Nghệ An lên kế hoạch sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò về TP Vinh
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư từ Nghệ An đổ xô sang Quảng Bình"săn" đất nềnĐất nông thôn Nghệ An lại lên “cơn sốt”, giá tăng chóng mặt từng ngàyBất động sản Nghệ An hứa hẹn bứt phá trong tương lai gầnTheo tuoitre.vn, tại phiên họp do ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - chủ trì, lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho hay theo nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, quyết định số 52 và quyết định số 827 của Thủ tướng Chính phủ, việc mở rộng TP Vinh và thành lập các phường thuộc TP Vinh là phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
5 phương án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP Vinh đã được tổ soạn thảo đề án mở rộng không gian TP Vinh trình bày để các thành viên UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
UBND tỉnh Nghệ An thống nhất báo cáo Ban chỉ đạo 2 phương án (phương án 2 và phương án 3) về mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP Vinh. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất phương án 3, điều chỉnh toàn bộ thị xã Cửa Lò rộng hơn 29 km2, dân số hơn 57.000, gồm 7 đơn vị hành chính trực thuộc sẽ sáp nhập về TP Vinh. Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 9 xã gồm Khánh Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái và Nghi Vạn của huyện Nghi Lộc, với khoảng 71 km2, dân số 76.000 cũng sáp nhập về TP Vinh.
Như vậy sau khi sáp nhập tổng diện tích TP Vinh là hơn 205 km2 với hơn 482.000 dân, 41 đơn vị hành chính. Tất cả các tiêu chí vượt quy định tại nghị quyết số 1211-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi mở rộng sẽ thành lập thêm một số phường từ các xã để đạt tiêu chí đô thị theo quy định. TP Vinh sẽ thành lập thêm một số phường xã để đạt tiêu chí đô thị (tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên). Khi đó, Nghệ An cũng sẽ điều chỉnh còn 20 huyện, thành phố, thị xã.
Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đánh giá, phương án 3 đạt được mục đích mở rộng không gian để quy hoạch phát triển thành phố; các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập ít xáo trộn; không phải lựa chọn địa điểm để xây dựng trung tâm hành chính huyện Nghi Lộc.
Việc mở rộng sẽ đưa TP Vinh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh. Đồng thời trở thành đầu tàu tăng trưởng, giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu, phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An nói riêng cũng như Bắc Trung Bộ nói chung.
TP Vinh kỳ vọng, sau khi sáp nhập thành phố sẽ có thêm không gian phát triển các khu cụm công nghiệp, tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá, việc mở rộng TP Vinh sẽ làm giảm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị tại trung tâm TP Vinh hiện nay. Tạo sự cân đối giữa nội thành và ngoại thành của thành phố.
Một số điểm bất cập trong công tác quản lý hành chính trong việc mở rộng TP Vinh cũng được đưa ra tại cuộc họp. Đó là cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư. Một bộ phận người dân nông thôn sẽ thành dân thành thị, nếu việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế không được đồng bộ sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho rằng việc xây dựng đề án mở rộng không gian TP Vinh là nhằm thực hiện Quyết định số 52/2015 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có tính đến tình hình thực tế, điều kiện để thực hiện, truyền thống văn hóa, lịch sử của các huyện thị.
Hiện nay, TP Vinh rộng 105 km2, dân số hơn 348.000, với 16 phường và 9 xã.