Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng khó “lội ngược dòng” trong năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản nghỉ dưỡng hết thời sôi động, chật vật vì khó khănBất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ diễn ra cuộc thanh lọc mạnh mẽBất động sản nghỉ dưỡng đối mặt nguy cơ cung vượt quá cầuThị trường “ngủ đông” suốt nhiều tháng
Báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam cho biết, trong quý III/2022, nguồn cung, thanh khoản của các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận đều rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, trong quý III vừa qua, thị trường không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Hầu hết các sản phẩm chào bán trong thời gian vừa qua đều đến từ những dự án tồn kho, đã được mở bán từ nhiều năm trước.
Tỷ lệ tiêu thụ cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của việc siết tín dụng, cũng như những khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô. Các dự án đều bán chậm, thậm chí không phát sinh giao dịch trong suốt thời gian vừa qua.
Mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp không thay đổi so với quý trước nhưng tăng 8%-10% so với cùng kỳ năm trước. Các chủ đầu tư đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi như tăng voucher du lịch, ân hạn nợ gốc, chia sẻ lợi nhuận,... để thu hút khách hàng.
Riêng nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông” sâu nhất khi thị trường không có giao dịch nào diễn ra trong suốt hai quý II, III vừa qua. Ở Đà Nẵng và cả các vùng phụ cận xung quanh đều không ghi nhận nguồn cung mới. Tại Quảng Nam, một số “ông lớn” trong ngành địa ốc như NovaGroup, CEO Group, Capella Group, BIM Group đang có ý định tham gia thị trường.
Điểm sáng duy nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và các vùng phụ cận nằm ở loại hình condotel khi trong quý III vừa qua ghi nhận thêm 2 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 348 căn. Nguồn cung loại hình này tăng mạnh so với quý trước nhưng vẫn còn ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Trước những áp lực của nền kinh tế, cũng như động thái tăng cường kiểm soát tín dụng của Nhà nước, hơn 63% dự án phải tạm ngưng hoạt động mở bán và giao dịch.
Sức cầu, thanh khoản của thị trường ở mức thấp. Hầu hết các dự án đều rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều tháng trời không có giao dịch.
Mặt bằng giá sơ cấp tăng 5%-8% so với quý trước vì áp lực về chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát. Hiện tại, một căn condotel ở Đà Nẵng đang có mức giá cao nhất là 121,4 triệu đồng/m2 và mức giá thấp nhất là 63,3 triệu đồng/m2. Để kích thích nhu cầu mua của khách hàng, nhiều chủ đầu tư loại hình này đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, cam kết, chia sẻ lợi nhuận trong suốt thời gian vừa qua.
Ít có cơ hội phát triển trong ngắn hạn
Các chuyên gia DKRA Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận đang rơi vào trạng thái trầm lắng trong suốt nhiều tháng qua. Nguyên nhân đến từ động thái kiểm soát tín dụng của Nhà Nước và những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô. Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến thị trường khi nguồn cung, sức cầu giảm mạnh, thanh khoản bị chững lại.
Từ nay đến hết năm 2022, một số dự bất động sản nghỉ dưỡng sẽ xuất hiện ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thị trường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là vấn đề pháp lý khiến các chủ đầu tư phải dời thời gian công bố và mở bán dự án.
Dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận vẫn tiếp tục khan hiếm nguồn cung trong quý tới. Loại hình condotel sẽ có nguồn cung giảm so với quý III/2022, khoảng 100-200 căn. Loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục không có nguồn cung mới.
Sức cầu của thị trường được dự kiến sẽ giảm nhẹ so với quý III/2022. Các dự án sẽ tiếp tục khóa giỏ hàng nếu rào cản về nguồn vốn chưa được tháo gỡ. Giá bán ở thị trường sơ cấp vẫn duy trì đà tăng do áp lực của chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát,…
Người mua sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn các dự án có chủ đầu tư uy tín. Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng 4*-5* do các đơn vị quốc tế vận hành được nhận định sẽ có tỷ lệ tiêu thụ cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu – Đào tạo Bất động sản ở Đà Nẵng cho biết, hiện tại, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn nhưng về dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Cụ thể, Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng khá hoàn hiện, có khả năng gia tăng giá trị tốt. Ngoài ra, thành phố này đang có định hướng phát triển thành một trung tâm tài chính để thu hút đầu tư của giới siêu giàu. Đón đầu được xu hướng mới, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã cho ra mắt nhiều sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Đưa ra một nhận định chung, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, sau khi Việt Nam nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội, mở lại đường bay quốc tế, ngành du lịch, cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh thành đã có một lực đẩy rất lớn.
Các nhà đầu tư đều có nguồn thu từ hoạt động khai thác các khu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, mức lợi nhuận của loại hình đầu tư này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Việt Nam có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nhiều ngày nắng rất thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, cũng như không tương xứng với tiềm năng vốn có. Vì vậy, Chính phủ cần có một chiến lược quốc gia để biến du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói, có khả năng thu hút ngoại tệ, cũng như cải thiện chất lượng lao động cho đất nước.