Năm 2023, dự án nhà ở xã hội phù hợp sẽ tiếp tục được hỗ trợ đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Hơn 12.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025Thêm 1.500 công nhân tại Bắc Giang có cơ hội mua nhà ở xã hội Dự báo Nhà ở xã hội sẽ là phân khúc bất động sản được kỳ vọng nhiều nhất năm 2023Phát triển dự án bất động sản có giá hợp lý
Theo baogiaothong.vn, báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng cho biết số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công trong năm qua là 19 dự án với khoảng 33.194 căn có tổng diện tích xây dựng 1,8 triệu m2.
Trong đó, có 16 dự án nhà ở xã hội có quy mô 33.194 căn. Tại Bình Dương có 5 dự án với quy mô 20.978 căn; TP Hồ Chí Minh có 4 dự án với 2.444 căn; tỉnh Quảng Ninh có 2 dự án với 1.903 căn; tỉnh Hà Nam có 1 dự án với 564 căn; tỉnh Kiên Giang có 1 dự án với 756 căn; tỉnh Thanh Hóa có 1 dự án với 3.000 căn; tỉnh Quảng Trị có 1 dự án với 180 căn; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 dự án với 97 căn.
Ba dự án nhà ở công nhân với quy mô 3.360 căn. Một dự án tại Quảng Ninh có quy mô 1.000 căn, cung cấp 5.500 chỗ ở; 1 dự án ở Bắc Ninh có quy mô 2.000 căn, cung cấp 11.000 chỗ ở; 1 dự án tại TP Hồ Chí Minh có quy mô 360 căn, cung cấp 1.000 chỗ ở.
Như vậy, đến nay trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, tổng quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, diện tích xây dựng là hơn 7,79 triệu m2.
Có 401 dự án nhà ở xã hội đang tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Trong đó, 254 dự án, quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án, quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp, chú trọng khuyến khích phát triển các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá phù hợp.
Theo Bộ Xây dựng, phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, do đó, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở. Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để xác định nhu cầu vay và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội là điểm sáng của thị trường năm 2023
Trong thời gian qua, không chỉ Chính phủ và các cơ quan chức năng tích cực tạo cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội mà còn có sự chung tay của nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản. Những tín hiệu tích cực này người dân có thu nhập thấp và trung bình sẽ có cơ hội sở hữu căn hộ mơ ước của mình.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ ông hy vọng với những quyết tâm và sự vào cuộc của Chính phủ, các địa phương, chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ sẽ có nhiều khởi sắc không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương khác trên toàn quốc.
Mục tiêu trong năm 2023 - 2024 là gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản, giúp người dân tại các đô thị lớn tiếp cận với cơ hội an cư để lạc nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, điểm sáng trong năm 2023 của thị trường là sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn khi triển khai nhà ở xã hội với quy mô hàng trăm ha.
Ông Thanh dự đoán, lượng lớn các sản phẩm nhà ở xã hội sẽ được hấp thụ nhanh chóng, trở thành chìa khóa để giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Bởi phân khúc nhà bình dân và trung cấp luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ vẫn gặp nhiều khó khăn như thủ tục phê duyệt dự án rườm rà, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn (trong giai đoạn 2016 - 2030 mới chỉ có khoảng hơn 3.000/9.000 tỷ đồng được giải ngân, đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu).
Vì vậy để đạt được mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong các năm tới, cần có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như có chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, tạo cơ chế đặc thù để tiếp cận nguyên nhiên vật liệu đầu vào với mức giá hợp lý, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và những cách thức để giảm chi phí xây dựng mà chất lượng vẫn đảm bảo tuyệt đối.
Về phía các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ trương đầu tư xây dựng, nâng tầm quan trọng của dự án và không có sự phân biệt về chất lượng xây dựng giữa dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với nhà ở thương mại. Cần đảm bảo chất lượng dự án theo đúng quy định pháp luật.
Cần nghiên cứu, tăng cường số lượng căn hộ diện tích nhỏ (25 - 45m2), phù hợp với hộ gia đình nhỏ có 1 - 2 người, đáp ứng điều kiện sống tốt hơn so với những khu nhà trọ hiện nay. Do đó, người dân sẽ được ở trong căn hộ của chính với điều kiện sống đạt mức chuẩn. Tuy nhiên việc tăng cường căn hộ nhỏ cần phải phù hợp với quy hoạch, hạ tầng chung.