meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Làm sao để khắc phục lỗi quy hoạch Tố Hữu – Lê Văn Lương?

Thứ tư, 22/06/2022-15:06
Là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng của cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu đã bị biến thành con đường đau khổ bởi những lỗi quy hoạch và triển khai quy hoạch kéo dài hàng chục năm. Khi sự đã rồi, làm sao để khắc phục, sửa chữa những hậu quả do những lỗi này gây ra?

Nhiều lỗi về quy hoạch

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố Kết luận số 39 nêu rõ: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) phê duyệt năm 2016 có nhiều chỉ tiêu không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, không bảo đảm thực hiện đúng theo các ô của quy hoạch phân khu.

Làm sao để khắc phục lỗi quy hoạch Tố Hữu – Lê Văn Lương? - ảnh 1

Trong bản Kết luận này còn chỉ ra vấn đề nghiêm trọng khác như: Vi phạm Luật Quy hoạch, không tuân thủ Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cây xanh, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Mục đích tối thượng là: Không tăng chất tải cho khu vực nội thành, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, tạo lập đô thị văn minh, hiện đại.

Sau 6 năm kể từ ngày Hà Nội công bố bản quy hoạch này, trên trục đường khá ngắn, chừng 1km nhưng có đến gần 40 tòa nhà cao tầng hiện hữu.

Đáng nói là trong số đó có tới 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, vi phạm xây dựng tầng hầm công trình. 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng. 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng. 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN, trong đó 1 dự án vi phạm về mật độ. 31 dự án vi phạm về tỷ lệ cây xanh.

Tình trạng này đang trở nên phổ cập ở hầu khắp các địa bàn dân cư mới. Hậu quả là phá vỡ mật độ dân số, thiếu các không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, thiếu các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì không ngần ngại chỉ ra: “Thời gian qua, những gì thể hiện trong bộ mặt đô thị có nhiều yếu tố mang dấu hiệu đầu cơ rất cao. Trong đó đầu cơ đất đai là yếu tố nổi bật nhất, và nó làm méo mó mọi thứ quy hoạch. Nhiều khi ý kiến của các nhà đầu cơ còn quan trọng hơn ý kiến của các nhà quy hoạch, chúng ta phải tỉnh táo nhận diện, nếu không đô thị sẽ phải trả giá rất đắt”.

Trao đổi về việc nhiều con đường bị "băm nát" trong thời gian dài, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi nhắc tới những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, người ta thường nghĩ ngay đến lỗi của nhà đầu tư trước tiên. Nhưng dù các chủ đầu tư dù có sai phạm hay không sai phạm thì những người có quyền quyết định phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

"Trong đó, cơ quan Nhà nước là những người có quyền, có chức năng trong việc lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch. Ở đây là UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, UBND các quận liên quan. Việc điều chỉnh nhưng không đủ căn cứ, điều chỉnh nhiều lần, lý do điều chỉnh không đúng … là lỗi do cơ quan quản lý gây ra. Hay việc cấp phép không đúng với quy định của pháp luật cũng do cơ quan quản lý gây ra", ông Đặng Hùng Võ nhận định.


GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Về phía các chủ đầu tư, theo ông Võ, sai phạm của họ chủ yếu ở bước thực hiện quy hoạch. "Nhưng có lẽ họ không táo bạo đến mức tự mình làm sai các quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thường là họ vẫn tìm cách đưa quyết định điều chỉnh, quyết định thay đổi hạng mục … cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và họ sẽ được lợi. Còn tiếp tục, họ được lợi như thế nào và việc chia sẻ lợi ích đo như thế nào nữa là một câu chuyện khác", ông Võ cho biết.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, trong vấn đề này có hai loại sai, sai từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sai tư phía doanh nghiệp chủ đầu tư. Nhưng cái sai từ phía các cơ quan nhà nước lớn hơn. Các chủ đầu tư có thể có sai, nhưng cái sai của họ thường là nhỏ. Họ có thể xê dịch một chút về vị trí, rộng ra hơn về cái này, cái kia trong diện tích căn hộ … Tức là do sai lệch do đo đạc thôi chứ không mạnh dạn như những quyết định cho phép điều chỉnh, kể cả vấn đề quy hoạch cho đến nội dung của giấy phép xây dựng.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, những sai phạm này đã kéo dài rất lâu và đã trở thành một hệ thống thể hiện bằng việc làm trái với những quyết định của Thủ tướng. Từ đó băm nát một trục đường huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Dù những sai phạm này đã rõ nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời. 

