Ngán đất vàng Thủ đô, nhà đầu tư lên rừng tìm “miền đất hứa”
Lợi thế “vùng trũng”
Anh Phan Hà (50 tuổi, Hà Nội) đang sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp cùng một mảnh đất thổ cư ở Thủ đô song hai năm trở lại đây, anh cùng một số người bạn của mình đã tham khảo, tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản ở cửa khẩu tiềm năng Lạng Sơn. “Bất động sản Hà Nội và các vùng lân cận giờ đang bão hoà, rơi vào tình trạng quỹ đất bị thu hẹp và giá bị đẩy lên cao nên những người đầu tư như chúng tôi muốn tìm đến những “miền đất” mới. Và chúng tôi đã nhắm đến Lạng Sơn, nhất là bây giờ, nhờ có tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nên đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Lạng Sơn còn 2 tiếng thay vì 3,5 tiếng như trước đây” – anh Hà chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Thành, giám đốc một văn phòng nhà đất tại thành phố Lạng Sơn cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đã để mắt tới Lạng Sơn. Ngoài việc tỉnh có quy hoạch phát triển, các thương hiệu lớn bất động sản hội tụ, thì các thị trường bất động sản vùng quanh cũng đang thiết lập mặt bằng giá cao, khiến nhà đầu tư tìm đến Lạng Sơn như một “miền đất hứa” vì có mặt bằng giá cả hợp lý và nhiều dư địa để phát triển cũng như kỳ vọng vào việc tăng giá trong tương lai gần.
Thực tế, những thành phố cửa khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới luôn là tâm điểm thu hút giới đầu tư bởi những lợi thế về thương mại, giao thương hàng hoá, du lịch, giao thông thuận tiện… Có thể kể đến những cái tên như thành phố Johor Bahru (Malaysia), thành phố San Diego (Mỹ)… Đặc biệt, sau hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, khu vực cửa khẩu chính là nơi có điều kiện khôi phục kinh tế mạnh mẽ hơn hẳn các khu vực khác.
Tại Việt Nam, một số khu vực cửa khẩu như Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn… cũng đang là điểm “nóng” của giới đầu tư bất động sản bởi hàng loạt sự ưu tiên về quy hoạch hạ tầng, giao thông đồng bộ, phát triển kinh tế kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm.
Những năm qua, thị trường bất động sản các tỉnh biên giới phía Bắc đã có hiện tượng tăng giá mạnh. Đơn cử như Móng Cái (Quảng Ninh), theo thông tin từ các sàn bất động sản khu vực thì mỗi căn shophouse ở đây đã có giá bán không dưới 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, Lạng Sơn với địa hình hơn 80% là đồi núi, thị trường bất động sản những năm trước nhìn chung ít sôi động hơn so với các tỉnh lân cận.
“Giá bất động sản ở Lạng Sơn vẫn ở mức phải chăng so với các địa phương có biên giới khác trong khu vực nên tỉnh này đang được coi là “miền đất hứa” của giới đầu tư. Lợi thế “vùng trũng” đang khiến các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội để tham gia vào thị trường bất động sản nơi đây” - anh Nguyễn Trung Thành, giám đốc một văn phòng nhà đất tại thành phố Lạng Sơn nhận định.
Sự đổ bộ của những “ông lớn” bất động sản
Theo ông Nguyễn Dĩnh, chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản, với những ưu điểm về vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh, sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, quỹ đất rộng, chính sách thu hút đầu tư cởi mở… Lạng sơn đang trở thành khu vực được giới đầu tư săn đón những năm gần đây.
Phải nói rằng, ít địa phương nào hội tụ được nhiều điểm thuận lợi như Lạng Sơn. Cách Hà Nội 150km, việc đi lại giờ đây đã thuận tiện vì nhờ có đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Không những thế, Lạng Sơn còn là một trong 7 tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, nằm ở nút giao kinh tế với các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Bắc Giang.
Lạng Sơn cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên hai tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP HCM - Mộc Bài, là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Chưa kể, Lạng Sơn còn được ví như một “nàng thơ” kì bí của núi rừng Tây Bắc vì sở hữu nét đẹp hùng tráng, kỳ vỹ mà thiên nhiên ban tặng với vô vàn danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, du lịch nơi đây còn khá hoang sơ, khiến các nhà đầu tư đều muốn khám phá và tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển du lịch trong tương lai.
Khoảng 3 năm trở lại đây, nơi đây đã chứng kiến sự đổ bộ của các ông lớn trong giới bất động sản như Vingroup, APEC, Mường Thanh… với các địa danh quen thuộc như Vincom Lạng Sơn, dự án Tổ hợp căn hộ, thương mại, dịch vụ Apec Diamond Park, Khách sạn Mường Thanh, Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Nà Chuông - Bình Cằm, Mailand Hoàng Đồng…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2022, hàng loạt các dự án tên tuổi đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Khu đô thị mới Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng); Khu đô thị mới Bến Bắc (thành phố Lạng Sơn); Khu đô thị mới Mai Pha (thành phố Lạng Sơn); Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng); Khu hành chính đô thị thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); Khu ở mới sinh thái sông Kỳ Cùng (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn); tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt công nhận đô thị loại V trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…
Về hoạt động đầu tư xây dựng, Sở Xây dựng Lạng Sơn đã thẩm định đối với 20 hồ sơ. Ngoài ra, Sở Xây dựng Lạng sơn cũng đã tiếp nhận 19 hồ sơ hoàn thành công trình, trong đó, hoàn thành, phát hành thông báo kết quả kiểm tra 16 công trình; 03 công trình mới tiếp nhận, đang thực hiện kiểm tra…
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng Bảng giá đất tỉnh giai đoạn 2020-2024, bảng giá đất đề xuất điều chỉnh cho các tuyến đường tại khu vực đô thị và nông thôn giai đoạn này đã tăng trung bình 10 - 30% so với hiện hành. Cùng với đó là chính sách pháp lý chuẩn chỉnh, minh bạch, tạo lợi thế hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.
Trước đó, theo đánh giá của Sở Xây dựng Lạng Sơn, giá bất động sản năm 2020 trên địa bàn tỉnh có tăng hơn so với những năm trước đó. Cụ thể: giá đất nền tăng 15,59%, giá nhà ở riêng lẻ tăng 47,62%; Số lượng giao dịch bất động sản từ năm 2019 đến hết tháng 2/2020 của toàn tỉnh ghi nhận 1.654 giao dịch đất nền thành công, tăng 587 giao dịch so với năm 2018.