Luật thừa kế đất đai không có di chúc mới nhất, đầy đủ nhất
BÀI LIÊN QUAN
Thủ tướng chỉ đạo: "Chính sách, pháp luật về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích"Luật mua bán đất đai 2022 và những điều cần lưu ýHoREA hiến kế chống “xù” thanh toán tiền đấu giá: Luật sư nói gì?Những quy định của luật thừa kế đất đai không có di chúc
Bố anh Vụ không may mất do tai nạn, do đó chưa kịp lập di chúc. Nay anh Vụ và em trai muốn chia mảnh đất của bố làm đôi. Tuy nhiên, anh Vụ không nắm rõ các thủ tục phân chia tài sản thừa kế.
Để thực hiện việc phân chia mảnh đất của bố, anh Vụ cần phải biết về quyền thừa kế. Cụ thể, tại Điều 609 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế, đó là: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
Như vậy, người thừa kế có thể hưởng thừa kế đất đai theo di chúc hoặc theo pháp luật hoặc vừa thừa kế theo di chúc vừa thừa kế theo pháp luật.
Đối với trường hợp của anh Vụ, khi bố mất chưa để lại di chúc thì phần đất đai mà anh Vụ và em trai muốn chia đôi sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật.
Quy định chia thừa kế đất đai theo pháp luật
Tại khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, đất đai được hưởng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp sau:
Không có di chúc.
Di chúc không hợp pháp.
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, trường hợp của anh Vụ sẽ được hưởng thừa kế đất đai theo pháp luật.
Bên cạnh đó, việc thừa kế đất đai theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản như sau:
Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.
Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.
Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Các đối tượng được hưởng thừa kế đất đai không có di chúc
Căn cứ Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế.
Diện thừa kế là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản. Lưu ý: Quan hệ nuôi dưỡng là con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi.
Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế theo thứ tự sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”
Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (theo khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
Như vậy, anh Vụ và em trai đủ điều kiện để thừa kế lại đất đai của người bố không may mất do tai nạn.
Tuy nhiên trong pháp luật cũng định nghĩa trường hợp thừa kế thế vị. Có nghĩa là rrường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Những quy định trên nhằm hạn chế tranh chấp giữa các bên trong quan hệ thừa kế, đồng thời góp phần điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn trong việc phân chia tài sản.
Cách chia di sản theo luật thừa kế đất đai không có di chúc
Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.
Nếu nhà đất được chia thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy, việc chia thừa kế đất đai không có di chúc ngoài việc phải tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Người nhận thừa kế quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Cụ thể là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Đất đai thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất.
Thủ tục khai di sản thừa kế đất đai không có di chúc
Đất đai là một bất động sản đặc biệt, do vậy khi nhận thừa kế tài sản là đất đai, cần tiến hành khai di sản thừa kế bằng cách tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc đăng ký biến động đất đai. Dưới đây là các bước giúp anh Vụ khai nhận di sản thừa kế của bố anh Vụ.
Bước 1: Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng. Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm có: Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó; Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Bước 2: Công chứng viên tiến hành kiểm tra, xác minh, thụ lý công chứng và niêm yết tại UBND cấp xã nơi có đất. (theo Điều 58 Luật công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP).
Bước 3: Đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai.
Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai. (theo Điều 95 Luật Đất đai 2013, Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Trong trường hợp đã quá 30 ngày mà không đăng ký biến động đất đai thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức thấp nhất là 1.000.000 đồng, cao nhất đến 10.000.000 đồng tùy theo từng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Trên đây là một trường hợp điển hình trong cuộc sống. Việc nắm rõ luật thừa kế đất đai không có di chúc sẽ giúp bạn hiểu rõ cách xử lý nếu gặp trường hợp tương tự.