Lãi suất cao tiếp tục “kìm chân” doanh nghiệp bất động sản năm nay
BÀI LIÊN QUAN
Cặp vợ chồng trẻ chốt giao dịch bất động sản vào 26 TếtLiệu có diễn ra “sốt đất” sau Tết Nguyên đán như năm ngoái?Nguồn cung văn phòng sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2023Khó hạ chuẩn lãi suất cho vay trong năm 2023
Suốt nhiều tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu và huy động vốn cũng gặp khó dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, hay trả nợ đúng hạn như đợt cuối năm vừa rồi.
Vốn không có, cộng với lãi suất cho vay tăng cao, cùng với các chi phí đầu vào đều tăng nhiệt từ giá nguyên vật liệu xây dựng đến giá xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ tăng đã làm cho các doanh nghiệp phải “đau đầu” vì các chi phí, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Từ việc đội các chi phí tăng cao, doanh nghiệp thiếu tiền để trả cho các nhà cung ứng, trả lương cho người lao động cho chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Điều này đã được thể hiện thông qua việc hàng loạt các nhân viên, môi giới bất động sản bị cắt giảm lương, hoặc buộc thôi việc như trong thời gian qua.
Không chỉ các doanh nghiệp gặp khó mà ngay cả những khách hàng có nhu cầu mua bất động sản cũng vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Đây cũng là hành động gián tiếp gây ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường. Nhiều dự án bất động sản được tung ra, mở bán nhưng lại không bán được, chủ đầu tư không thu hồi được vốn để tái đầu tư.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, sang năm 2023, khó khăn chung của thế giới hiện nay là lạm phát vẫn gia tăng, thậm chí kéo dài sang đến giữa năm 2023 sẽ tiếp tục tác động lên các nước. Trước xu hướng này, lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo và khó có thể hạ xuống. Bên cạnh đó, tổng cầu của cả thế giới và trong nước đều có sự thu hẹp nhất định. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp đến 70% quy mô, kéo theo thu hẹp tiền lương, hạn chế tiêu dùng trong nước và ngoài nước.
“Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự đắt đỏ hơn trong chi phí tiếp cận các nguồn vốn, từ đó làm tăng chi phí đầu tư. Thậm chí, hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, làm giảm động lực tăng trưởng”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, nếu tiếp tục duy trì lãi suất tăng cao như nửa cuối năm 2022 đến giữa năm 2023 thì tăng trưởng tín dụng sẽ ít có đột phá, buộc phải trông cậy hơn vào nguồn vốn đầu tư công hay nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Theo một chuyên gia bất động sản, lãi suất ngân hàng trong năm 2023 dự báo có thể lên mức 13 – 15%/năm, lãi suất cho vay tăng từ 19 – 20%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục căng thẳng và áp lực sẽ dần được giải tỏa dần trong 6 tháng cuối năm. Điều này sẽ làm cho đồng loạt các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục bị hạn chế và ảnh hưởng.
Lãi suất cho vay hiện nay được cho là sẽ tiếp tục khiến các doanh nghiệp bất động sản “đau đầu”. Cùng với bối cảnh các doanh nghiệp khát vốn vì kênh huy động từ trái phiếu bị tắc nghẽn khiến nhiều danh nghiệp sẽ buộc phải tạm ngưng triển khai các dự án, hoạt động kinh doanh hoặc mở rộng quy mô kinh doanh trong bối cảnh lãi suất vẫn giữ ở mức tăng cao, nhu cầu tiêu dùng hẹp lại. Từ đó, thị trường bất động sản tiếp tục thiếu tính thanh khoản.
Áp lực tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản
Đứng trước dự báo của các chuyên gia về diễn biến xấu của thị trường trong thời gian tới, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục rơi vào thế bí, áp lực đè nặng buộc các doanh nghiệp phải tìm ra lối thoát, hướng đầu tư mới để ổn định doanh nghiệp, bình ổn thị trường bất động sản trở lại.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng biện pháp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng các công trình hay dự án,… tuy nhiên, điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, làm giảm trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Điều quan trọng của thị trường hiện nay là cần phải giải quyết vấn đề vốn để cải thiện nguồn cung khan hiếm, nhu cầu nhà ở và giá nhà đang bị thổi cao trong thời gian qua. Để làm được điều này, thì cần phải khôi phục lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng cách làm dịu tình hình để phục hồi lại lòng tin của các nhà đầu tư và người dân.
Học tập cách làm của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc là về phía ngân hàng thì nên đánh giá, xem xét đâu là doanh nghiệp có tài sản bảo đảm tốt, có khả năng quản trị tốt thì có thể hỗ trợ vốn cho họ để phục hồi công ty, làm dịu đi “cơn khát” vốn của các doanh nghiệp hiện nay.
Việc làm này sẽ giúp các doanh nghiệp tốt, xứng đáng được hỗ trợ vốn sẽ tiếp tục được duy trì hoạt động. Khi đó, lòng tin từ phía người của người dân sẽ nhanh chóng được phục hồi. Thị trường bất động sản được khởi động trở lại, nguồn cung bất động sản gia tăng, nhu cầu nhà ở của người dân được đáp ứng.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành, lĩnh vực chủ động nắm bắt tình hình kịp thời, rà soát lại những điểm nghẽn, khó khăn để kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp.
Có thể thấy, mặc dù đã sang năm 2023 nhưng nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, kinh tế trong nước đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức đan xen. Tuy nhiên, với sự nỗ lực tìm ra các giải pháp từ phía bản thân các doanh nghiệp và Chính phủ, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng bình ổn trở lại.