Đô thị sân bay 1.300 ha Đà Nẵng mở ra hướng phát triển bất động sản kiểu mới
BÀI LIÊN QUAN
Đất nền Đà Nẵng từ “gà đẻ trứng vàng” giờ chỉ còn “im hơi lặng tiếng” Một huyện tại Đà Nẵng sẽ có thêm 2 dự án khu đô thị sinh thái hơn 2.100 tỷ đồngThị trường căn hộ Đà Nẵng “ngủ đông”, liên tiếp 2 tháng không có nguồn cung mớiPhát triển đô thị sân bay
Theo tienphong.vn, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đơn vị này đang thực hiện lấy ý kiến của người dân về Đồ án Quy hoạch phân khu sân bay Đà Nẵng. Theo đó, phân khu sân bay có tổng diện tích hơn 1.326 ha với 4 khu vực chính gồm khu vực cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khu vực cửa ngõ sân bay phía Đông, khu vực khu đô thị phía Nam, khu vực khu đô thị phía Tây Bắc.
“Phân khu sân bay Đà Nẵng được định hướng trở thành “đô thị sân bay” nhằm phát triển sân bay và một cụm logistics hiện đại mới”, ông Huy cho biết.
Phân khu sân bay sẽ tập trung quanh sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sân bay và cụm logistics là trọng tâm của phân khu này. Với mục tiêu là tối đa hóa tiềm năng của sân bay như một trung tâm logistics, đồng thời tận dụng vị trí trung tâm của sân bay để phát triển thành một trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.
Chức năng chuyên biệt của phân khu sân bay là đầu mối giao thông quan trọng của TP Đà Nẵng, gắn liền với phát triển “đô thị sân bay”. Diện tích quy hoạch phân khu đô thị sân bay là hơn 1.300 ha, gồm hơn 450 ha đất dân dụng, hơn 860 ha đất ngoài dân dụng. Dân số dự kiến tại đây là 100.000 người.
Theo quy hoạch, phân khu sân bay có sự tái thiết đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị. Đưa các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhà kho đang xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm ra các khu, cụm công nghiệp tập trung. Các khu đất này được chuyển đổi chức năng thành các khu đất phục vụ phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, phát triển trung tâm logistic hàng không với định hướng mở rộng thành một cụm phía Nam sân bay quốc tế Đà Nẵng để nâng cao năng lực logistic của sân bay.
Quy hoạch phân khu đô thị mang bản sắc riêng
Đồ án quy hoạch cũng nêu rõ cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, tại các dọc các trục đường chính sẽ được xác định về mật độ, tầng cao xây dựng, ngôn ngữ và hình thức kiến trúc chủ đạo, tạo nên bản sắc riêng của phân khu đô thị sân bay.
Đối với các khu ở hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang khu vực để tạo tính đồng bộ, hài hòa cho đô thị, các giải pháp quản lý chặt chẽ đảm bảo kiểm soát về kiến trúc, tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng, ưu tiên các hình thức nhà ở có sân vườn nhằm giảm áp lực xây dựng cho đô thị, tăng không gian xanh.
Về nhà ở liền kề, áp dụng chính sách linh hoạt cho phép hợp thửa để trở thành nhà vườn hoặc cho phép chuyển đổi thành cửa hàng trên một số tuyến đường chính. Nếu tình hình phát triển kinh tế - xã hội cho phép thành các tuyến phố này có thể trở thành tiểu thương…
Về các dự án nhà ở kết hợp thương mại, nhà ở liền kề với cửa hàng ở tầng trệt, theo quy hoạch việc kết hợp các hoạt động kinh doanh và ở tạo nên tính sinh động cho các tuyến phố, đồng thời gia tăng hiệu quả kinh tế cho khu vực.
Quy hoạch không gian ngầm
Đặc biệt, theo đồ án quy hoạch, hệ thống giao thông từ đường Trưng Nữ Vương đi qua sân bay Đà Nẵng được ngầm hóa, kết hợp với tuyến tàu điện ngầm MRT.
Có hơn 50% diện tích phân khu đô thị nằm trong khu vực sân bay quân sự nên hệ thống giao thông được quy hoạch không gian ngầm. Tại các lô đất thương mại dịch vụ, công cộng, bệnh viện đều xây dựng các bãi đỗ xe ngầm.
Khu vực quy hoạch đô thị sân bay này hiện có nhiều dự án đang và chuẩn bị triển khai. Một số dự án đang cần lập quy hoạch phân khu để xác định cụ thể các chức năng sử dụng cho từng khu đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những góp ý về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sân bay. Cụ thể, cần bổ sung lý do và sự cần thiết lập điều chỉnh quy hoạch trong Đồ án điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu Sân bay Đà Nẵng phù hợp với định hướng quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào phần nhiệm vụ quy hoạch. Cụ thể, đơn vị này đề nghị Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông bổ sung các nội dung đánh giá ảnh hưởng của thiên tai (bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất…) đến khu vực thuộc phạm vi lập đồ án quy hoạch.
Sở Giao thông - Vận tải đã đề nghị bổ sung vào phần đánh giá hiện trạng giao thông như chỉ tiêu mật độ đường, chỉ tiêu bãi đỗ xe theo quy mô dân số, tỷ lệ đất giao thông (theo từng cấp đường và đến loại đường phân khu vực) so với đất xây dựng đô thị tối thiểu, phương án kết nối giao thông công cộng, phát triển mô hình TOD (Transit Oriented Development)… trong phân khu nghiên cứu.
Đồng thời, đánh giá phương án kết nối, mức độ đáp ứng của hệ thống giao thông hiện trạng với công suất khai thác của sân bay hiện hữu và theo quy hoạch để làm luận cứ đưa ra các đề xuất, xây dựng phương án quy hoạch phù hợp.
Có thể thấy, việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu sân bay, tỷ lệ 1/2000 là cần thiết, đây là cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết, xác định các dự án đầu tư xây dựng và phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực quy hoạch nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung.