Doanh nghiệp phá sản, môi giới mất việc, thị trường BĐS “ngóng” lãi suất hạ nhiệt
BÀI LIÊN QUAN
Từ hôm nay, lãi suất huy động giảm mạnh, nên gửi tiết kiệm ở đâu có lãi cao nhất? PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Lãi suất cho vay từ nay đến tháng 4 dự báo tiếp tục hạ khoảng 1,5-2%Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suấtMôi giới mất việc hàng loạt
Trước sự trầm lắng của thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 tới nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản cũng như sàn giao dịch không thể cầm cự, buộc phải giảm phần lớn nhân sự hoặc dừng hoạt động.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), trong 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể lên tới 235 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Báo cáo Thị trường bất động sản năm 2022 của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố giải thể tăng tới 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp môi giới cũng lâm vào tình trạng lỗ nặng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của người lao động và thậm chí phải đóng cửa văn phòng. Việc lãnh đạo doanh nghiệp phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng không còn là chuyện hiếm.
Một lãnh đạo của Đất Xanh Miền Bắc cho biết, đã cho nghỉ việc khoảng 70% số lượng nhân sự. Thậm chí, vị này cho hay tình hình năm 2023 còn nhiều khó khăn hơn so với năm 2022.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, khoảng 80% lực lượng. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, dừng triển khai các dự án mới…
Ông Đinh Văn Quyết, Tổng giám đốc Sealand Group cho rằng thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản gần như đóng băng, các công ty bất động sản và dịch vụ bất động sản phải cắt giảm nhân sự, giảm quy mô, thậm chí đóng cửa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến những người hành nghề môi giới bất động sản, khiến họ phải nghỉ việc và chuyển sang những nghề khác hoặc quay lại công việc trước khi làm môi giới bất động sản.
Ông Quyết cho rằng số lượng môi giới mới vào nghề hoặc làm môi giới tự do đa phần bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lý do là thu nhập chính của họ là phí môi giới, trong khi cả mấy tháng không có giao dịch thì bắt buộc họ phải chuyển sang ngành nghề khác để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
“Còn những người hành nghề lâu năm thì đa phần họ vẫn bám nghề để chờ thị trường ấm lên, họ vẫn kiếm việc khác để bổ sung thêm cho nguồn thu nhập”, ông Quyết chia sẻ và cho hay những môi giới có kinh nghiệm họ chuyển sang môi giới các phân khúc bất động sản khác hiện nay vẫn có nhu cầu giao dịch như bất động sản cho thuê, bất động sản thương mại và các phân khúc nhu cầu thực.
“Thực tế, những sản phẩm bất động sản đẹp và giá cả hợp lý vẫn có giao dịch, vẫn có nhu cầu mua để ở hoặc kinh doanh”, ông Quyết nêu.
Đối với doanh nghiệp của mình, ông Đinh Văn Quyết chia sẻ: “Doanh nghiệp của chúng tôi nhỏ, với nhân sự ít nên cũng thích ứng nhanh với thị trường ảm đạm. Chúng tôi chỉ giữ lại các nhân sự chủ chốt và bộ phận quản lý sàn, các nhân sự mới đều chuyển họ sang các công việc khác mà hiện nay công ty đang kinh doanh như hoặc chấm dứt hợp đồng lao động”, ông Quyết nói.
Mong hạ lãi suất hạ nhiệt
Ông Đinh Văn Quyết cho rằng, hiện nay Chính phủ cũng đang rất quan tâm đến ngành nghề bất động sản và đã có những chính sách kịp thời tháo gỡ cho thị trường, bởi vì bất động sản ảnh hưởng rất nhiều đến ngành nghề khác. Tuy nhiên những chính sách của Chính phủ cũng không thay đổi ngay được.
“Mấu chốt có hai vấn đề cần tháo gỡ để thị trường phát triển. Thứ nhất, lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay quá cao làm cho nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu không mặn mà với bất động sản, trong khi đa phần mua bất động sản là đi vay. Thứ hai, là tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản. Có những dự án bất động sản kéo dài nhiều năm chưa xong thủ tục pháp lý làm cho dự án không triển khai được. Điều này kéo theo giá cả bất động sản tăng cao do chủ đầu tư đổ rất nhiều chi phí vào dự án…”, ông Quyết nêu.
Ngoài ra, ông Quyết cũng chia sẻ, Luật Đất đai đang lấy ý kiến để thông qua vào kỳ họp Quốc hội lần tới và hàng loạt các luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng điều chỉnh và có hiệu lực sang năm 2024. “Do vậy theo dự báo của cá nhân tôi thì thị trường bất động sản trong thời gian tới còn vẫn tiếp tục khó khăn, có thể là đến quý 4/2023 mới phục hồi”.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng cho rằng, nhà đầu tư, doanh nghiệp mong được hạ lãi suất và có giải pháp khơi thông nguồn vốn.
“Từ quý 2.2022 đã có dấu hiệu nghẽn vốn trong nền kinh tế, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn bởi không vay được vốn hoặc không dám vay vốn vì lãi suất quá cao, nhiều điều kiện đi kèm. Do đó, việc khơi thông nguồn vốn và hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay sẽ giúp thị trường bất động sản ấm trở lại. Đồng thời điều này cũng giúp nhiều ngành nghề phục hồi”, ông Quê nói.
Theo ông Quê, lãi suất huy động thấp thì người dân mới dùng tiền để đầu tư, sản xuất, kinh doanh thay vì gửi ngân hàng lấy lãi cao và nền kinh tế mới phát triển được. Còn nếu lãi suất tiếp tục tăng cao thì không riêng bất động sản mà không doanh nghiệp nào trong nền kinh tế có thể trụ lại. Do vậy, nếu lãi suất tiếp tục tăng cao không chỉ doanh nghiệp phá sản hàng loạt mà còn kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng lên, gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh lạm phát ở mức tương đối thấp, áp lực tỷ giá không lớn thì việc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay cần nhanh chóng thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
“Nếu lãi suất cho vay hạ nhiệt, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu lạc quan hơn về thanh khoản. Điều này cũng là cơ sở để thị trường bất động sản phục hồi”, ông Thịnh nói.