Giá trúng đấu giá đất vẫn ở mức cao
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao đấu thầu, đấu giá đất ở thủ đô gặp nhiều khó khăn?Nhà đầu tư trúng đấu giá đất thi nhau bỏ cọc tại địa phương nàySự bất ổn tại các phiên đấu giá đấtNgười tham gia đấu giá ít
Theo markettimes.vn, Hà Nội là một trong những địa phương liên tiếp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian gần đây, đặc biệt tại các huyện vùng ven như Sóc Sơn, Đông Anh, Hà Đông…
Tại Sóc Sơn, UBND huyện này mới đây đã thông báo việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 50 thửa đất tại khu đấu giá quyền sử dụng đất số 1 thuộc thôn Hương Đình, xã Mai Đình. Trong đó, 12 thửa đất đấu giá có tại Sóc Sơn có mức giá khởi điểm là 31,6 triệu đồng/m2. 38 thửa đất có giá khởi điểm từ 26,8 triệu đồng/m2. Với 50 thửa đất tham gia đấu giá lần này, huyện Sóc Sơn kỳ vọng tổng số tiền thu về ít nhất là 144 tỷ đồng.
Tại khu vực huyện Đông Anh, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh cho biết, đưa ra đấu giá 25 thửa đất thuộc khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà do Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia ra thông báo đấu giá tài sản. Diện tích của 25 thửa đất này dao động từ 90 - 144,08 m2 với mức giá khởi điểm đấu giá từ 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2.
Cũng tại huyện này, 36 thửa đất thuộc thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cũng được đưa ra đấu giá. Các thửa đất có diện tích dao động từ 66 - 126,82 m2, mức giá khởi điểm từ 31,2 - 35,9 triệu đồng/m2.
Hai phiên đấu giá quyền sử dụng đất trước đó tại huyện Đông Anh đã thu hút hơn 200 người tham gia đấu giá, trong đó mức giá trúng đấu giá cao nhất lên tới gần 57 triệu đồng/m2.
Tại phiên đấu giá 27 thửa đất tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú theo ban tổ chức có 98 nhà đầu tư tới tham gia đấu giá. Diện tích các thửa đất tham gia đấu giá từ 90 m2 đến 164,17 m2; tổng diện tích 27 thửa đất tham gia đấu giá lên tới gần 2.600 m2. Mức giá khởi điểm của các thửa đất này từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2. Ở phiên đấu giá này, mức giá trúng đấu giá cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; mức giá trúng thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá khác, 27 thửa đất tại thôn Dục Tú, xã Dục Tú được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất này từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào diện tích và vị trí.
Tại phiên đấu giá này có tới 109 nhà đầu tư tham gia đấu giá, mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng, mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Kết quả phiên đấu giá tổng số tiền thu về là hơn 112 tỷ đồng.
Quận Hà Đông dự kiến đấu giá 31 thửa đất thuộc 3 phường là Phú Lương, Dương Nội, Yên Nghĩa. Tại phường Phú Lương có 20 thửa đất đấu giá lần này, trong đó 17 thửa đất thuộc Hạ Khâu, có giá khởi điểm từ 67,544 triệu đồng/m2; 3 thửa đất thuộc Đống Đanh - Đồng Cộc, diện tích từ 67,1 - 69,8m2, giá khởi điểm 75,895 triệu đồng/m2. Tại phường Yên Nghĩa có 2 thửa đất thuộc Sau Chùa, diện tích dao động từ 65,3 - 72,1 m2, mức giá khởi điểm 76 triệu đồng/m2. Tại phường Dương Nội có 9 thửa đất thuộc khu Dược, diện tích các thửa đất này từ 48,7 - 66,8 m2. Giá khởi điểm từ 79,9 - 82 triệu đồng/m2.
Trúng đấu giá nhưng sẵn sàng bỏ cọc
Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở. Trong 2 năm trở lại đây, đấu giá quyền sử dụng đất lại trở thành một thị trường đầu cơ mới. Các suất trúng đấu giá liên tục bị mua đi bán lại. Nếu không bán được, nhà đầu tư lập tức bỏ cọc.
Về việc giá đất sau đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm theo cấp số nhân, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, nhu cầu bất động sản sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó nguồn cung lại hạn hẹp khiến giá ở các phân khúc bất động sản đều sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.
“Đất sau đấu giá liên tục đạt ngưỡng kỷ lục càng chứng tỏ rằng nguồn cung đang rất thiếu, mảnh đất sẽ thuộc về người thật sự có nhu cầu sử dụng. Với tâm lý hiện nay, người tham gia đấu giá cho rằng nguồn cung hạn chế, nhu cầu đầu ở, đầu tư lại rất nhiều nên việc đấu giá cao như vậy là tất yếu, giá thiết lập dựa trên quan hệ cung - cầu”, PGS. TS. Ngô Trí Long chia sẻ.
Một vị lãnh đạo Hà Nội cho biết, số lượng nhà đầu tư quan tâm đến đấu giá đất đã giảm mạnh. “Nếu như trước đây, dân đầu tư địa ốc săn đất đấu giá rất nhiều thì hiện tại lượng anh em đi làm hồ sơ, tham gia ít hẳn. Nếu như thời điểm trước, mua xong bán lại đã có lời ngay thì bây giờ, bán rất chững. Phải xác định có vốn trường, để vài năm mới dám mua đất đấu giá”.
Khu vực Hà Đông các phiên đấu giá đất gần đây khá ít người tham gia. Trong khi đó, khu vực Đông Anh từng “sôi sục” vì đất đấu giá thì nay lượng người tham gia không còn sôi động và đông đảo như trước nữa.
Một tỉnh cũng từng chứng kiến hiện tượng sốt đất như Bắc Giang, mới đây cũng đã tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng 118 lô đất có vị trí tại khu dân cư các xã Quang Châu, Việt Tiến và thị trấn Bích Động.
Theo ban tổ chức, có 866 hồ sơ của 334 khách hàng tham gia đấu giá. Tuy nhiên chỉ có 85 lô đất đấu giá thành công, 32 lô đất không có ai tham gia đấu giá. Tổng số tiền thu về của 85 lô đất là hơn 200 tỷ đồng, chênh lệch so với mức giá khởi điểm là 59,5 tỷ đồng. Trong đó, gần 20 lô có giá trúng chênh lệch hơn 1 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Lô đất có diện tích 112 m2, có giá trúng cao nhất hơn 4,26 tỷ đồng, chênh lệch hơn 504 triệu đồng so với giá khởi điểm.