Giá xăng dầu leo thang khiến lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất trong 4 thập kỷ
BÀI LIÊN QUAN
Hết Mỹ, Anh, đến Đức ‘khủng hoảng giá’: Nhiều người đi xin ăn, mua bánh mì còn phải đắn đoNgười Mỹ ‘méo mặt’ vì lạm phát, chỉ dám mua thực phẩm giá rẻ cho con ăn qua ngàyMỹ thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA phòng HIVTheo VnEconomy, Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày 12/4 cho thấy trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 - thời điểm CPI của Mỹ tăng lên mức 8,9%.
Mức tăng này cao hơn so với đỉnh cũ là mức tăng 7,9% thiết lập vào tháng 2, đồng thời cao hơn mức dự báo tăng 8,4% mà giới chuyên gia kinh tế đã đưa ra trước đó.
Theo trang tin CNN Business, phần lớn lạm phát trong tháng 3 vừa qua tại Mỹ liên quan tới giá xăng dầu và thực phẩm. Những nhóm mặt hàng này tăng giá mạnh khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến giá hàng hoá cơ bản toàn cầu tăng vọt.
Ngoài ra, giá nhà tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao hơn. Trong tháng 3 vừa qua, giá xăng tại Mỹ tăng hơn 18% so với tháng 2. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng ở nước này đã tăng tới 48%.
Nếu không tính hai nhóm mặt hàng biến động đó là năng lượng và thực phẩm thì lạm phát lõi tháng 3 ở Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái là 6,5%, cao nhất kể từ tháng 8/1982. Tuy vậy, so với tháng 2, CPI lõi tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng 0,5% mà giới phân tích đã đưa ra trước đó.
Giá năng lượng tại Mỹ đã tăng cao 32% trong 1 năm qua, trong khi giá thực phẩm đã tăng 8,8%. Đây là mức tăng giá thực phẩm cao nhất ở nước này kể từ tháng 5/1981.
Những mặt hàng có mức độ biến động lớn về giá cả là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao ở Mỹ trong tháng 3, nhưng dữ liệu này cũng cho thấy áp lực tăng giá đã lan rộng khắp nền kinh tế - theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas RSM US.
Ông Brusuelas nói: "Lạm phát có thể sẽ sớm đạt đỉnh. Tuy vậy, sẽ khó có chuyện lạm phát giảm nhanh trong thời gian ngắn".
Những nhà hoạch định chính sách tại Washington DC đang dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của lạm phát đối với những hộ gia đình Mỹ. Trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng do chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ved) thực hiện, kỳ vọng của người Mỹ về lạm phát trong 1 năm tới đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này ra đời.
Trong một báo cáo, chuyên gia kinh tế trưởng Brusuelas cho biết: "Cú sốc về giá cả đang ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Mỹ. Cú sốc về giá năng lượng sẽ sớm xảy ra do hậu quả từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và khả năng Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ cấm vận dầu thô và khí đốt của Nga. Động thái nào đó từ EU cũng đều gây biến động lớn về giá dầu trên toàn cầu".
Fed đã bắt đầu tăng lãi suất trong tháng 3, kết thúc chương trình mua tài sản triển khai trong đại dịch Covid-19. Fed dự kiến có thêm 5 - 6 lần nâng lãi suất trong năm nay, trong đó có thể sẽ có những lần tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, và sẽ sớm cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán.
Mọi dự định thắt chặt quyết liệt này đều có mục đích đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Tuy vậy, công cụ chính sách tiền tệ luôn cần có thời gian để phát huy tác dụng, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ còn phải chịu áp lực giá cả thêm một thời gian dài nữa trước khi được giải toả khỏi sức ép này.
Không chỉ giá thực phẩm hay xăng dầu mà giá nhiều nhóm sản phẩm và dịch vụ khác như vé máy bay, đồ nội thất và bảo hiểm xe cộ ở Mỹ cũng tăng giá trong tháng 3 vừa qua.
Chuyên gia kinh tế trưởng Brian Coulton của Fitch Ratings nhận định: "Có một tin tốt là lạm phát lõi đã giảm tốc so với tháng trước", ông nhấn mạnh sự giảm tốc này chủ yếu do giá ô tô đã giảm nhẹ.