"Do đó, chính cơ quan Trung ương cũng phải chịu trách nhiệm trong việc này. Những sai phạm trên tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương đã xảy ra trong một thời gian dài, tại sao Thanh tra Bộ xây dựng không kiểm tra sớm hơn để kịp thời phát hiện những sai phạm này và xử lý nó sớm hơn. Chỉ nói riêng ở Hà Nội, có rất nhiều sai phạm trong lĩnh vực xây dựng kéo dài hàng nhiều năm, nhưng lâu lắm mới thấy một vài sai phạm được Thanh tra Bộ nhúng tay vào và có kết luận rõ ràng", ông Võ đặt câu hỏi.

GS Đặng Hùng Võ cũng cho biết thêm: “Trong trách nhiệm để xảy ra điểm nút Tố Hữu – Lê Văn Lương có cả của Trung ương, cả của Bộ Xây dựng, về mặt đất đai có cả trách nhiệm của Bộ Tài nguyên môi trường. Rất nhiều cơ quan có thể thanh tra, kiểm tra ở đây, sử dụng đất có đúng hay không đúng? Việc sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, đã được đóng tại bản quy hoạch đó rồi thì phải sử dụng đất. Nó được thể hiện ngay tại quy hoạch phân khu là đã tính ngay đến viêc sử dụng đất rồi nhưng tại sao không thấy bóng dáng các Bộ khác ngoài Bộ Xây dựng?”

Có thể thấy, “lỗ hổng” được chỉ ra tồn tại ở nhiều khâu: Từ các văn bản pháp quy đến công tác hậu kiểm, giám sát, thanh tra với chủ dự án còn rất lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Khi xảy ra sai phạm thường là phạt hành chính, không đủ tính răn đe.

Thực trạng trục đường Lê Văn Lương, rõ ràng những “lỗ hổng” trong công tác lập và quản lý theo quy hoạch kéo dài nhiều năm mà không có sự cảnh báo ngăn chặn kịp thời đã gây áp lực nặng nề, chất tải lên hạ tầng đô thị, làm giảm chất lượng sống của người dân.

Tiền của bỏ ra rất lớn, nhưng cái chúng ta nhận được là một đô thị vừa phát triển đã trở nên méo mó về quy hoạch.

Khi sự đã rồi, đừng nói mãi “chúng tôi xin rút kinh nghiệm”

Những sai phạm theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng đã xảy ra hàng chục năm. Những sai phạm này đã gây ra những hệ lụy và để lại hậu quả vô cùng lớn cho Hà Nội. Với một rừng những tòa nhà cao tầng như vậy làm sao để khắc phục? 

Bên hành lang Quốc Hội, ông Nguyễn Trúc Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội khi được hỏi về vấn đề của tuyến đường này chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi rút kinh nghiệm và giao các phòng rà soát lại vấn đề này”.

Việc cần làm lúc này phải là bắt tay ngay vào khắc phục những vấn đề nóng, cấp bách gây bức xúc nhất cho người dân như cấp thoát nước, vấn đề tắc đường phải giải quyết đồng bộ từ việc cấp phép xây dựng, quy hoạch đến tái định cư di dân. 

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu ý kiến: "Cần lo xử lý những việc thiết thực đang là hệ lụy, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đây là những vấn đề cấp bách mà người dân mong muốn. Những điều mà chúng ta nhìn thấy trước mắt thì cần giải quyết ngay. Còn về lâu dài thì cần tính toán nâng cao chất lượng quy hoạch".

