Lạng Sơn: Lợi thế địa đầu Tổ quốc
Tiềm năng kinh tế biên mậu và phát triển du lịch
Lạng Sơn có 231,74 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), là điểm bắt đầu tuyến đường xuyên Việt - Quốc lộ 1A, tổng chiều dài 2.482 km. Con đường giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn thông qua 2 cửa khẩu quốc tế là Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng, trung bình mỗi tháng có khoảng 24.000 lượt xe vận chuyển hàng hóa qua lại địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Lạng Sơn đạt 3.060 triệu USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn cũng phát triển ổn định. Thu ngân sách ba quý đầu năm 2021 đạt 8.127,9 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực du lịch, dù diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng kết quả vẫn khả quan, doanh thu đạt 617,1 tỷ đồng với hơn 1 triệu du khách ghé thăm.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, đánh giá Lạng Sơn là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu cao nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, thế mạnh của Lạng Sơn là tiếp giáp tỉnh Quảng Tây, xa hơn là tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với dân số khoảng 160 triệu người. Đây chính là thị trường khổng lồ Việt Nam có thể chinh phục.
Không chỉ có vị trí giao thương thuận lợi, Lạng Sơn còn được thiên nhiên ưu ái với cảnh quan hùng vĩ, văn hoá đặc sắc và nguồn tài nguyên du lịch đồ sộ. Tỉnh sở hữu hơn 540 di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh cùng các danh lam thắng cảnh và công trình tâm linh nổi tiếng như cụm danh thắng chùa và động Tam Thanh, đền Bắc Lệ, ải Chi Lăng, núi Mẫu Sơn, núi Vọng Phu… Bên cạnh đó, Lạng Sơn còn là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em (Nùng, Tày, Kinh, Dao, H’Mông, Sán Chay, Hoa) với các bản sắc riêng biệt và hơn 365 lễ hội dân gian khác nhau, tạo nên bức tranh văn hoá đa màu, cuốn hút khách du lịch.
Thời điểm trước tác động của dịch bệnh, năm 2018, tổng lượng du khách đến Lạng Sơn đạt 2,8 triệu lượt, trong đó 80% khách quốc tế là người Trung Quốc. Mỗi ngày, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đón 2.000 - 4.000 lượt khách, cao điểm có thể lên tới 6.000 lượt khách/ngày. Để có những bước phát triển về du lịch biên giới, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã hợp tác với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch như: tour Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Bằng Tường (Trung Quốc); tuyến du lịch Lạng Sơn - Nam Ninh; khai thông tuyến du lịch tự lái xe qua biên giới....
Thế mạnh khác của tỉnh Lạng Sơn là sở hữu hạ tầng giao thông được đầu tư và phát triển không ngừng với hàng loạt tuyến đường huyết mạch như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1, Quốc lộ 4B, Quốc lộ 4A…, khoảng cách từ Hà Nội đến thành phố Lạng Sơn chỉ mất hơn 2 giờ đi xe. Có thể thấy, Lạng Sơn đang sở hữu những nền tảng vững chắc để trở thành “mỏ vàng” du lịch khu vực miền Bắc và bất động sản nơi đây được dự báo sẽ có cú chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thị trường “vùng trũng” - thời điểm vàng đầu tư
Theo đánh giá của các chuyên gia, Lạng Sơn là địa phương hiếm hoi hội tụ nhiều lợi thế để phát triển trong tương lai nhưng giá bất động sản lại còn khá “mềm”. So với các địa phương có biên giới khác trong khu vực, phân khúc shophouse tại Lạng Sơn sở hữu mức giá khá thấp, cụ thể: Các sản phẩm shophouse tiêu chuẩn 5 sao thuộc dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn có giá trên dưới 40 triệu đồng/m2, trong khi đó, shophouse Vincom Móng Cái có mức giá hơn 70 triệu đồng/m2, shophouse tại thành phố Lào Cai dao động 57 triệu đồng/m2, khu vực thị xã Sapa vượt giá 100 triệu/m2…
Nắm bắt cơ hội vàng tại thị trường “vùng trũng”, các nhà đầu tư nhạy bén đã tham gia thị trường Lạng Sơn từ sớm, nhiều dự án có thể kể đến như: Vincom Lạng Sơn (Tập đoàn Vingroup); Tổ hợp căn hộ, thương mại, dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Lạng Sơn - Apec Diamond Park; Khách sạn Mường Thanh; Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng Nà Chuông - Bình Cằm…
Tuy nhiên, những dự án hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự tạo sức bật mạnh mẽ cho bất động sản và du lịch của Lạng Sơn. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu chỉ dựa rừng núi và di tích lịch sử thì khó có thể thu hút và giữ chân du khách, Lạng Sơn cần có những dự án xứng tầm để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đi theo lộ trình phát triển du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030, trong tháng 5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Sun Group đã khởi công quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn trên đỉnh núi Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc. Các hạng mục tiếp theo sẽ được triển khai là Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World khu vực đỉnh núi và tổ hợp mua sắm và giải trí đẳng cấp, công viên cây xanh, nhà hát…ở khu vực chân núi Mẫu Sơn.
Dự án được kỳ vọng sẽ đưa Mẫu Sơn trở thành điểm phải đến của du khách quốc tế, đồng thời tạo động lực thúc đẩy du lịch Lạng Sơn bứt phá, cũng như gia tăng thu nhập cho người dân địa phương, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp.
Chung tầm nhìn về tiềm năng phát triển du lịch tại tỉnh Lạng Sơn, cuối tháng 6, Công ty CP Vinpearl và Marriott International - Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới đã công bố hợp tác nâng cấp khách sạn Vinpearl Hotel Lạng Sơn thành Four Points by Sheraton Lạng Sơn, gia nhập chuỗi thương hiệu chất lượng 5 sao toàn cầu của Marriott International.
Nhiều chuyên gia dự đoán giai đoạn tới chính là thời điểm "vàng" để bất động sản Lạng Sơn thiết lập mặt bằng giá mới, đặc biệt là những dự án hiện hữu, có pháp lý an toàn và có công năng sử dụng cao, mức giá sẽ gia tăng đáng kể. Với tiềm năng lớn và lợi thế “vùng trũng”, Lạng Sơn hứa hẹn trở thành điểm sáng thu hút giới đầu tư tiếp tục đổ về trong thời gian tới.