Đô thị ven sông TP. Hồ Chí Minh: Chuyên gia lo ngại điều gì?
BÀI LIÊN QUAN
TP Hồ Chí Minh đề xuất dành hơn 24.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 3 Đầu tư hơn 18.600 tỷ đồng làm đường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022 có chủ đề Kinh tế sốĐiểm nhấn từ đề án quy hoạch
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị có quỹ đất ven sông, kênh rạch dài hơn 1.000 km. Đây là tài sản, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên nhiều năm qua, quỹ đất này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, khiến diện mạo đô thị ven sông của thành phố này rất hỗn độn và ngổn ngang.
Thị trường bất động sản miền Bắc: Khó xảy ra tình trạng sốt đất nhưng giá đất vẫn... tăng
Chuyên gia bất động sản đưa ra nhận định rằng, dù khó xảy ra tình trạng sốt đất nhưng giá đất vẫn có xu hướng tăng trên nhiều phân khúc ở thị trường bất động sản miền Bắc, bởi các lý do chính như nguyên vật liệu tăng giá, lạm phát.Ngược đời ngôi làng đắt giá bậc nhất còn sót lại tại Singapore: Tiền đất 6.700 tỷ nhưng giá thuê nhà chỉ... 17.000 đồng
Tại quốc đảo sư tử vẫn tồn tại một ngôi làng giữ nguyên các kiến trúc theo kiểu truyền thống, tạo nên điểm nhấn khác biệt giữa những khu phố sầm uất và các toàn nhà cao tầng hiện đại.Kế hoạch phát triển đô thị ven sông đã được chính quyền TP. Hồ Chí Minh đề cập từ lâu và được “nâng lên đặt xuống” cân nhắc rất nhiều lần. Nhưng mãi đến đầu năm 2022, vấn đề “thai nghén” này mới được chính quyền thành phố thông qua bằng Đề án “phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045”. Đây được cho là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của một đô thị ven sông vốn có nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư và khai thác bài bản.
Theo đề án này, TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu phát triển đô thị ven sông nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo, tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ cho thành phố.
Để thực hiện mục tiêu này, định hướng mà thành phố đưa ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn. Đồng thời kiến tạo nên không gian kiến trúc kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế ven sông.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm thành phố và kết hợp với các đề án phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố sẽ ban hành và triển khai quy định mới về việc phát triển hành lang sông nước.
Từ năm 2025-2045, thành phố sẽ triển khai xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, kết hợp với hoạt động du lịch, kinh tế và dịch vụ giải trí, đồng thời sẽ hoàn chỉnh lại pháp lý về quy hoạch tại khu vực ven sông.
Đề án quy hoạch đô thị ven sông lần này không chỉ là tâm huyết của chính quyền TP. Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện một sự quyết tâm của cả Chính phủ nước ta trong việc thực hiện chiến lược phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái. Đề án này được nhiều nhà phát triển kỳ vọng sẽ là một “cú hích” làm thay đổi diện mạo đô thị ven sông của thành phố.
Kỳ vọng về một diện mạo đô thị mới
Trong con mắt của các nhà làm quy hoạch, đề án phát triển đô thị ven sông lần này của TP. Hồ Chí Minh giữ một vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Họ kỳ vọng, đề án lần này sẽ giúp đô thị ven sông của thành phố mang tên Bác có được diện mạo và tốc độ phát triển nhanh như Thượng Hải (Trung Quốc), Sydney (Australia).
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, đô thị ven sông là công thức thành công chung cho nhiều nước trên thế giới. Điển hình là Thượng Hải, Trung Quốc, mô hình đô thị ven sông gắn liền với không gian xanh, bản sắc văn hóa lịch sử đã giúp người dân và du khách được kết nối với dòng sông và di sản văn hóa bản địa. Nhờ đó, nền kinh tế của thành phố này luôn tăng trưởng cao.
Hay như dự án quy hoạch đô thị ven sông nằm ở bờ phía Tây của khu trung tâm thành phố Sydney (Australia) – Barangaroo. Sau khi xây dựng, khu vực này đã trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế rất năng động và đóng góp hàng triệu AUD vào nền kinh tế của đất nước này.
Đưa ra những dẫn chứng này, vị chuyên gia của Savills Việt Nam khẳng định, đề án lần này của TP. HCM là xu hướng đúng đắn trong việc phát triển xanh, bền vững của các đô thị lớn gần sông hoặc biển, đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.
“Với một thành phố có diện tích đất dành cho các công trình còn hạn hẹp như TP. Hồ Chí Minh, việc quy hoạch đồng bộ và bài bản đô thị ven sông sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát triển một đô thị mang lại cảm giác bình yên, thư giãn cho người dân địa phương và du khách nước ngoài khi đến thăm thành phố”, ông Troy Griffiths nói thêm.
Cùng nhận định với vị Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, đề án quy hoạch đô thị ven sông TP. Hồ Chí Minh là một ý tưởng tốt, tận dụng được những tiềm năng sông ngòi vốn có của thành phố này. Khi đề án này được triển khai, đường bộ và đường sông sẽ kết nối với nhau, làm tăng lượng người đi trên sông, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên đường bộ. Việc cải tạo, xây dựng các con đê ven sông, trồng thêm cây xanh sẽ tạo ra một cảnh quan độc đáo, nổi bật, thu hút khách du lịch đến thành phố. Đặc biệt, việc làm này còn giúp cải tạo các con sông, kênh rạch bị ô nhiễm, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố này.
