Những “ông lớn” nào cam kết sẽ tham gia nhà ở xã hội trước khi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng?
BÀI LIÊN QUAN
Phát triển nhà ở xã hội: Không chỉ bơm 110.000 tỉ là xongĐề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Tránh tình trạng lục lợiCung cầu bất động sản lệch pha trầm trọng: Quá khan hiếm nhà ở xã hộiSáng 17/2 vừa qua đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Trong hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn, tương tự gói 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013-2016, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho những dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân vay.
Cụ thể, những chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ được dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương khoảng 55.000 tỷ đồng với mức vay ưu đãi. Đồng thời, những người mua nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cũng được dành 50% gói tín dụng, tương đương với 55.000 tỷ đồng cho những khách hàng cá nhân là người mua hoặc thuê.
Đánh giá về đề xuất của Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng dành riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một điều vô cùng cần thiết; giúp tăng cường nguồn cung của phân khúc, giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu của thị trường. Thống đốc còn đặt vấn đề: “Nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc. Tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra trong thời gian dài hạn có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Do đó, cần tính toán nguồn vốn tổng thể dựa trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu, điển hình như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng,…và ở các lĩnh vực và ngành kinh tế khác”.
Vị này còn bổ sung, Ngân hàng Nhà nước đã họp cùng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank), đi đến thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. Gói này có lãi suất vay cho người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của những ngân hàng trên thị trường với cùng một thời kỳ.
Cũng theo vị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao các đơn vị tổ chức, theo dõi và triển khai chương trình này. Hiểu đơn giản, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được đề xuất bởi Bộ Xây dựng vẫn chưa được thông qua, nếu được sẽ triển khai theo phương thức tái cấp vốn. Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng là chương trình cam kết của 4 ngân hàng Nhà nước cùng mức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, mức phân bổ chi tiết của gói này vẫn chưa được nêu ra. Theo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tham gia gói này sẽ được vay bù đắp nếu thanh toán thiếu hụt.
Theo Bộ Xây dựng, gói 110.000 tỷ đồng tương tự với gói 30.000 tỷ được tung ra vào năm 2013. TrCòn gói 120.000 tỷ đồng cũng có mục đích dành cho phân khúc nhà ở giá rẻ, nhưng lãi suất cho vay so với gói 110.000 tỷ đồng có thể sẽ cao hơn. Nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được chấp thuận, thị trường bất động sản sẽ có 2 gói tín dụng dành cho việc phát triển nhà ở giá rẻ.
Nguồn cung nhà ở xã hội ở mức “nhỏ giọt”
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, cả nước trong năm 2022 có tổng cộng 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới, quy mô là 5.526 căn hộ. Ngoài ra, còn có 114 dự án đã hoàn thành xây dựng với quy mô 6.196 căn hộ cùng với 27 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai (quy mô 8.245 căn hộ).
Đối với nhà ở công nhân, trên cả nước chỉ có duy nhất 2 dự án được cấp phép với quy mô lên đến 1.729 căn hộ, 1 dự án đã hoàn thành xây dựng với 32 căn hộ, 4 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.328 căn hộ.
Như vậy tính đến nay, trên phạm vi cả nước đã hoàn thành được 301 dự án nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị với quy mô xây dựng rơi vào khoảng 155.000 căn và tổng diện tích hơn 7,7 triệu m2. Nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc triển khai, trong đó có hơn 400 dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng, quy mô lên đến 454.000 căn với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2.
Trên thị trường bất động sản, nhà ở giá rẻ là phân khúc có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung lại eo hẹp bởi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu muốn được miễn tiền sử dụng đất, họ phải xác định tiền sử dụng đất, sau đó thực hiện thủ tục miễn. Do đó, nhiều thủ tục hành chính phát sinh, nếu muốn thực hiện phải mất từ một đến hai năm.
Quy định nêu rõ, những dự án nhà ở thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Hầu hết các địa phương không bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Chưa kể, quy định này còn khiến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị,… Vì thế, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua bị thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu.
Đặc biệt, quy định đối với việc chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thể thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư và đấu thầu đất đai. Bởi vậy, việc chọn lựa chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vô cùng phức tạp, tốn kém thời gian quy trình thủ tục, tiến độ triển khai dự án dự án cũng bị chậm theo.
Đáng chú ý, theo quy định chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội chỉ được bán sau 5 năm sử dụng, dự án phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê. Thực tế, nhiều dự án không cho thuê được phần này khiến những căn hộ để cho thuê không có người ở, gây lãng phí.
Vào ngày 17/10/2022, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Đề án này cũng đặt mục tiêu, cả nước trong giai đoạn 2022-2025 sẽ xây dựng 571.000 căn, giai đoạn 2026-2030 là 845.500 căn nhà ở xã hội và nhà ở dành cho công nhân. Những thành phố lớn tập trung phát triển loại hình nhà ở này là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất các đơn vị tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng; mục tiêu đến năm 2030 có thể xây 1,4 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Nhiều “ông lớn” từng cam kết xây dựng nhà ở xã hội
Trong Hội nghị thúc đẩy phát triển Nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp diễn ra vào ngày 1/8/2022, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư và xây dựng hơn 1,2 triệu căn hộ cho đến năm 2030.
Theo ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes, doanh nghiệp phấn đấu sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội Happy Home trong vòng 5 năm tới. Cụ thể, vị này khẳng định: “Tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp với những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn”.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Novaland cũng cam kết sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ giá rẻ tại các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và Đồng Nai. “Novaland tin rằng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động”, ông Bùi Xuân Huy bổ sung.
Tham gia hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group nhấn mạnh, doanh nghiệp “vinh dự được tham gia đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ” xây dựng nhà ở xã hội. Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cũng mong muốn được cam kết với Chính phủ và các địa phương có thể tham gia đầu tư được nhà ở xã hội…
Ngoài ra, ông Dương Công Minh - đại diện Tập đoàn Him Lam, khẳng định: “Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi sẵn sàng tham gia. Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế và chính sách cụ thể để chúng tôi tham gia”.
Theo đại diện của Becamex IDC, doanh nghiệp này đã xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện, diện tích tối thiểu của mỗi căn hộ là khoảng 30m2, tiến tới mục tiêu 120.000 căn hộ trong thời gian tới. Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được phê duyệt bởi UBND tỉnh Bình Dương, Becamex sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng loại hình nhà ở này.