Kháng thể giúp bất động sản vượt qua thời kỳ khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Nới room tín dụng thêm 1,5 – 2% là một tín hiệu tốt cho thị trường cuối nămThị trường bất động sản thích nghi với thời kỳ khó khăn
Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong tình trạng trầm lắng, kéo theo nhiều ngành nghề liên quan khác cũng “điêu đứng” theo. Đặc biệt là từ quý III và trong quý IV này, tình hình nền kinh tế có sự thay đổi nhanh chóng và có dấu hiệu chững lại.
Bên cạnh đó, áp lực từ chính sách vĩ mô và tài chính tiền tệ đang trở nên căng thẳng. Giai đoạn tiền rẻ, đồng tiền dễ dãi không còn nữa, thay vào đó là sự kiểm soát chặt chẽ, các điều kiện tài chính cũng ngặt nghèo hơn.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung mà còn góp phần làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản trên thị trường bất động sản. Hơn nữa, từ một số vụ việc vi phạm bị xử lý pháp luật cũng ít nhiều gây “rung lắc” trên thị trường.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, mặc dù thị trường nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng năm 2023 dự báo vẫn tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn và thách thức như trên, tuy nhiên hiện nay và trong thời gian tới vẫn còn nhiều dấu hiệu tích cực giúp thị trường vượt qua giai đoạn này.
Ông Thành cho biết, hiện nay, tỷ giá bớt nóng đã làm giảm sức ép tăng lãi suất cho vay lên nền kinh tế bởi lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn. Chính điều này làm việc điều hành chính sách tiền tệ trở nên “dễ thở” hơn.
Bên cạnh đó, theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tuy nhiên hết tháng 11 mới chỉ dùng hết 12,2%. Mới đây còn tăng 2% room tín dụng, cộng dồn vào thì có khoảng 3,8% room tín dụng. “Mặc dù, chúng ta ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào nông thôn, nông nghiệp, xuất khẩu,… tuy nhiên, không có điều gì có thể ngăn cản các ngân hàng thương mại cho vay lĩnh vực xây dựng, bất động sản nếu việc cho vay đó là tốt”, ông Thành nói.
Nhìn từ việc tiếp tục tăng trưởng “room” tín dụng mới đây, TS. Võ Trí Thành cho rằng điều này mang ý nghĩa tích cực từ phía ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh linh hoạt, thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh.
Ông Thành chia sẻ: “Hành động này như một thông điệp là trong bất kỳ tình huống nào thì bên cạnh việc giữ ổn định thị trường nền kinh tế thì chính phủ và ngân hàng Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến nền kinh tế thực, cũng như lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Ngoài ra, đây cũng là cách để đảm bảo tâm lý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường”.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, nguồn vốn cho tín dụng bất động sản chiếm hơn 20% trong tổng tín dụng. Đây là một con số không nhỏ. Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho bất động sản có chậm lại, nhưng vẫn tăng 9,5% so với năm ngoái.
Bên cạnh gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, thì sắp tới sẽ có thể có cả chương trình phục hồi vài ngàn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho bất động sản. Ông Thành cho hay, hiện nay đang có một số kiến nghị được trình lên Chính phủ về gói tín dụng hỗ trợ bất động sản 100.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có thể có thêm cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh đầu tư công trong cuộc họp bất thường của Quốc hội sắp tới.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản cũng đang tạo ra nhiều “kháng thể” hơn bằng việc nhìn từ việc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào quy trình các hoạt động của bất động sản cũng đang được chuyển đổi, thích ứng tích cực hơn. Điều này sẽ góp phần làm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho việc thanh khoản, tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp địa ốc.
Trên đây là những "kháng thể" tích cực cùng với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản thích ứng trong giai đoạn khó khăn cũng như tìm cách để vượt qua giai đoạn biến động như hiện nay.
Nhiều hy vọng cho thị trường bất động sản 2023
Thị trường bất động sản được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức vào dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Nếu như có các giải pháp điều chỉnh kịp thời, hỗ trợ hiệu quả, thì từ nửa cuối năm 2023 sẽ có sự chuyển dịch và phục hồi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và trong nước có sự ổn định hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, hy vọng nửa cuối năm 2023 những vụ việc vi phạm đến pháp luật sẽ được giải quyết. Cùng với các chính sách giải quyết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giải quyết tháo gỡ những vướng mắc dự án bất động sản sẽ được thực hiện thuận lợi.
“Hiện nay, tổ công tác của Thủ tướng đã được thành lập và triển khai để giúp giải quyết các vướng mắc trên, khi ấy mọi việc sẽ được sáng tỏ hơn. Bên cạnh đó, việc phân bổ tín dụng cũng được rõ ràng hơn đủ cơ sở để thị trường phục hồi. Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ tốt lên hơn nữa”, ông Lực nói.
Hơn nữa, năm 2023 sẽ có nhiều chính sách mới tác động đến thị trường bất động sản. Trong đó, các đạo luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai,… sẽ giúp tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, các dự án địa ốc được triển khai, mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản. Khi ấy, thị trường bất động sản sẽ cải thiện được nguồn cung, góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có nhu cầu ở thực, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình.