NHNN bất ngờ nới room tín dụng, lãi suất nhiều khả năng giảm: Liệu bất động sản có được giải cứu?
Hỗ trợ nền kinh tế đang suy sụp
Theo Dân Trí, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho hay: "Những năm trước, việc cung cấp thêm room tín dụng là bình thường vì thời điểm cuối năm, Ngân hàng Nhà nước thường mở thêm 1 - 2% room. Tuy nhiên, cuối năm nay, khi tăng thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng lại là điều khá bất ngờ. Bởi các nhà điều hành trong năm luôn muốn duy trì tăng trưởng tín dụng là 14%".
Vào tháng 8 - tháng 10, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng mạnh, khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hồi phục hậu Covid - 19.
Chuyên gia nói gì khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%?
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) - ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá, động thái nới room tín dụng từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là động thái kịp thời của nhà quản lý tiền tệ. Mặc dù vậy thì sẽ không tạo ra sự bùng nổ nào đó ở trên thị trường.Góc nhìn chuyên gia: Việc được nới room giống như nắng hạn gặp mưa rào
Theo các chuyên gia, động thái nới room tín dụng cũng sẽ giúp giải tỏa được phần nào cơn khát vốn của doanh nghiệp vào dịp cuối năm. Mặc dù vậy thì có thêm room không đồng nghĩa là lãi suất cho vay có thể giảm.PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Nới room tín dụng thêm 1,5 – 2% là một tín hiệu tốt cho thị trường cuối năm
Việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5 – 2% được xem là một tín hiệu bất ngờ và vui mừng cho nền kinh tế thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu về vốn cho các doanh nghiệp trong mùa Lễ, Tết cuối năm.Chuyên gia cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất cho vay tăng mạnh là do room tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu thì lớn. Có nghĩa là nguồn cung tiền thấp đã làm lãi suất cho vay tăng nóng.
Theo đó, khi NHNN cấp thêm room mới sẽ giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt. Nhiều khả năng thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại. Ông Minh dự báo, nhiều khả năng lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Đại diện Yuanta Việt Nam cũng cho biết, việc nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng, tương đương với việc có thêm 200.000 tỷ đồng, điều này không ảnh hưởng tới lạm phát. Thời gian qua, tình hình lạm phát toàn cầu tăng nóng, trong khi lạm phát tại Việt Nam ở mức 4,5%. Kể từ thời điểm năm 2013 tới nay, lạm phát Việt Nam trung bình là 5%, như vậy hiện tại vẫn dưới mức này.
"Dù có bơm thêm 1,5 - 2% tín dụng cũng không gây ảnh hưởng tới lạm phát. Cơ bản thì một điểm tích cực trong thời gian qua là giá hàng hóa có xu hướng hạ nhiệt trên thế giới, nhất là với giá dầu. Vì vậy, không cần lo ngại vấn đề lạm phát khi nới thêm room tín dụng" - Ông Minh cho biết.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam Phạm Xuân Hòe chỉ ra, để tháo gỡ tình trạng căng thẳng của thanh khoản hệ thống có hai vấn đề chính là ngân hàng và ngân sách.
Ông Hòe kiến nghị Ngân hàng Trung ương cần tính toán kỹ để sớm bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước cần được giải ngân dứt khoát, tập trung vào những công trình trọng điểm, giải ngân để các dự án được hoàn thiện. Nếu tỷ lệ giải ngân cao nhưng dàn trải thì lại dở dang và không phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) Phạm Thế Anh cho rằng, hạn mức tín dụng phải tính tới sự đóng băng của thị trường trái phiếu.
Khi thị trường này rơi vào giai đoạn kiệt quệ, thanh khoản đóng băng, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm sút thì họ cần có các kênh tiếp cận vốn khác để bù đắp.
Chuyên gia Phạm Thế Anh đề xuất, để kiểm soát lạm phát dài hạn, NHNN cần kiểm soát nguồn cung tiền, nhất là lượng tiền cơ sở trong mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng cần để các ngân hàng thương mại tự quyết, miến sao họ đáp ứng những chuẩn mực an toàn của các cơ quan quản lý.
Liệu có thêm nguồn vốn cho bất động sản
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối lại nguồn tiền phù hợp để cấp tín dụng, dồn nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Một số chuyên gia cho rằng việc NHNN nới thêm room tín dụng là tín hiệu tích cực cho đà hồi phục của nền kinh tế, bao gồm cả thị trường bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhìn nhận, nguồn vốn tín dụng từ đợt bổ sung này sẽ tác động tích cực, lan tỏa ra thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn hiện nay, để kênh trái phiếu trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng giúp giảm áp lực cho các tổ chức tín dụng.
"Phần room tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12 và trước Tết Nguyên đán 2023. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh toàn thị trường BĐS, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà rất khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang thiếu thanh khoản hay mất thanh khoản vì thiếu tiền hoặc âm dòng tiền" - Chủ tịch HoREA nhận định.
Cùng chung quan điểm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, đa số các ngân hàng thương mại đã dùng hết room được phân phối khiến thị trường bất động sản rơi vào khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Theo đánh giá của vị chuyên gia này, động thái nới thêm room tín dụng 1,5 - 2% của NHNN là rất tích cực và cần thiết đối với thị trường bất động sản trong thời điểm này.
Song, việc nới room tín dụng lại chỉ giải quyết được phần nhỏ trong nhu cầu cho những dự án bất động sản đang rất tốt. Như vậy, cần có thêm vốn để triển khai nốt, qua đó sẽ tăng thêm nguồn cung cho thị trường.
"Đối với các nhà đầu tư cá nhân, những người mua nhà có nhu cầu ở thực, họ sẽ phải cân nhắc tới khả năng chi trả nếu vay mua nhà trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện tại" - Ông Thanh nói thêm.
Cùng với đó, ông Thanh nhận định, để kích thích thanh khoản trở lại thì cần tới yếu tố đến từ 2 phía là người mua và người bán. Nhu cầu nhà ở hiện nay rất lớn. Song các chủ đầu tư cũng phải xem xét tới giá bán sao cho phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng.