Doanh nghiệp bất động sản đón nhận thế nào về việc nới room tín dụng?
BÀI LIÊN QUAN
NHNN bất ngờ nới room tín dụng, lãi suất nhiều khả năng giảm: Liệu bất động sản có được giải cứu?PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Nới room tín dụng thêm 1,5 – 2% là một tín hiệu tốt cho thị trường cuối nămNhóm cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi nhất khi nới room tín dụng thêm 1,5-2%?Cuối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định nới hạn mức tín dụng (room) thêm khoảng 1,5-2% trên toàn hệ thống ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải cân đối vốn phù hợp để cấp hạn mức tín dụng, ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng khác theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định này được đưa ra trong hoàn cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Cho nên, nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là một liều thuốc giúp thị trường bất động sản cả nước phục hồi trở lại sau nhiều tháng gần như “đóng băng” vì nguồn vốn.
Khó tạo ra sức bật trong bối cảnh hiện nay
Bà Ngô Thị Hoa Sơn – Giám đốc Công ty Bất động sản Thành Nhân cho rằng, việc nới room tín dụng lần này của Ngân hàng Nhà nước là một tin vui bất ngờ dịp cuối năm. Đây là động thái kịp thời để giải quyết những khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đảm bảo được thanh khoản khi tiếp cận dòng vốn của ngân hàng nhờ mức room tín dụng mới. Đồng thời, những lo ngại về nợ xấu của các ngân hàng cũng sẽ được giảm bới.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Hoa Sơn, việc nới room tín dụng lần này chưa đủ sức để làm thay đổi cục diện trầm lắng của thị trường bất động sản. Bởi lẽ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh rằng, việc hạn mức tín dụng lần này chỉ ưu tiên cho các ngành kinh doanh sản xuất về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, không hướng đến những lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào tình trạng trầm lắng suốt thời gian vừa qua không chỉ do nguồn vốn, mà còn do những chồng chéo về thủ tục pháp lý. Cho nên, nếu nguồn vốn được khơi thông nhờ việc nới room tín dụng lần này thì vẫn chưa thể giúp thị trường địa ốc phục hồi và phát triển trở lại.
“Việc nới room tín dụng thêm 1,5-2% lần này của Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng đến giải quyết vấn đề về thanh khoản trong ngắn hạn. Cụ thể, hạn mức tín dụng này chỉ cho phép những doanh nghiệp đã đủ điều kiện cấp tín dụng nhưng vẫn chưa thể vay được vì bị hạn chế mức tín dụng. Cho nên, quyết định này chỉ giải quyết vấn đề nguồn vốn cho một số đối tượng doanh nghiệp, rất khó tạo ra sức bật mới cho toàn bộ thị trường bất động sản vào thời điểm cuối năm như hiện nay”, bà Ngô Thị Hoa Sơn nhận định.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Thu Hiền – Giám đốc Công ty Bất động sản TCK Land cho rằng, quyết định nới room thêm 1,5-2% của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản cho nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, quyết định lần này vẫn chưa đủ sức để giúp thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Trong ngắn hạn và trung hạn, áp lực về nguồn vốn của thị trường vẫn còn hiện hữu. Đặc biệt, trong dài hạn, thị trường rất khó có chu kỳ tăng trưởng mạnh trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế.
Chỉ nhằm mục đích ổn định xã hội
Ông Lê Hải Châu – Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Bình Dương cho rằng, quyết định nới hạn mức tín dụng lần này đã cho thấy nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh Tết Nguyên Đán sắp đến, áp lực phải có tiền để chi trả lương, thưởng cho nhân viên rất lớn.
Tuy nhiên, việc tăng hạn mức tín dụng từ 1,5 đến 2% không đủ khả năng khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, mà chỉ giải quyết được một số vấn đề cấp bách về kinh tế, nhằm mục đích ổn định đời sống xã hội. Để dự đoán được diễn biến thị trường địa ốc sẽ đi về đâu thì phải đợi quyết định về mức lãi suất và room tín dụng trong năm 2023.
Theo ông Lê Hải Châu, quyết định nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2% lần này của Ngân hàng Nhà nước không khác gì đợt nới room vào tháng 9/2022. Ở thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi vì hạn mức tín dụng được nới thêm 2%, tương đương với 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đợt nới room tín dụng lần đó chỉ có 18 ngân hàng được giải ngân nên nhiều doanh nghiệp còn phải lo lắng bị siết nợ khi đến ngày đáo hạn, thay vì vui mừng vì được cấp thêm hạn mức tín dụng.
Thực tế, hạn mức tín dụng được nới ra trong tháng 9/2022 không giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận được nguồn vốn. Nếu giả sử hạn mức tín dụng lần này được chia đều cho toàn bộ các ngân hàng thương mại thì vẫn chưa đủ sức để giải tỏa cơn khát vốn của các doanh nghiệp địa ốc. Cho nên, việc nới thêm nới room tín dụng trong tháng 12 này nhằm mục đích chính là ổn định xã hội.
Mặc dù không có nhiều cơ hội phục hồi từ quyết định nới room lần ngày của Ngân hàng Nhà nước nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có cơ hội được cấp thêm hạn mức tín dụng mới nhờ lưu ý của thủ tướng “phải rà soát loại các dự án bất động sản đủ điều kiện mới cho vay”.
Ngoài ra, tính đến hết tháng 10/2022, hạn mức tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 11,5% so với đầu năm. Và tính từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, mức tín dụng chỉ tăng khoảng 2%. Những con số này cho thấy, hạn mức tín dụng đang tăng rất chậm nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
“Trong thời gian vừa qua, Chính phủ kiểm soát rất hiệu quả áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đây là cơ sở để chúng ta hy vọng một chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn trong năm 2023 để giúp các doanh nghiệp bất động sản đang khát vốn có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng”, ông Lê Hải Châu nhấn mạnh.