“Theo tôi, việc cải tạo các dòng sông, kênh rạch , kết hợp phát triển kinh tế - dịch vụ, cải tạo cảnh quan của TP. Hồ Chí Minh là một ý tưởng tốt, vừa làm cho giao thông tốt lên, tăng hiệu quả của các hoạt động kinh tế - dịch vụ, vừa cải tạo được môi trường, cải quan cho thành phố”, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nhấn mạnh.
Nhìn nhận thẳng vấn đề
Nhìn lại chặng đường “thai nghén” của ý tưởng xây dựng và phát triển đô thị ven sông ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố đã mất quá nhiều thời gian, bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong quá khứ để tiến hành quy hoạch một cách bài bản và đồng bộ nhất.
Tuy nhiên nhìn qua thì cũng phải nhìn lại, việc quy hoạch đô thị ven sông ở TP. Hồ Chí Minh không hề đơn giản vì nó “dây mơ rễ má” với nhiều vấn đề nhạy cảm như môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của thành phố. Cho nên, vấn đề này cần được cân nhắc kỹ càng, không thể quyết định trong ngày một ngày hai. Nếu quy hoạch đô thị ven sông không tốt, tầm nhìn không hợp lý sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho thành phố.
Mặc dù đề án quy hoạch đô thị ven sông đã được phê duyệt nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản phía trước, thách thức chính quyền thành phố và các nhà làm quy hoạch. Trong đó, câu chuyện bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, tránh để quỹ đất “vàng” ven sông trở thành miếng mồi ngon cho các cá nhân, doanh nghiệp trục lợi luôn là một vấn đề cấp bách.
Chia sẻ về những bất cập trong việc đô thị hóa ven sông ở TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ, việc bê tông hóa bờ sông, mở đường thủy đi vào trong thành phố nhưng không tính toán kỹ sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho thành phố. Cụ thể, nếu cứ “chăm chăm” làm đường, kè sông mà không phát triển các công viên xanh, vành đai xanh sẽ dẫn đến việc bê tông hóa một cách rất tùy tiện, cảnh quan thành phố sẽ xấu đi.
Đặc biệt, việc phát triển đô thị ven sông nhưng không quan tâm đến vấn đề chống ngập lụt cho thành phố là một điều rất nguy hiểm. Hiện nay, tiến độ của các công trình chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh quá chậm. Điều bất cập nữa là một công trình hàng chục nghìn tỷ đồng bị chậm tiến độ bao nhiêu năm qua nhưng không có ai bị xử lý, khiến vấn đề này cứ thế kéo dài dai dẳng. “Đây là một cách làm tùy tiện, tiêu đồng tiền của người dân một cách không hiệu quả và có biểu hiện của lợi ích nhóm”, ông Thủy nhấn mạnh.
Theo ông Thủy, để việc quy hoạch đô thị ven sông TP. Hồ Chí Minh bài bản và đồng bộ cần giải quyết thật tốt vấn đề chống ngập. Công trình chống ngập của thành phố cần được hoàn thành sớm, giải trình đầy đủ những nguyên nhân làm chậm tiến độ và xử lý nghiêm những đối tượng gây ra sự thiếu hiệu quả này.
Tiếp nữa là phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường, trồng thêm nhiều cây xanh để vừa giữ chắc bờ sông, vừa tạo cảnh quan đẹp cho thành phố, từ đó thu hút được khách du lịch ghé thăm. Nếu giải quyết tốt những vấn đề này thì sẽ ngăn được những hậu quả có thể xảy ra trong việc quy hoạch đô thị ven sông ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ văn hóa – lịch sử, TS. Nguyễn Thị Hậu – Tổng Thư ký Hội Sử học TP. HCM cho rằng, muốn phát triển đô thị ven sông ở TP. Hồ Chí Minh cần phải lấy sông Sài Gòn làm trục chính để tiến hành quy hoạch. Ngoài ra, cần “bảo tồn” các yếu tố như tính thông thương của sông Sài Gòn, không gian công cộng thể hiện văn hóa – xã hội phong phú và đa dạng, tận dụng hiệu quả môi trường sông nước. Một thành phố sông nước phải thông thương và thông thoáng, không thể để hai bên bờ sông bị che kín và cũng không thể để lãng phí hệ thống giao thông đường thủy.
TP. Hồ Chí Minh đã mất nhiều thời gian cho việc phát triển đô thị ven sông. Để không phải hối tiếc vì sự chậm trễ này, câu chuyện quy hoạch cần được đưa ra bàn bạc một cách nghiêm túc hơn. Con sông Sài Gòn gắn liền với thăng trầm lịch sử của thành phố cần được quy hoạch một cách hiệu quả, đồng bộ và bài bản nhất. Cái gì làm ảnh hưởng xấu đến dòng sông thiêng liêng này thì nhất quyết không làm, chứ không thể bê tông hóa một cách tùy tiện rồi nhận lại nhiều hậu quả về sau.