiết lộ: “Lượng hàng “bay nhanh” trong đội nhóm chúng tôi ngày càng nhiều, không còn ảm đạm như nửa năm trước. Nhưng đa phần lượng hàng chốt thành công toàn thuộc về những căn nhà nhanh đẹp. Giá là một phần mà quan trọng các tiêu chí như: chất lượng công trình, vị trí tiếp giáp với ô tô, ngõ rộng, khuôn đất đẹp, không dính quy hoạch, không phạm phong thuỷ”.
Môi giới này nói thêm, không ít căn là hàng tồn rao từ đầu năm 2023 đến nay cũng chưa tìm được khách. Phần lớn các căn này có vài nhược điểm như về phong thủy, giá đất,... Trước đó, thời điểm tháng 7 dương lịch, thanh khoản các căn nhà đất này tăng nhẹ do nhu cầu phụ huynh tìm mua nhà cho con. Anh Tâm nhấn mạnh, thị trường nhà đất nhìn chung vẫn túc tắc, chưa thể gọi là ấm lên.
Nhận định của chuyên gia về diễn biến thị trường bất động sản cuối năm 2023
Trong diễn đàn về bất động sản mới đây, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang ở thời điểm "lên chưa lên mà xuống cũng không xuống", nhưng chắc chắn cơ hội nhiều hơn thách thức.
Theo ông Chung, cơ hội lớn nhất là Việt Nam đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, cùng với đó, mối quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng đã được nâng cấp. PGS. TS. Trần Kim Chung cho rằng, thị trường bất động sản không thể khó khăn hơn nữa mà chỉ tốt lên, bởi khó khăn lớn nhất đã đi qua. Tuy nhiên, tốt lên như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào thời điểm tháng 11 tới đây, khi các luật quan trọng đối với lĩnh vực bất động sản sẽ được sửa đổi và thông qua như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã đi qua, thị trường thời điểm hiện tại sẽ là lúc bắt đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Cũng đưa ra dự báo cho thị trường bất động sản cho thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng.
“Chúng tôi dự đoán quý IV/2023 là thời điểm bắt đầu phục hồi. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc do các chính sách tháo gỡ khó khăn đang từng bước có tác động tốt đến thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ quốc Quốc gia cũng hy vọng rằng, nếu đợt phát hành sắp tới bán được thêm thì quý II đến quý III/2024 sẽ có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Trí Long thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Kỳ vọng của nhà điều hành bao giờ cũng là nhanh chóng hồi phục thị trường nhưng để kỳ vọng thành hiện thực thì phụ thuộc rất lớn vào việc điều hành của Nhà nước như thế nào. Trong đó, có thể khắc phục được hai khó khăn lớn nhất là pháp lý và nguồn vốn hay không mới là điều quan trọng”.
PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến là nền kinh tế thế giới. Thứ hai là diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước. Bên cạnh đó còn có việc điều hành chính sách, hoàn thiện chính sách liên quan đến thị trường bất động sản như thế nào.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, nói về thị trường bất động sản không thể nói chung chung cũng như việc nhận định thị trường bất động sản phải theo từng phân khúc, bởi mỗi phân khúc sẽ có những chuyển biến khác nhau.
Theo ông Ngô Trí Long, dự báo vẫn chỉ là dự báo. Thị trường bất động sản có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế nên bất cứ khó khăn nào của thị trường đều có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, việc dự báo thị trường bất động sản phải đi vào dự báo từng phân khúc. Vị chuyên gia cho biết thêm, dưới góc độ cá nhân, ông kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục vào thời điểm cuối quý IV/2023. Tuy nhiên, ông Long cho rằng phải đến quý IV năm sau, thị trường bất động sản mới có tín hiệu phục hồi rõ nét.
Còn với GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, ông không dám trả lời về thời điểm phục hồi của thị trường địa ốc. Ông Võ cho biết: "Thời điểm hiện nay phụ thuộc lớn vào cải tiến pháp luật như thế nào. Còn nếu phục hồi nhưng vướng mắc của pháp luật vẫn chưa được giải quyết thì chu kỳ mới sẽ duy trì được bao lâu? Tôi cho rằng không được lâu dài. Và nếu thị trường lại đi xuống, tính ì của thị trường sẽ kéo dài, khi đó muốn kéo lên cũng sẽ rất khó".
Do đó, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị. Bởi ách tắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện tại nằm ở quy hoạch và pháp luật. Trong khi đó, Việt Nam chưa định hình quy hoạch trong phát triển thị trường bất động sản.