Bình Dương: Những “cú huých” tạo đà cho thị trường bất động sản Tân Uyên
Đề án thành lập thành phố
Từ năm 2018, thị xã Tân Uyên đã đạt chuẩn đô thị loại III. Đến nay, thị xã đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực. Kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại và đồng bộ; an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Chính quyền địa phương đang có những bước điều chỉnh quy hoạch, khai thác nguồn lực công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao để chuẩn bị lên thành phố năm 2023.
Đối chiếu các tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh được quy định tại Điều 5, Nghị quyết 1211 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã Tân Uyên đảm bảo đạt 5/5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.. Dân số toàn thị xã có hơn 421.000 người, tương đương TP Dĩ An và vượt xa TP Thủ Dầu Một, khoảng 341.830 người.
Theo đại diện lãnh đạo Tân Uyên, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật đô thị cơ bản phù hợp quy hoạch. Các dự án đầu tư xây dựng đô thị triển khai thuận lợi đã từng bước thay đổi diện mạo không gian cảnh quan, thu hút lượng lớn lao động đến sinh sống và làm việc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hiện thị xã Tân Uyên đang hoàn thiện các thủ tục để nâng cấp lên thành phố. Dự kiến, giữa năm nay, Tân Uyên sẽ hoàn thành đề án gửi Sở Nội vụ, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương, sau đó trình Trung ương theo quy định.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, việc lên thành phố sẽ là “cú huých” lớn cho thị trường nhà đất tại Tân Uyên. Thực tế cho thấy, cả Dĩ An và Thuận An của tỉnh Bình Dương đều thiết lập mặt bằng giá mới sau khi lên thành phố. Tại Dĩ An, một dự án nhà phố được rao bán với giá khoảng 30 triệu đồng/m2 vào thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, đến tháng 4/2020, khi Dĩ An lên thành phố, giá giao dịch đã tăng lên 40 - 45 triệu đồng/m2. Tại Thuận An, giá bất động sản khoảng 16 triệu đồng/m2 vào năm 2019. Đến khi Thuận An chính thức lên thành phố vào năm 2021, có tới 75% các dự án mới tại đây đã tăng giá, từ 31 triệu đồng/m2 trở lên.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp
Cùng với đề án thành lập thành phố năm 2023, Tân Uyên đang được chính quyền tỉnh Bình Dương ráo riết đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông và các tiện ích xã hội.
Tân Uyên là địa phương có vị trí khá đắc địa, nối liền các TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An cùng mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện đến TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai) qua các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13, ĐT 743, ĐT 746.
Để nâng loại đô thị Tân Uyên đạt tiêu chí loại II năm 2023, chính quyền địa phương đã và đang triển khai hàng loạt các công trình hạ tầng quan trọng như nâng cấp đường ĐT 747B với lộ giới quy hoạch từ 42m - 74m, đường ĐT 746 lộ giới từ 35,5m - 42m. Đồng thời, xúc tiến đầu tư một loạt dự án giao thông trọng điểm, nổi bật là đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên…
Báo cáo Kế hoạch phát triển nhà ở Bình Dương giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ dành ra 1,600 ha đất cho các dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 130,000 tỷ đồng. Trong đó, Tân Uyên đứng đầu khi cần đến 274 ha, vốn đầu tư hơn 22,000 tỷ đồng để phát triển nhà ở mới.
Cùng với đó, các tuyến giao thông đối nội quan trọng, kết nối các trục đường chính đô thị và các khu phố như đường Tân Phước Khánh 10, đường LKV13 cũng được chính quyền Tân Uyên đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên 28m.
Địa phương cũng đã chính thức khởi công cầu Bạch Đằng 2 vượt sông Đồng Nai tạo thêm hướng kết nối đến thành phố Biên Hòa, sân bay Long Thành, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Dự án gồm cầu và đường nối có quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Dự kiến đi vào hoạt động năm 2023.
Các dự án Vành đai 3, Vành Đai 4 khởi động đã mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên - hạt nhân trong quy hoạch phát triển thành phố thông minh của tỉnh. Theo nhiều nhà đầu tư lâu năm, các tuyến đường mới được mở rộng, tăng khả năng liên kết vùng, chạy qua cảng biển, sân bay, các khu công nghiệp lớn thì không có lý do gì để thị trường bất động sản tại Tân Uyên không phát triển.
“Đòn bẩy” khu công nghiệp
Nhiều yếu tố cộng hưởng từ chiến lược lên thành phồ, kế hoạch phát triển hạ tầng góp phần nâng tầm thị trường bất động sản Tân Uyên. Ngoài ra, tốc độ phát triển công nghiệp và đòn bẩy khu công nghiệp VSIP III cũng giúp giá nhà đất ở đây tăng lên.
Thực tế, trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực TP Dĩ An, TP Thuận An gần như cạn kiệt, tỉnh Bình Dương đã chuyển hướng quy hoạch các khu công nghiệp lớn tại những khu vực còn nhiều diện tích trống và thị xã Tân Uyên nằm trong số đó. Theo kế hoạch của tỉnh, quỹ đất để phát triển khu công nghiệp tại Tân Uyên là khoảng 1.630ha.
Hiện nay, thị xã Tân Uyên tiếp tục hoàn thiện các cụm, khu công nghiệp hiện hữu (Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, VSIP II, cụm công nghiệp Uyên Hưng, Thái Hòa, Phú Chánh) và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dọc trục đường Vành đai 4 như VSIP III, Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2...
Đối với các khu sản xuất tập trung và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư, thị xã từng bước thực hiện việc di dời. Đồng thời, đẩy mạnh tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, logistics, tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính ngân hàng tại các khu vực trung tâm như Uyên Hưng, Tân Phước Khánh…
Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp sẽ khiến thị xã đứng trước sức ép lớn về nhu cầu nhà ở cho hàng triệu chuyên gia, kỹ sư và công nhân. Điều này khiến Tân Uyên trở thành mảnh đất hấp dẫn để đầu tư bất động sản gần các khu công nghiệp.
Nước chảy chỗ trũng
Một yếu tố nữa giúp bất động sản tại Tân Uyên phát triển là bởi giá ở đây còn khá “mềm”. Nhiều chuyên gia đánh giá, có thể sẽ có hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” khi nhà đất ở các địa phương xung quanh đang tăng cao.
Cụ thể, hiện nay, tại các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, việc có quá nhiều nhà đầu tư đổ dồn vào khiến những nơi này trở nên "chật chội". Thậm chí, nhiều khu vực, mức giá đã ngang ngửa TP Hồ Chí Minh
Tại Tân Uyên, giá đất ở đây còn rẻ, trong khi cơ hội tăng giá lại rất tốt, nhất là với phân khúc đất nền, nhà phố. Bởi vậy, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư tại Tân Uyên, bởi một khi địa phương này lên thành phố, mức giá sẽ khác hẳn. Nhiều nhà đầu tư hy vọng, sau 3 thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, Tân Uyên sẽ là cái tên tiếp theo có bước tiến vượt trội về tăng trưởng bất động sản. Hiện, giá nhà đất tại Tân Uyên còn khá mềm, dao động ở ngưỡng 24 – 25 triệu/m2 đối với khu vực trung tâm và 15 – 20 triệu/m2 đối với khu vực xa trung tâm, dư địa tăng giá còn cao so với tiềm năng khu vực.
Thực tiễn, những tiền lệ trước đây đã chỉ ra rằng, quy hoạch, đặc trưng là phát triển đô thị luôn tạo sức bật để giá bất động sản tăng cao.