Những lực cản “bủa vây” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Người mua nhà ở xã hội "choáng" với phí không tênDự án nhà ở xã hội tại Hà Nội mở bán gần 20 triệu đồng/m2, “cò đất" đua nhau bán chênh hàng trăm triệu đồngKhó khăn trong đầu tư nhà ở xã hội tại Việt NamNhiều khó khăn bủa vây
Ngày 17/2, tại Hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng chủ trì, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản.
Theo thông tin từ phía ngân hàng nhà nước, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không cấp bù lãi suất giống như gói 30.000 tỷ đồng trước, mà hoàn toàn sẽ do các ngân hàng thương mại triển khai. Mức lãi suất chỉ thấp hơn lãi vay bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 1,5-2%.
Trong khi đó, theo quy định phát triển nhà ở xã hội hiện tại, mức lợi nhuận của các dự án chỉ khoảng 10%. Như vậy, với mức lãi vay của các ngân hàng thương mại cao như hiện nay, mức ưu đãi của gói lãi suất phát triển nhà ở xã hội sẽ cao hơn mức 10%. Điều này rất khó để các doanh nghiệp hứng thú, hồ hởi đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP Hồ chí Minh cho rằng, mức hỗ trợ lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp. Chưa kể, loại hình nhà ở xã hội trên thị trường đang gặp một loạt vướng mắc về pháp lý khiến các doanh nghiệp muốn làm cũng không được.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, nếu lãi suất ngân hàng còn cao, kế hoạch xây dựng nhà ở giá rẻ chưa rõ ràng thì gói tín dụng này rất khó triển khai trong thực tế. Đây là hai vấn đề cấp thiết cần được xem xét và giải quyết trước khi triển khai gói tín dụng hỗ trợ lần này.
Với mức lãi suất như vậy, nếu giả sử một gia đình vay 800 triệu đồng trong vòng 20 năm để mua nhà thì hàng tháng phải trả lãi và gốc trên dưới 10 triệu đồng. Đối với những gia đình thu nhập thấp thì điều này cũng không hề dễ dàng. Đây là một bất cập và cần có giải pháp điều chỉnh để gói hỗ trợ lần này khả thi hơn trong thực tế.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đinh Ngọc Thịnh cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện hành phải hạ xuống thì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới phát huy hết giá trị. Bởi vì, khả năng hỗ trợ của gói tín dụng này chỉ giảm 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng kỳ. Cho nên, nếu lãi vay vẫn cao như hiện nay thì khó có thể hướng đến đối tượng cho vay là người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vì mức giảm lãi suất không đáng kể.
Còn theo ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ hướng đến ưu đãi lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, số lượng dự án quá ít, thủ tục triển khai phức tạp khiến nhóm người có thể mua được không nhiều.
Theo ông Tuấn, nhu cầu của thị trường vẫn tập trung chủ yếu vào loại hình nhà ở thương mại bình dân, trung cấp. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa đủ nên cần có chính sách hỗ trợ vay cho người mua nhà thương mại thuộc phân khúc này. Điều này không chỉ giúp giải bài toán nhà ở mà còn khơi thông thanh khoản của thị trường và còn khuyến khích nhiều chủ đầu tư tập trung phát triển các loại hình nhà ở vừa túi tiền. Từ đó giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Giải pháp tháo gỡ rào cản
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, quyết định triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Dự kiến, gói tín dụng này sẽ nhanh chóng được triển khai trong thực và tạo ra những thay đổi tích cực cho thị trường bất động sản tế trong vài tháng tới.
Quyết định này đang mang lại nhiều kỳ vọng cho người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đường hướng, để gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được triển khai trong thực tế cần thêm nhiều giải pháp mới, cũng như sự đồng lòng, quyết tâm của nhiều chủ thể tham gia.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, nếu Chính phủ không phát triển nhà ở giá rẻ được thì nên hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển nhóm sản phẩm này. Sự hỗ trợ này thông qua những việc làm sau: cung cấp quỹ đất sạch, giá rẻ, xây dựng giao thông hạ tầng cho các quỹ đất này, hỗ trợ thủ tục pháp lý nhanh chóng, ưu đãi thuế đất; hỗ trợ nguồn vốn vay và quy trình xác minh đối tượng phù hợp. Đồng thời, các cơ quan cần phối hợp, thanh tra và giám sát việc bán các sản phẩm cho đúng đối tượng cần hỗ trợ, ban hành thêm các cơ chế quản lý việc sử dụng, chuyển nhượng đối với nhóm sản phẩm này.
Còn theo PGS. TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát huy hiệu quả, Chính phủ cần phối hợp, triển khai nhiều giải pháp.
Thứ nhất là cần phân tích bên cầu hay bên cung cần hỗ trợ, với tỷ lệ như thế nào để lựa chọn và triển khai đúng đối tượng. Thứ hai là triển khai một cách sớm và kịp thời. Thứ ba là thiết kế chính sách để triển khai với tính khả thi cao.
“Các cơ quan chức năng cần hoạch định, xây dựng phương án triển khai cụ thể, mọi tiêu chí đều phải rõ ràng, tránh tình trạng đưa ra chính sách một cách chung chung. Đồng thời, vấn đề này không chỉ có doanh nghiệp và ngân hàng tự tháo gỡ, mà cần sự phối kết hợp của những cơ quan khác nữa”, ông Long nhấn mạnh.
Giới chuyên gia kỳ vọng, khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai trong thực tế sẽ giúp nhiều người dân mua được nhà ở, thực hiện hóa giấc mơ “an cư lập nghiệp”. Đồng thời, gói tín dụng này sẽ tháo gỡ được những khó khăn hiện tại cho bất động sản, một ngành kinh tế quan trọng, liên quan trực tiếp đến gần 40 ngành nghề khác nhau.