Mặt bằng lãi suất huy động tăng trung bình 300 - 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021
BÀI LIÊN QUAN
Lộ diện “nạn nhân” đầu tiên của Fed trước áp lực lãi suất thế chấp tăng mạnhNhìn lại thị trường bất động sản thời kỳ 2011 - 2013 khi lãi suất tăng cao kỷ lụcChịu tác động “kép” vì lãi suất ngân hàng tăng, kịch bản thị trường bất động sản giai đoạn 2011 – 2013 có lặp lại?Lãi suất đạt mức trần 6%/năm ở kỳ hạn 6 tháng
Theo vnbusiness.vn, trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, trong ngày 24/10 Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản. Sau hai lần điều chỉnh, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước Covid-19 khoảng 50 - 100 điểm cơ bản.
Động thái, tăng lãi suất huy động của cơ quan điều hành không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, nhưng diễn biến lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn còn khá phức tạp. Trong toàn hệ thống, các ngân hàng thương mại đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 30 - 100 điểm cơ bản. Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã đưa mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đạt mức trần 6%/năm.
Thậm chí, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank là nhóm thường xuyên có mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường, đến nay đã áp dụng mức lãi suất 7,4%/năm cho các khoản tiền gửi tại quầy và 7,9%/năm với kênh tiền gửi online tăng gần 200 điểm cơ bản so với thời điểm đầu năm 2022.
Không chỉ tham gia “cuộc đua lãi suất” đưa mức lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất để hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, cho biết: “Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid-19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300 - 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021”.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng nóng khi một số ngân hàng đã chấp nhận chi trả mức lãi suất huy động trên 10%/năm nhằm thu hút tiền gửi từ nhóm khách hàng dân cư, tuy nhiên để hưởng mức lãi suất này cần đạt các điều kiện khắt khe.
Ngân hàng VPBank mới điều chỉnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings với mức lãi suất tháng đầu cao nhất lên tới 10,02%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, các tháng sau mức lãi suất còn 8,35%/năm. Đối với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, tháng sau 8,33%/năm. Kỳ hạn gửi 12 tháng, mức lãi suất tháng đầu là 9,68%/năm, tháng sau còn 8,07%/năm. Kỳ hạn gửi 6 tháng có lãi suất 9,17%/năm ở tháng đầu, tháng sau còn 7,65%/năm…
Ngân hàng SCB đang đưa ra bảng lãi suất niêm yết cực hấp dẫn ở nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này là 9,3%/năm dành cho kênh tiền gửi trực tuyến, lĩnh lãi cuối kỳ với các kỳ hạn gửi 15, 18, 24, 36 tháng. Bên cạnh đó, kể từ ngày 02/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022 hoặc đến khi SCB có thông báo mới. Khách hàng gửi mới các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn tại quầy bằng VND tại nhà băng này theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 06 tháng đến 11 tháng được hưởng mức lãi suất Coupon 0,8%/năm.
Ngân hàng VietCapitalBank cũng đưa ra mức lãi suất 8,9%/năm, áp dụng đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng và mức tiền gửi từ trên 100 triệu đồng. Thời gian áp dụng mức lãi suất này đến hết ngày 30/11/2022.
Ngân hàng CBBank áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 26/10/2022. Theo đó, mức lãi suất cao nhất lên tới 8,9%/năm, dành cho tiền gửi thuộc gói sản phẩm Vạn Phát Lộc, kỳ hạn từ 13 tháng cho đến dưới 24 tháng.
Chênh lệch huy động và tín dụng vốn cải thiện nhẹ
Động thái tăng lãi suất huy động mạnh mẽ trong 2 tháng vừa qua đã cải thiện sự chênh lệch giữa huy động và tín dụng vốn, mặc dù sự cải thiện chưa quá rõ ràng.
Số liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước. Cụ thể, tín dụng đến ngày 25/10/2022 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, tăng trên 17%, so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, đây là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
Tuy nhiên, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm; đó là huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, biết diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Theo ông Hà, việc nâng lãi suất điều hành giúp cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, cũng phù hợp với diễn biến lạm phát, tỷ giá trên thế giới.
"Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế", ông Hà nhấn mạnh.
Tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao, trên thị trường ngoại hối trong nước, trái ngược với diễn biến quốc tế, tỷ giá USD/VND vẫn chưa có nhiều sự cải thiện ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Diễn biến này chủ yếu là do tác động bởi tâm lý kỳ vọng và điều này khó có thể giải quyết ngay lập tức.
Hiện tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức kịch trần biên độ mới (5%) so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.880 đồng/USD (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái). Tỷ giá liên ngân hàng ghi nhận ở gần mức giá bán của NHNN (23.870 đồng) và tỷ giá trên thị trường tự do duy trì trên 25.000 đồng/USD xuyên suốt tuần.
Theo báo cáo của Chứng khoán ACB (ACBS) vừa phát hành, các chuyên gia cho rằng, từ giờ đến cuối năm 2022, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành lên 50 - 100 điểm cơ bản, dự báo tỷ giá sẽ dao động quanh mức hiện tại (24.800 - 25.200/USD).