meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Lãi suất cao, áp lực trả nợ lớn, khó xoay vốn, doanh nghiệp BĐS nói “đứng trước nguy cơ sống còn”

Thứ tư, 08/02/2023-15:02
Tại Hội nghị tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng năm 2022 rất khắc nghiệt, nhưng năm 2023 thì doanh nghiệp bất động sản đã đứng trước nguy cơ sống còn.

Doanh nghiệp bất động sản mong lãi suất hạ nhiệt

Tại hội nghị tín dụng với Ngân hàng Nhà nước sáng 8/2, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho rằng về lãi suất vay vốn, bất động sản hiện đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với các lĩnh vực kinh doanh khác. Trong khi đó, đối với các bất động sản có đầy đủ cơ sở pháp lý thì không quá nhiều rủi ro so với các ngành kinh doanh khác. Thậm chí các ngành khác còn mối lo về thiên tai, dịch bệnh.

Do đó, ông Phạm Thiếu Hoa cho rằng việc lãi suất cho vay cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Ông Hoa cũng cho rằng việc vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản bảo đảm khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường. Theo đó, với các dự án đầy đủ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường .

Đại diện Vingroup kiến nghị cần có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát dư nợ cho vay bất động sản. Hiện nay khách hàng cá nhân vay mua nhà, chủ đầu tư vay triển khai dự án, nhà đầu tư vay buôn đều tính hết vào dự nợ cho vay bất động sản.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ đặc thù với chủ đầu tư quy mô lớn, uy tín, dự án đam bảo pháp lý, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tránh tình trạng cào bằng giữa các chủ đầu tư và các loại dự án, sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong được giảm dần lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng có thể chịu được khả năng tài chính, trả gốc và lãi.

Bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc của Novaland cho rằng vừa qua diễn ra tình trạng khủng hoảng về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản gặp rất khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu đến hạn.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại... xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ.

Đề xuất giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ

Bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc của Novaland cũng chia sẻ, cuối năm 2022 thị trường có nhiều biến động khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải tái cấu trúc nợ.

“Khi làm việc với các chủ nợ quốc tế, họ nhìn nhận các khó khăn chúng ta gặp phải vừa qua là khó khăn mang tính hệ thống, từ thị trường chứng khoán giảm mạnh, thị trường trái phiếu trầm lắng và nhà đầu tư trên thị trường cũng bị khủng hoảng nặng nề”, bà Phương Nam nói và cho rằng trước tình hình này cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để tái cơ cấu các khoản nợ phù hợp với tình hình Việt Nam, giúp doanh nghiệp tránh tình trạng vỡ nợ các khoản vay.

Đối với các khoản vay trong nước, đại diện Novaland cũng cho biết có nhiều khó khăn và Novaland đang làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng có những quan ngại và áp dụng các biện pháp bảo vệ lợi ích, phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để các tập đoàn được giãn nợ trong 24-36 tháng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng năm 2022 là năm rất khắc nghiệt, nhưng 2023 bất động sản đứng trước nguy cơ sống còn.

“Chúng ta đang trên một con thuyền. Bất động sản khó khăn thì ngân hàng khó khăn, bất động sản tốt lên thì ngân hàng cũng phát triển hơn”, ông Châu nói.

Ông Châu cho hay doanh nghiệp không xin giảm lãi, chỉ đề nghị được tiếp cận khoản vay mới và giữ nguyên nhóm nợ.

Ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cũng cho rằng cần cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp. Đối với Hưng Thịnh, nếu không có chính sách hỗ trợ thì việc nhảy nhóm nợ là sẽ xảy ra.

“Chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại, gia hạn nợ để tránh nhảy nhóm nợ, hỗ trợ doanh nghiệp vay được khoản vay tiếp theo để sản xuất kinh doanh”, đại diện Hưng Thịnh Land nêu.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng hiện nay lãi suất tăng rất cao và ảnh hưởng tới giá thành khi đưa ra, người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

“Chúng tôi cũng có những kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, vừa túi tiền thì hiện nay chúng tôi cũng đang bị bế tắc. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị giảm lãi suất đề người dân tiếp cận được nhà vừa túi tiền”, Hưng Thịnh Land nêu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng kiến nghị về giãn nợ, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ là vấn đề quan trọng. "Đây là ý kiến xác đáng, tuy nhiên giải pháp nào để hài hòa, đồng bộ, không phân biệt đối xử với các ngành nghề thì cần tính toán phù hợp”, ông Hùng nói.

Về cơ cấu kỳ hạn nợ, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay nhu cầu tín dụng với bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10 - 25 năm), trong khi đó nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn). Do vậy, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp thì có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản.

Không nới lỏng điều kiện tín dụng

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, cá nhân khi tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, tập trung nguồn vốn vào các dự án khả thi, đảm bảo pháp lý, có khả năng hoàn thành, tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng nâng cao chất lượng tín dụng và không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu; kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp hiện đang dư thừa nguồn cung; phân khúc có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn hoặc liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...

Về chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Hoài Phong
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Người Hà Nội ưu tiên chung cư, TP.HCM chọn nhà riêng

Bất động sản bất ngờ dẫn đầu lợi nhuận của quý IV/2024

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

Thị trường chung cư cuối năm: Môi giới liên tục mời bán giá cao nhưng chủ yếu "hỏi để đấy"

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "nằm im" trong cuộc đua phục hồi

Cho vay mua nhà dự kiến sẽ tăng trưởng 15% trong năm 2025

Hà Nội: Năm 2025 nguồn cung căn hộ bất ngờ giảm nhẹ

4.000 căn nhà ở xã hội sắp “đổ bộ” thị trường: Giá nhà Hà Nội sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2025?

Tin mới cập nhật

Hàn Quốc: Phát triển robot “Iron Man”, giúp người bị liệt nửa người có thể đi lại

1 giờ trước

Người Hà Nội ưu tiên chung cư, TP.HCM chọn nhà riêng

1 giờ trước

Bất động sản bất ngờ dẫn đầu lợi nhuận của quý IV/2024

1 giờ trước

Hà Nội "ra tối hậu thư" cho dự án NOXH của Liên danh Handico - Viglacera

1 giờ trước

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

1 ngày trước