ĐHCĐ ABBank: Dự kiến trả cổ tức 10%, mục tiêu lợi nhuận tăng 68%
BÀI LIÊN QUAN
ĐHĐCĐ Văn Phú - Invest: Năm 2023 dự kiến chia cổ tức 10%, tập trung 2 dự án trọng điểm ở Thanh Hóa và Bắc GiangĐHĐCĐ TPBank: Mục tiêu lợi nhuận 8.700 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên trên 22.000 tỷ đồngĐHĐCĐ PAN Group: Tập trung kiểm soát dòng tiền, không chia cổ tức năm 2022Nhịp sống thị trường thông tin, ngày 28/4/2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Bên cạnh viên báo cáo kết quả hoạt động của năm 2022, đại hội lần này đã xin ý kiến cổ đông đối với kế hoạch kinh doanh năm 2023, đồng thời bầu chọn thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới cùng kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022.
Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, đại hội năm nay của ABBank có 594 cổ đông cùng với người đại diện tham dự, sở hữu 684 triệu cổ phiếu, tương đương với 72,73% cổ phần có quyền biểu quyết. Chính vì thế, cuộc họp đã đủ điều kiện để có thể tiến hành.
Lý giải về việc lợi nhuận 2022 sụt giảm
Kết thúc năm 2022, ABBank ghi nhận 130.065 tỷ đồng tổng tài sản, so với năm 2021 đã tăng 8% và đạt được 94% kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, tổng huy động thị trường 1 là 91.994 tỷ đồng, tương đương với 97% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.686 tỷ đồng, thực hiện được 55% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ABBank ở mức 2,19%, đảm bảo dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo của Ban lãnh đạo ABBank cho biết, ngân hàng trong năm 2022 đã không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch đã được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông. Nguyên nhân bởi, thị trường năm 2022 có nhiều biến động cùng nhiều yếu tố tiêu cực, bất ổn đã ảnh hưởng đến mảng kinh doanh nguồn vốn. Cụ thể, trái phiếu chính phủ do mặt bằng lãi suất thị trường tăng lên mạnh mẽ cùng thanh khoản hạn chế đã ảnh hưởng đến danh mục trái phiếu chính phủ.
Trong năm qua, ABBank còn phát sinh chi phí bồi thường vì chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ cùng với đối tác cũ do họ không đảm bảo được quyền lợi cho ngân hàng. Những yếu tố kể trên đã ảnh hưởng đến lợi nhuận toàn hệ thống ABBank, khiến lợi nhuận sụt giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn thay thế bù đắp. Ngoài ra, một số chỉ tiêu quy mô và hiệu quả vẫn còn khoảng cách tương đối khi so sánh với những chỉ tiêu định hướng của Kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025.
Đáng chú ý, trong khi phải trả khoản bồi thường khi chấm dứt hợp đồng với đối tác cũ trước hạn hợp đồng, ABBank vẫn chưa có sự chuyển đổi liên tục trong việc hợp tác đối với việc kinh doanh bảo hiểm mới, khiến doanh thu phí bảo hiểm trong năm qua không hề có.
Theo tìm hiểu, FWD từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ngân hàng ABBank. Hai bên ký kết thỏa thuận bancassurance năm 2016 với thời hạn trong 15 năm. Đến năm 2022, mối hợp tác này đã chính thức kết thúc. Tháng 12/2022, ABBank đã có đối tác mới khi công bố về hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Bích Phượng - Tổng Giám đốc ABBank cho biết, việc ABBank thay đổi đối tác bảo hiểm có mục đích tối đa lợi ích cho khách hàng và các cổ đông. Cụ thể, mức thu nhập từ thỏa thuận bảo hiểm của đối tác mới đã gấp đôi khi so với đối tác cũ.
Theo Chủ tịch Đào Mạnh Kháng, ABBank đã phải đền bù hơn 200 tỷ đồng cho đối tác bảo hiểm cũ. Việc bồi thường đã khiến cho kết quả kinh doanh năm 2022 của ngân hàng này bị ảnh hưởng. Trước đó, khoản thu bất thường đến từ hợp đồng bảo hiểm này đã được tính vào lợi nhuận của những năm trước.
Ban lãnh đạo ngân hàng bổ sung, ABBank trong năm qua đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.
Dự kiến trả cổ tức 10%, mục tiêu lợi nhuận tăng 68%
Tại đại hội, ABBank đã xin ý kiến cổ đông đối với phương án phân phối lợi nhuận của năm 2022. Với lợi nhuận sau thuế là 1.353 tỷ đồng, Ngân hàng này sẽ trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 10% cho quỹ dự phòng tài chính cùng với 2% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Sau khi trích lập các quỹ cộng thêm lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa được sử dụng, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối của ABBank là gần 2.483 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại để chia cổ tức với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu đúng theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 20/4/2022 là gần 940,95 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối của ABBank sau khi chia cổ tức là gần 1.542 tỷ đồng.
Ngày 10/4, HĐQT ABBank đã có quyết định thời gian triển khai phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo phương án tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng này sẽ phát hành gần 94,1 triệu cổ phiếu trong trong quý 2 hoặc quý 3/2023 để trả cổ tức cho cổ đông. Đến ngày 27/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM thông báo đã nhận được đủ tài liệu phát hành cổ phiếu trả cổ tức của ABBank.
Đặc biệt, tại đại hội lần này ABBank đã xin ý kiến cổ đông về chỉ tiêu kinh doanh và kế hoạch hoạt động năm nay. Cụ thể, tổng tài sản tăng trưởng 5% ước đạt 136.816 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 2.826 tỷ đồng, tăng trưởng 68%; Dư nợ tín dụng đạt 97.382 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022; Huy động từ khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế là 93.508 tỷ đồng, tương đương với tăng trưởng 2% so với 2022. Room tín dụng được thay đổi theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu trên tổng dư nợ được kiểm soát ở mức dưới 3%.
ABBank cũng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) bình quân lên mức 19,53 %, đồng thời giảm tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) xuống mức 34,5%.