Nhà đất trầm lắng, môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
Lạm phát và sự ảnh hưởng tới thị trường bất động sảnNhận diện yếu điểm về thanh khoản trên thị trường bất động sảnMuốn bỏ nghề vì không còn sức để bám trụ
Công việc chính là một nhân viên môi giới bất động sản, anh Nguyễn Thanh Quang (Việt Yên – Bắc Giang) đang loay hoay không biết có nên tiếp tục công việc nữa hay không. Bởi 2-3 tháng gần đây, thị trường bất động sản chững lại kéo theo công việc của anh Quang cũng không còn được như trước. Dự án biệt thự liền kề công ty anh phân phối không có khách hỏi mua. Trong khi đó, để duy trì công việc, anh Quang vẫn phải phải xuôi ngược từ sáng đến tối cùng với rất nhiều khoản chi như tiền xăng, tiền điện thoại,... "Thị trường đang khó khăn, người mua không có. Tôi đang nghĩ đến phương án bỏ nghề vì không còn sức để bám trụ".
Theo chia sẻ của anh Quang, nghề môi giới bất động sản sống bằng tiền hoa hồng, lương hỗ trợ từ công ty chỉ rơi vào khoảng 3 triệu đồng/tháng. Không có giao dịch đồng nghĩa với việc thu nhập của anh Quang chỉ gói gọn trong số lương ít ỏi. Thời gian qua, anh Quang đã phải tiêu cả vào tiền tiết kiệm trước đó.
Lý giải nguyên nhân khiến nhà đất trầm lắng, anh Quang cho rằng, giá bất động sản bị đẩy lên quá cao chỉ trong một thời gian ngắn khiến tỷ lệ giao dịch bất động sản giảm xuống rõ rệt. Điển hình như sản phẩm biệt thự tại dự án mà anh Quang phụ trách chủ yếu có giá hơn trên 10 tỷ đồng/căn, liền kề thì khoảng 7-8 tỷ đồng/căn. Tình hình lại càng khó hơn khi phần lớn người mua đều với mục đích đầu tư, nên khi mức giá lên cao, không còn các gói hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, tình trạng thanh khoản thấp sẽ xảy ra ngay lập tức.
Theo khảo sát, mức giá của các căn liền kề, biệt thự tại Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội) hiện tại có mức giá khoảng 85 – 110 triệu đồng/m2. Thời gian qua, nhiều chủ nhà tại khu vực này đã phải chấp nhận giảm từ 3 – 5 triệu đồng/m2 với hi vọng nhanh chóng chuyển nhượng được các sản phẩm bất động sản ở khu vực này.
“Từ đợt dịch COVID -19 năm 2021, tôi đã rao bán nhà với mức giá “cắt lỗ” nhẹ nhưng hiếm lắm mới có người hỏi thăm. Sau nửa năm, tình hình vẫn không mấy khả quan, tôi buộc phải cắt lỗ sâu hơn, chấp nhận mất hoàn toàn tiền làm nội thất gần 400 triệu đồng, chịu mọi chi phí làm thủ tục sang nhượng, nhưng vẫn chưa có tiến triển gì”, một người có nhà tại Khu đô thị Vân Canh chia sẻ.
Đất nền ở khu vực gần chân cầu Mỹ Độ (Bắc Giang) từng tạo ra những "cơn sốt" đất thu hút hàng chục lượt đấu giá nay chỉ còn lại hàng loạt biển rao bán đất và bán "cắt lỗ". Môi giới nhà, đất tại đây không khỏi chán chường với tình hình thị trường ở thời điểm hiện tại. "Mấy lâu nay, tôi không còn mở cửa văn phòng nữa vì có mở cũng chẳng có khách, hiếm lắm thì có vài nhà đầu tư có nhu cầu thật đến xem, nhưng họ tính toán giá kĩ lắm, k có nhiều hi vọng ", anh Kiên môi giới đất tại Bắc Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Nhật Hoàng, đại diện một sàn môi giới bất động sản tại Bắc Ninh cho hay, tâm lý nhà đầu tư đã không còn như trước, thay vì đổ xô xuống tiền thì họ mua bán cẩn trọng hơn. Đến thời điểm hiện tại, thị trường chưa ghi nhận tình trạng cắt lỗ lớn, nhưng đa phần người mua đều bị giảm lợi nhuận so với mục tiêu ban đầu dẫn đến rời bỏ thị trường. Kịch bản này hoàn toàn đúng với tình hình thực tế trong bối cảnh thị trường đang rơi vào cảnh khó.
