Liệu có diễn ra “sốt đất” sau Tết Nguyên đán như năm ngoái?
BÀI LIÊN QUAN
Phân khúc nào sẽ là “miếng bánh ngon” cho thị trường bất động sản 2023?Kháng thể giúp bất động sản vượt qua thời kỳ khó khănMôi giới bất động sản mất việc ồ ạt, nỗi lo những ngày cận TếtNhìn lại cơn sốt đất “nóng hổi” đầu năm 2022
Quay lại với thời điểm đầu năm 2022, khi dịch bệnh vẫn đang biến cố khó lường gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự phát triển kinh tế của toàn xã hội. Khi dịch bệnh bắt đầu dần được kiểm soát, ngay lập tức, thị trường như một chiếc “lò xo bị nén” lâu ngày, bật dậy rất nhanh và mạnh mẽ.
Từ khóa “sốt đất” được lan truyền và phủ sóng khắp thị trường bất động sản tại thời điểm bấy giờ. Điển hình là tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh,… được chào bán tăng giá cao gấp nhiều lần so với giá thực tế chỉ trong một thời gian ngắn.
Trong đó, nổi bật là tại Thanh Hóa. Sau Tết Nguyên đán 2022, tại một số khu vực có quy hoạch các dự án lớn hay đất nền tại các vùng lân cận TP. Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa cũng đều tăng giá một cách “chóng mặt”.
Cùng với đó, đất nền tại một số huyện vùng ven Hà Nội như Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai cũng biến động mạnh, đồng loạt tăng giá bán từ 20 – 30%.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khi đó cho thấy, giá đất tại nhiều địa phương sôi sục ngay sau khi Tết kết thúc, mỗi tháng tăng trung bình 10%, thậm chí có những nơi tăng gấp 2 – 3 lần trong 1 – 2 tháng.
Hàng loạt các nhà đầu tư, đầu cơ từ người chưa từng đầu tư đến những người chuyên nghiệp đều đổ xô đi tham gia đấu giá, mua bán phân lô bán nền, mua bán “lướt sóng”,… Điều này đã góp phần tạo nên những cơn sốt, đẩy giá đất tại những khu vực này tăng cao.
Sau Tết Nguyên đán năm 2023, liệu có tiếp diễn “sốt đất” như các năm trước?
Thị trường bất động sản năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục rơi vào giai đoạn trầm lắng, có độ chững nhất định và có nhiều biến động khó lường trước được. Vì thế, hầu hết các phân khúc bất động sản đều đang chịu ảnh hưởng từ việc siết chặt chính sách, tín dụng và chịu tác động từ nền kinh tế chung trên thế giới.
Song, tâm lý chung của các nhà đầu tư, đầu cơ đều đang hy vọng vào giai đoạn sau khi kết thúc Tết Nguyên đán. Bởi năm nào sau Tết, sức mua đều tăng cao kéo theo các giao dịch bất động sản cũng đều tăng theo, nhất là khi làn sóng bán tháo bất động sản đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận xét chung của các chuyên gia, trước những kiểm soát từ chính sách của các cơ quan chức năng đang được đẩy mạnh trên thị trường sẽ có tác động trực tiếp đến sức mua, từ đó làm giảm nguy cơ xảy ra “sốt đất” diện rộng.
Nếu có xảy ra sốt đất ảo sẽ chỉ xuất hiện cục bộ khi tại nơi đó có những người đưa những thông tin sai lệch nhằm tạo sóng. Hoặc cũng chỉ được gọi là sự quan tâm nhiều hơn ở một số khu vực được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông, hoặc những nơi chuyển đổi đô thị. Những khu vực này vốn dĩ luôn thu hút sự chú ý của mọi người nhưng cũng rất khó bị đẩy giá cao vút như năm ngoái.
Theo ông Trần Nhật Trung, chuyên gia bất động sản, những hành động bơm giá, thổi giá hay đẩy giá đất sẽ rất khó thực hiện được trong năm 2023. Nhất là khi Chính phủ đã có can thiệp, điều chỉnh lại trật tự của thị trường, hướng tới cân bằng thị trường địa ốc. Và trong năm 2023, các pháp lý bất động sản sẽ được tháo gỡ dần, giải quyết những tồn đọng của thị trường hiện nay và giúp đưa giá bất động sản về gần hơn giá trị thực.
“Nếu xét về góc độ đầu tư, bản thân các nhà đầu tư đã dần tỉnh táo hơn nhiều sau khi nhận trái đắng từ những đợt sốt đất vừa qua. Họ đã bắt đầu đề phòng và lường trước được những rủi ro khi đầu tư theo kiểu lướt sóng. Bộ phận đầu cơ về cơ bản đã được kiểm soát”, ông Trung cho biết.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của thời đại công nghệ số thì các thông tin về thị trường bất động sản cũng ngày một được minh bạch, công khai hơn. Bất kể ai cũng đều có thể nắm bắt được thông tin một cách dễ dàng thông qua các ứng dụng bất động sản, vì vậy, việc lợi dụng quy hoạch để tạo giá ảo như trước đây sẽ không còn.
Cẩn trọng đầu tư bất động sản trong năm 2023
Mặc dù các chuyên gia đều nhận định khó xảy ra sốt đất diện rộng như các năm trước, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều lo ngại nếu như nhà đầu tư không cân nhắc lại phương thức đầu tư và kinh doanh, nhất là đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, muốn đầu tư theo kiểu lướt sóng.
Bên cạnh đó, sau những đợt điều chỉnh từ Chính phủ thì giá bất động sản đã bắt đầu được kiểm soát nên rất khó xảy ra việc tăng giá “đột biến”, tăng giá gấp nhiều lần trong thời gian ngắn như trước đây. Do đó, trước khi mua bất động sản, người mua nên tìm hiểu kỹ khu vực mình định mua, tham khảo giá đất tại khu vực xung quanh để mua bất động sản đúng giá trị thực.
Đồng thời, nhìn từ bài học các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đang phải “gồng” lãi để cân đối lại tài chính của bản thân trước khi quyết định mua bất động sản nào đó, bởi số tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không thể bù kịp được với số tiền lãi.
Theo ông Trung, các nhà đầu tư nên lựa chọn những chủ đầu tư uy tín kết hợp với việc tìm hiểu kỹ càng về tính pháp lý, hạ tầng, quy hoạch để tránh những rủi ro không đáng có. Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào lợi nhuận thu được từ bất động sản.