Điều gì xảy ra khi “cánh cửa” tín dụng cho nhà ở xã hội được “mở cửa”?
BÀI LIÊN QUAN
Những “ông lớn” nào cam kết sẽ tham gia nhà ở xã hội trước khi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng?Chủ tịch VARS: Gói tín dụng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tạo động lực giúp thị trường "ấm" lên, thúc đẩy an sinh xã hộiCung cầu bất động sản lệch pha trầm trọng: Quá khan hiếm nhà ở xã hộiTrước tình trạng này, mọi người càng thêm mong chờ khi có thông tin về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân được Bộ Xây dựng đề xuất lên Quốc hội và Chính phủ. Được biết, gói tín dụng này sẽ tương tự với gói 30.000 tỷ đồng từng áp dụng thành công trước đây. Nếu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được thông qua và đưa vào triển khai, hàng triệu người dân có thu nhập thấp sẽ đến gần hơn với giấc mơ sở hữu căn nhà của riêng mình.
Người dân mong mỏi
Vợ chồng anh Đoàn Mạnh Quân (Ninh Bình) dù đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội được gần 10 năm, nhưng câu chuyện sở hữu được câu chuyện để làm chốn an cư lạc nghiệp vẫn là một bài toán khó. Hai vợ chồng anh cùng làm nhân viên văn phòng, lương tháng khoảng 25 triệu đồng. Sau khi trang trải đủ thứ tiền như sinh hoạt, học phí, điện nước, xăng xe, số tiền dư dả mỗi tháng của vợ chồng anh Quân chẳng còn lại bao nhiêu.
Anh Quân tính toán, mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền điện nước cũng đã gần 6 triệu đồng; nhưng nếu muốn mua nhà lại không đủ điều kiện. Năm 2019, vợ chồng anh có dành dụm được một chút tiền, tính toán sẽ vay thêm ngân hàng và mua một căn nhà ở xã hội tại khu vực Hoài Đức. Đến khi tới tận nơi để tìm hiểu, giá nhà ở xã hội tại khu này có giá lên đến hơn 19 triệu đồng/m2. Tính sương sương, một căn hộ tầm 60m2 cũng có giá khoảng 1,2 tỷ đồng, còn chưa kể tiền sửa sang, nội thất. Quá khả năng tài chính, vợ chồng anh Quân chấp nhận tiếp tục ở thuê, có gì sẽ tính sau. Ai ngờ được giá nhà càng ngày càng tăng cao, việc mua nhà càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Nếu Nhà nước triển khai gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vợ chồng anh Quân chắc chắn sẽ cân nhắc. Anh Quân cho biết, nếu như người mua nhà ở xã hội được vay vốn với mức giá ưu đãi, lãi suất cố định rơi vào khoảng 4,5%/năm, thời gian vay trong khoảng 15 năm sẽ phù hợp với khả năng chi trả của đa phần những người lao động hiện nay.
Không chỉ riêng anh Quân mà đại sa số người dân hiện nay đều mong mỏi gói tín dụng 110.000 tỷ đồng sớm được thông qua và đưa vào triển khai. Anh Tuấn (quê Thanh Hóa) cũng đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội ngót nghét 7 năm. Hai vợ chồng anh tiết kiệm hết sức nhưng vẫn chưa thể mua được nhà.
Anh Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua, nguồn cung nhà ở xã hội vô cùng ít ỏi. Trước đó, vợ chồng anh từng nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại một số dự án khu vực Hà Đông nhưng đều bị trượt vì thiếu điểm. Giá nhà hiện tại ngày càng cao, lãi suất ngân hàng cũng cao không kém, vợ chồng anh càng không dám nghĩ đến việc mua nhà. Tuy nhiên, nếu như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội được thông qua, những người dân như anh Tuấn có thể nghĩ đến việc sở hữu một căn nhà riêng.
“Lãi suất ưu đãi cùng thời gian vay dài phù hợp với khả năng chi trả, đồng thời doanh nghiệp cũng được vay ưu đãi để xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp bổ sung nguồn cung cho phân khúc này, do đó người dân có thể lựa chọn như thời điểm triển khai gói 30 nghìn tỷ. Chúng tôi mong mỏi gói tín dụng này sẽ sớm được thông qua và triển khai”, anh Tuấn bổ sung.
Gói tín dụng giúp giải “cơn khát” nhà ở của đại đa số người dân
Nếu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được thông qua, dự kiến khoảng 50% sẽ được dành cho chủ đầu tư vay ưu đãi, 50% còn lại dành cho người mua và thuê nhà ở xã hội hoặc nhà ở công nhân vay.
Xét ở góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim-HOD nhận định, đây được coi là một tín hiệu đáng mừng cho cả doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội và những người mua nhà trong thời gian tới. Đồng thời, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cũng giúp tháo gỡ hàng loạt khó khăn, thúc đẩy phân khúc nhà ở này phát triển.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Cây, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng nếu được triển khai sẽ rất có lợi, tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho nhiều người nhờ lãi suất thấp, giá cả ưu đãi. Không riêng gì người mua nhà, các doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội cũng sẽ được hưởng lợi bởi có đến 50% giá trị dành cho doanh nghiệp. Người mua được vay vốn ưu đãi giúp thanh khoản tốt hơn, doanh nghiệp nhanh bán được hàng, sớm thu hồi vốn. Ông Cây bổ sung: “Hy vọng, gói tín dụng này sẽ sớm được thông qua và triển khai với thủ tục dễ tiếp cận cho cả người dân lẫn doanh nghiệp”.
Ngoài ra, nếu đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ảm đạm như hiện tại, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, những thông tin tích cực này sẽ mang đến sinh khí và hi vọng cho thị trường bất động sản. Nguyên nhân bởi, thị trường này trầm lắng đã ảnh hưởng, hệ lụy đến nhiều ngành khác như sản xuất vật liệu xây dựng, lao động việc làm… Một khi gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được thông qua và đưa vào triển khai, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc, có thêm động lực để phát triển, từ đó thúc đẩy an sinh xã hội và giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính cũng đưa ra dẫn chứng: “Chúng ta có thể thấy, thị trường bất động sản trong giai đoạn năm 2012 cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể nói là “đóng băng”. Vào thời điểm đó, Nhà nước đã triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, mang đến nhiều tác động tích cực. Không ít doanh nghiệp đã xin chuyển hướng đầu tư, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở xã hội dần ấm lên và lan tỏa sang các phân khúc khác và cả nền kinh tế”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quang Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nam Thanh cũng cho rằng, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên theo ông Nam, bên cạnh việc triển khai gói tín dụng thì các vấn đề về chính sách pháp lý cũng cần phải được tháo gỡ. Ông nhận định, hiện nay, khoảng thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư khá tốn kém. Một khi được bơm vốn nhưng dự án không thể triển khai, doanh nghiệp không thể vay, người dân càng không thể vay vì sản phẩm chưa có. Do đó, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn về pháp lý cho doanh nghiệp.