Bên cạnh đó, việc ngân hàng siết tín dụng bất động sản cũng là lý do khiến thị trường “ngấm đòn”. Theo ông Hoàng, khách hàng quan tâm đến phân khúc nhà ở có cả nhu cầu ở thực lẫn đầu tư, trong số đó lượng khách mua nhà bằng vốn vay ngân hàng chiếm khoảng 20 - 30%. Chính vì thế, sau khi có thông tin ngân hàng siết tín dụng bất động sản, khách hàng đều có tâm lý e dè trong việc xuống tiền.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn cho rằng, mặc dù giá nhà tăng tăng nhưng chưa hẳn tính thanh khoản sẽ tăng theo, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi giá nhà đất tăng quá cao, tính thanh khoản rất dễ bị ảnh hưởng bởi lúc này khả năng mua sẽ bị hạn chế.
Vừa qua, giá nhà nhiều khu vực xuất hiện mức tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn. Theo khảo sát của phóng viên, thời gian qua, Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới ở phân khúc nhà thấp tầng với mức giá khoảng 120 - 194 triệu/m2, Quảng Ninh ghi nhận ở mức 125 - 175 triệu đồng/m2, trong khi ở Hải Phòng giá rao bán chỉ ở mức 41 - 57 triệu đồng/m2.
TS. Đinh Thế Hiển cảnh báo: “Thị trường hiện nay đang nằm trong giai đoạn đứng hình. Thanh khoản giảm mạnh, người mua không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn mất giá nhiều. Song, nếu để xảy ra tình trạng thị trường đóng băng sẽ còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được, dẫn đến việc sẽ rất nhiều người rơi vào cảnh tay trắng “…
Giai đoạn điều chỉnh giá
Theo nhận định của các chuyên gia, sau thời gian tăng giá mạnh, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh giá. Trong 2 tháng qua, thị trường đã bắt đầu bộc lộ rõ các dấu hiệu hạ nhiệt và sẽ rõ ràng hơn trong thời gian tới. Đây là thời điểm khiến nhiều nhà đầu tư ám ảnh.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao ở thời điểm tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản bị giảm tốc độ trong ngắn hạn.
Đánh giá thị trường trong thời gian này, TS. Sử Ngọc Khương nhận định, khi lạm phát diễn ra giá bất động sản tăng lên, thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có, cộng thêm nhiều nhà đầu tư đầu tư bất động sản thông qua các đòn bẩy tài chính khiến tài sản có thanh khoản thấp gây ra hậu quả xấu cho cả bản thân họ lẫn ngân hàng.
Cũng theo ý kiến của ông Khương, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh mắc phải tình trạng "chết trên đống tài sản" như đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong tương lai, một số nhà đầu tư sẽ buộc phải bán tháo tài sản do không thể chịu được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Đức Toản, Giám đốc công ty bất động sản chia sẻ, những nhà đầu tư ôm hàng ở thời điểm giá chạm đỉnh sẽ có xu hướng giảm giá hoặc “cắt lỗ” khi gặp áp lực tài chính. Theo đó, giá bất động sản sẽ có xu hướng đi xuống, nhưng chỉ ở biên độ rất nhẹ.
TS. Sử Ngọc Khương đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, trước khi quyết định "xuống tiền", cần đặc biệt chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản trong lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản. Khoản tiền chỉ có thể coi là hợp lý nếu được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.