Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bình Dương là 12.182 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Bình Dương sắp có thêm 1.000 căn hộ nhà ở xã hội Hàng loạt dự án giao thông liên vùng tại Bình Dương sắp được triển khai Bình Dương: Những “cú huých” tạo đà cho thị trường bất động sản Tân UyênNguồn thu lớn từ thu sử dụng đất
Theo baodautu.vn, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 12.182 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương 9.040 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương 3.142 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách địa phương có nguồn thu khá lớn từ thu sử dụng đất 2.500 tỷ đồng, xổ số kiến thiết 1.670 tỷ đồng…
Sau khi nghị quyết được thông qua, UBND tỉnh Bình Dương sẽ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan Trung ương nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư công của tỉnh trong năm tới. Đồng thời, rà soát, bổ sung, cập nhật các nguồn vốn theo kế hoạch Trung ương giao mỗi năm, vốn đầu tư từ bộ chi ngân sách tỉnh và khả năng huy động thực tế của địa phương và báo cáo HĐND tỉnh Bình Dương trong kỳ họp gần nhất.
Mới giải ngân được 3.692 tỷ đồng
Ngày 1/11, UBND tỉnh Bình Dương đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội thường kỳ tháng 10/2022. Theo đó, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 10 năm nay, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, các chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 15/10/2022, đầu tư trong nước thu hút được 9.444 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế trong 10 tháng đầu năm, thu hút được 75.913 tỷ đồng.
Tính đến 15/10/2022, đầu tư nước ngoài thu hút được 119 triệu USD. Lũy kế trong 10 tháng đầu năm thu hút được 2 tỷ 738 triệu USD (tăng 57% so với cùng kỳ).
Bên cạnh những kết quả trên, điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh Bình Dương trong những tháng qua là giải ngân vốn đầu tư công đạt mức rất thấp. Tính đến 15/10/2022, vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương mới giải ngân được 3.692 tỷ đồng (tương đương 41,4% kế hoạch năm 2022).
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Dương đã giao là 8.909 tỷ đồng, phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Hiện các dự án mà tỉnh Bình Dương đang đặc biệt quan tâm, gồm: Dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh; Dự án mở rộng, nâng cấp đường Quốc lộ 13 (đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến hết địa phận thành phố Thuận An (Bình Dương); Dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai.
Như vậy, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2022 thì với mức giải ngân của tỉnh Bình Dương là rất thấp.
Nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Bình Dương chậm đã được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giải thích. Theo vị này, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm là khó khăn chung chứ không riêng gì tỉnh Bình Dương.
Ông Dương Tấn Thành, trưởng phòng Tổng hợp - Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết 3 nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Một là khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do giá đất tăng cao.
Hai là giá vật tư có nhiều biến động khiến giá thành thi công tăng cao, đặc biệt tại các dự án lớn. "Nhiều chủ đầu tư có tâm lý chờ đợi Nhà nước có chính sách điều chỉnh giá vật tư, sau đó mới tiếp tục tiến hành thi công", ông Thành nói.
Ba là liên quan đến công tác thẩm định giá. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ án liên quan đến thẩm định giá đất nên công tác thẩm định giá đất ở tỉnh Bình Dương cũng chịu tác động không nhỏ.
Ông Thành cho biết, một số đơn vị thẩm định giá tỏ ra ngần ngại, đặc biệt là thẩm định giá đối với các dự án đầu tư công. Trong khi đó, chi phí thực hiện thẩm định giá lại không cao, khiến các đơn vị thẩm định giá dự án đầu tư công không mặn mà, dẫn tới chậm trễ trong thẩm định giá đất. "Sau cùng là ảnh hưởng đến việc trình lên Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh để tiến hành giải phóng mặt bằng", ông Thành giải thích.
Từ những nguyên nhân trên, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao từ đầu năm, trong 2 tháng còn lại của năm 2022, tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện 4 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ hai là chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ nhằm ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, đẩy nhanh thời gian thẩm định, xử lý hồ sơ. Yêu cầu các đơn vị này tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba là thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Về phía các đơn vị chủ đầu tư cần thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công.
Thứ tư là thường xuyên, định kỳ tổ chức cuộc họp giữa các chủ đầu tư để rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn. Đối với những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, tiêu cực tỉnh Bình Dương sẽ kiên quyết thay thế kịp thời và xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.