meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Mua bán thông tin tài khoản ngân hàng coi chừng vướng vòng lao lý

Thứ tư, 08/01/2025-07:01
Đáng lo ngại, hiện nay xuất hiện tình trạng kẻ gian cố tình tiếp cận học sinh, sinh viên, sử dụng nhiều chiêu trò dụ dỗ mở tài khoản ngân hàng, rồi bán cho chúng. Cơ quan công an khuyến cáo tuyệt đối không cho thuê, bán tài khoản ngân hàng online. Hành vi nhận tiền từ các đối tượng trên đã cấu thành hành vi phạm pháp luật.

Triệt phá đường dây mua bán tài khoản ngân hàng

Mua bán tài khoản ngân hàng là một trong những hành vi vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ. Các đối tượng tội phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc lơ là của người dân để thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, gây ra không ít hệ lụy nghiêm trọng.

Những tài khoản này thường bị lợi dụng vào các mục đích xấu như rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và nhiều hành vi phạm tội khác. Việc tham gia vào các hoạt động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn đối với cả người bán tài khoản. Thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng.

mua-ban-tai-khoan-1736225324.jpg

Ngày 7/1, Công an huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) thông báo về việc phát hiện một số đối tượng có hành vi thu thập và mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Những thông tin này sau đó được các đối tượng bán lại cho người khác, thu lợi bất chính lên tới hàng trăm triệu đồng.

Công an huyện Thạch Thành đã bắt giữ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Hoa (trú huyện Thạch Thành), Vũ Văn Thanh (trú huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), Nguyễn Thị Trà Giang (trú huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) và Phạm Văn Quang (trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2023 cho đến khi bị bắt, các đối tượng này thường xuyên đăng tin trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội để quảng bá việc thuê và mua tài khoản ngân hàng. Bọn chúng cũng tiếp cận những người lao động có thu nhập thấp hoặc người thiếu hiểu biết về pháp luật để nhờ mở tài khoản ngân hàng, sau đó mua lại với giá 100.000 - 500.000 đồng/tài khoản.

Công an huyện Thạch Thành khuyến cáo, người dân không nên tham gia vào việc thu thập, tàng trữ, trao đổi hoặc mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng vào mục đích phạm tội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 20/11/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh cũng thông báo đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 9 bị can trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản về các tội danh: Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, rửa tiền, thu thập và trao đổi trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, cùng với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Những tài khoản ngân hàng mua được, các bị can bán cho nhiều đối tượng ở Campuchia để sử dụng nhận tiền lừa đảo. Bên cạnh hành vi lừa đảo và mua bán tài khoản ngân hàng, các đối tượng còn tham gia vào các hoạt động rửa tiền và chiếm giữ trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.

Lợi dụng học sinh, sinh viên

Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TP. HCM cho hay, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng đang ngày càng trở nên táo bạo và công khai trên các trang mạng xã hội. Nhiều đối tượng thu mua tài khoản ngân hàng để phục vụ cho các mục đích xấu, đặc biệt là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

mua-ban-tai-khoan-1-1736225324.jpg

Đáng lo ngại, những đối tượng này còn sử dụng nhiều chiêu trò dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng, rồi bán cho chúng. Theo đó, Công an TP. Thủ Đức (TP. HCM) từng cảnh báo, hiện nay xuất hiện tình trạng kẻ gian cố tình tiếp cận học sinh, sinh viên đã được cấp căn cước, sau đó đưa điện thoại có sẵn sim để yêu cầu mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking.

Sau khi học sinh, sinh viên thực hiện các bước mở tài khoản, đối tượng yêu cầu họ trả lại điện thoại và cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP).

Đồng thời, kẻ gian còn thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của học sinh, sinh viên để phục vụ cho việc xác minh danh tính khi có yêu cầu từ ngân hàng. Các tài khoản này sau đó thường bị lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…

Cơ quan công an khuyến cáo học sinh, sinh viên tuyệt đối không cho thuê, bán tài khoản ngân hàng online. Hành vi nhận tiền từ các đối tượng trên đã cấu thành hành vi phạm pháp luật.

Luật sư Lê Trung Phát cho biết thêm, dù ngân hàng đã thực hiện việc thu thập sinh trắc học rất nghiêm ngặt, nhưng một số đối tượng vẫn lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng, đang thực hiện chỉ tiêu mở thẻ để nhờ mở tài khoản qua các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại. Sau khi chủ tài khoản hoàn tất các thủ tục sinh trắc học và đăng ký thành công, họ sẽ thỏa thuận thu mua hoặc thuê lại tài khoản ngân hàng đó.

Người bán hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và phiền toái pháp lý, vì các đối tượng xấu có thể sử dụng tài khoản này để nhận tiền và rút tiền dưới danh nghĩa của chủ tài khoản sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Phát, khi có ai đó yêu cầu mở tài khoản hoặc thuê mở tài khoản ngân hàng, người dân tuyệt đối không nên đồng ý. Nếu phát hiện mình bị lừa, cần ngay lập tức thông báo với ngân hàng để khóa tài khoản, đồng thời cung cấp thông tin về đối tượng và số điện thoại của họ cho cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời.

Pháp luật quy định, nếu thực hiện hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng với số lượng dưới 20 tài khoản và thu lợi bất chính dưới 20 triệu đồng sẽ bị xử phạt tiền từ 40 - 100 triệu đồng và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Trường hợp thu thập, tàng trữ, trao đổi/mua bán từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 20 triệu đồng, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền từ 20 - 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, nếu các tài khoản ngân hàng được sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng mua hoặc thuê tài khoản còn có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Vân Thanh
Theo: dothi.reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Meey Group xây dựng hệ thống quản trị, vận hành chuyên nghiệp với BSC/KPI

Chuyên gia: Cần thúc đẩy giãn dân về ngoại thành để giám áp lực giá nhà ở trung tâm

Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch cải tạo tập thể, chung cư cũ: Thị trường sẽ đón nhận nguồn cung lớn ở khu vực trung tâm

Dùng nhiều tài khoản ngân hàng nhằm “né thuế”, người bán hàng online đối mặt với phạt nặng

Hà Nội: Người dân đối mặt với vòng xoáy giá nhà cho thuê tăng mạnh

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

Tin mới cập nhật

Meey Group xây dựng hệ thống quản trị, vận hành chuyên nghiệp với BSC/KPI

19 giờ trước

Xu hướng dịch chuyển nhà ở sang các đô thị vệ tinh

19 giờ trước

Đấu giá đất Hà Nội: Nguồn cung sôi động từ đầu năm, nhà đầu tư sẽ thận trọng

19 giờ trước

Nhà đầu tư bất động sản rục rịch tìm cơ hội sinh lời mới

19 giờ trước

Mua bán thông tin tài khoản ngân hàng coi chừng vướng vòng lao lý

19 giờ trước