Theo các chuyên gia, cần quản lý các vấn đề quy hoạch một cách chặt chẽ hơn, không để tình trạng điều chỉnh bừa bãi, manh mún, chất lượng kém và tổ chức thực hiện quy hoạch phải nghiêm. Từ đó mới xử lý được gốc rễ của vấn đề này. Đồng thời cần hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị để hạn chế những bất cập và phù hợp với tương lai.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường nêu ý kiến: “Quy hoạch chính là tương lai, nếu chúng ta có một quy hoạch tốt và thực hiện triển khai quy hoạch tốt thì chúng ta sẽ có một tương lai tốt. Nếu chúng ta vẫn đểnh đoảng trong việc cho điều chỉnh chỗ này, cho điều chỉnh kia, một dự án cho điều chỉnh 5-7 lần, hết cấp này điều chỉnh đến cấp kia điều chỉnh thì chúng ta sẽ có một tương lai...dở hơi”.

Trong Luật Quy hoạch quy định rất rõ lý do được điều chỉnh phải đúng theo những lý do theo luật quy định và sau đó là trình tự, thủ tục để thực hiện điều chỉnh. Về nguyên tắc, không khác gì việc phê duyệt một đồ án quy hoạch.


Hàng loạt chung cư "mọc" lên trên đường Tố Hữu
Hàng loạt chung cư "mọc" lên trên đường Tố Hữu

Các nước quan niệm rằng, hãn hữu mới cho điều chỉnh. Đặc biệt như Trung Quốc, là một nước có hoàn cảnh về thể chế quản lý khá giống Việt Nam, cùng là những nước định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng họ khác Việt Nam ở vấn đề quy hoạch là một vấn đề tuyệt đối không được thay đổi. Quản lý mang tính tuyệt đối, đã duyệt thì điều chỉnh cực kỳ khó. Phải đến cấp cao hơn mới có quyền quyết định điều chỉnh. Còn ở Việt Nam, việc điều chỉnh khá dễ dàng, mặc dù luật quy hoạch 2009 đã quy hoạch rất rõ những lý do nào được điều chỉnh, khi điều chỉnh phải lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp.

Vấn đề khắc phục hậu quả do những sai phạm trên chắc chắn là không dễ dàng. Một ngôi nhà vài ba tầng thì còn đền bù, dỡ bỏ và di dời đi nơi khác đươc chứ một tòa 30-40 tầng với hàng trăm căn hộ thì điều này là không dễ dàng. Hơn nữa, cũng chẳng có ai bỏ tiền ra để đền bù, tháo dỡ chúng cả. Cuối cùng, sự vẫn đã rồi, con đường vẫn phải gánh còng lưng, dân vẫn phải chịu đựng những đau khổ do các sai phạm trên gây ra. Kinh tế, xã hội của đất nước bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.

Nói về việc "chữa" lại "lỗi quy hoạch", ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh Tra Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương, hai thành phố Hà Nội và TP.HCM có Sở Kiến trúc quy hoạch, các sở khác còn lại, các tỉnh khác còn lại có chức năng nằm ở Sở Xây dựng tiếp tục chấn chỉnh việc lập và thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch. Việc này sẽ được quy định rất chi tiết trong chỉ thị sắp tới. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức cá nhân mà đã điều chỉnh không đúng quy định. Đồng thời sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, thực hiện quy hoạch của các chủ đầu tư và các cá nhân trên phạm vi toàn quốc. 

NGUYỄN TIẾN
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cần phải có hệ thống thông tin để minh bạch thị trường bất động sản

Có nên “ôm” bất động sản thanh lý của ngân hàng?

Luật Thuế đất đai sẽ giảm thiểu chung cư “tối đèn”, biệt thự xây thô “rêu phong cùng tuế nguyệt”

Cần sàng lọc nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản

Bẫy cọc - Người mua bất động sản nhất định phải biết

Thị trường bất động sản Rạch Giá bước vào giai đoạn tăng tốc

Đề xuất cấp sổ hồng căn hộ chung cư 50 năm là không phù hợp

Gen Z tự lực mua nhà - nên hay không nên?

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

3 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

4 ngày trước