meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Cuối tháng 1, gửi tiền ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?

Thứ ba, 31/01/2023-09:01
Nhìn chung mặt bằng lãi suất tiền gửi sau Tết tại các ngân hàng có sự điều chỉnh nhẹ đối với kỳ hạn gửi trên 12 tháng, tuy nhiên so với cùng thời kỳ năm ngoái mức lãi suất huy động vẫn đang rất cao. 

Lãi suất cao nhất gần 9,9%/năm

Theo baodautu.vn, ra Tết thường là thời điểm lượng tiền nhàn rỗi trong dân lớn, nhiều người dư dả về tiền mặt thường có thói quen gửi ngân hàng sau Tết để “lấy may” và được hưởng nhiều ưu đãi của các ngân hàng dịp đầu năm mới. 

Theo ghi nhận, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đang ổn định ở mức cao, các kỳ hạn gửi dưới 6 tháng đều ở mức kịch trần 6%/năm, kỳ hạn gửi từ 6 tháng trở lên có sự phân hóa rõ giữa các ngân hàng. 

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), trong năm 2022 là ngân hàng đầu tiên niêm yết mức lãi suất tiền gửi lên đến 10,5%/năm. Đến đầu năm 2023, mức lãi suất cao nhất của ngân hàng chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho kỳ gửi 13 tháng, trả lãi cuối kỳ cho cả kênh tiền gửi tại quầy và gửi online.  

Tại Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank), mức lãi suất huy động cao nhất hiện là 9,2%/năm với kỳ hạn 13 tháng trở lên, áp dụng cho cả kênh gửi tiền tại quầy và gửi tiền online. Kỳ hạn 12 tháng có mức lãi suất tiết kiệm là 9%/năm. Khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này với kỳ hạn 6 - 11 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 8,80%/năm. 

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trước Tết mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 9,5%/năm. Hiện nay, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 9,2%/năm. Để hưởng mức lãi suất này, người gửi tiền phải là khách VIP loại 1 và có số tiền gửi tối thiểu 3 tỷ đồng với kỳ hạn từ 12 tháng. Các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng giờ cũng chỉ được lãi suất 8,5%/năm, thay vì mức trên 9% như trước Tết.

Tại Ngân hàng Sacombank, trước Tết mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 9,8%/năm. Hiện tại mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của nhà băng này là 9,2%/năm, áp dụng cho kênh tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 - 36 tháng. Kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất là 9,1%/năm. Kỳ hạn 6 - 11 tháng, mức lãi suất tiền gửi của Sacombank là 8,5 - 9%/năm. 


Nguồn: Ngân hàng PVCombank.
Nguồn: Ngân hàng PVCombank.

Tại ngân hàng PVCombank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trước đây của ngân hàng này là 9,9%/năm áp dụng cho khách hàng gửi tiền kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Hiện nay, mức lãi suất tiền gửi của sản phẩm này chỉ còn 9,5%/năm. 

Ơ nhóm ngân hàng big 4, nhìn chung mặt bằng lãi suất không có nhiều thay đổi so với trước tết. BIDV và VietinBank đều đang có lãi suất cao nhất 8,2%. Theo sau là Agribank 7,9%/năm, Vietcombank 7,4%/năm.

Tiết kiệm vẫn là kênh tiền gửi an toàn nhất 

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa ra nhận định, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu khống chế lãi suất huy động dưới 9,5%/năm, tuy nhiên đây vẫn là một con số cao so với mọi năm. Với mức lãi suất này, dòng tiền vẫn tiếp tục tìm đến tiết kiệm. 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12/2022, tổng số tiền gửi toàn hệ thống tăng 6% so với đầu năm. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, tổng tiền gửi dân cư tăng thêm 84.597 tỷ đồng. Đây là tháng có tốc độ tăng khá nhanh khi mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm trên thị trường lên cao. Nâng mức tăng so với cuối năm 2021 lên 444.114 tỷ đồng. Đây là tháng có mức tiền gửi dân cư tăng nhanh trong năm 2022.

Càng về cuối năm, người dân càng có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn khi lãi suất huy động của các ngân hàng tăng cao. Tốc độ tăng tiền gửi của khu vực dân cư trong năm 2022 nhanh hơn nhiều so tiền gửi các tổ chức kinh tế. Vào cuối năm 2021, tốc độ tăng tiền gửi tổ chức kinh tế lên đến 15,73%, đạt 5,645 triệu tỷ đồng, còn tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,08%, đạt 5,3 triệu tỷ đồng.


Tiết kiệm vẫn là kênh tiền gửi an toàn nhất với người có tiền nhàn rỗi.
Tiết kiệm vẫn là kênh tiền gửi an toàn nhất với người có tiền nhàn rỗi.

Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chỉ tăng có 2,9% so với cuối năm 2021, đạt 5,808 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 163.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi dân cư tăng gấp đôi. Bởi lãi suất tiết kiệm tăng, trong khi doanh nghiệp ngại vay vốn ngân hàng do áp lực lãi vay đi lên. 

Theo các chuyên gia, trong ngắn và trung hạn, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng nên số dư tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt. Dự báo, quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục ít nhất trong 6 tháng tới. Cùng với đó, sự việc liên quan đến SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ưu tiên cao nhất của ngành ngân hàng là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Do đó, dù môi trường kinh doanh không thuận lợi, lãi suất còn nhiều dư địa tăng thì ngân hàng vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 1 - 1,5 điểm phần trăm và đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm, giảm dần từ quý III/2023. 
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings cho rằng, ở góc độ người dân lựa chọn kênh đầu tư so với tiết kiệm, nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì cao người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư. Tiết kiệm vẫn là kênh tiền gửi an toàn nhất với người có tiền nhàn rỗi, lãi suất cũng đang ở mức cao thu hút dòng tiền gửi. 

Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao

Theo nhận định của Chứng khoán SSI, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng mạnh từ tháng 10/2022 lên khoảng 9 - 10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên khoảng 14 - 15% đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc lãi suất cho vay cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới trong giai đoạn cuối năm 2022. 

Trong năm 2023, nếu có sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, sự điều hành linh hoạt đến liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi về trái phiếu, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022 thì có thể mặt bằng lãi suất sẽ không thể tăng mạnh trong năm 2023. 


Lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên.
Lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên.

Tuy nhiên, SSI nhận định chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc thì lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, dự báo điều này có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2023. Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động có khả năng thu hẹp so với năm 2022, lần lượt ở mức 12 - 14% và 10 - 12%.

Giới chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (ở mức 9 - 10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn để đầu tư phát triển. Do người có tiền tiếp tục lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn cao hơn so với các kênh đầu tư khác. 

Bên cạnh đó, khi chi phí đầu vào còn tăng thì hoạt động cho vay sẽ tiếp tục gặp khó, do doanh nghiệp không thể sử dụng vốn vay khi lãi suất tăng cao. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ưu tiên hiện dao động 10-13%/năm. Thậm chí cao hơn mức này, nhưng cũng không dễ tiếp cận vốn. Còn với khách hàng cá nhân, nhất là với cho vay mua nhà lãi vay lên 14-16%/năm.

Đây là lý do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng hội viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các ngân hàng tối đa 9,5%/năm, bao gồm các khoản khuyến mãi cộng lãi suất, nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. 


Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách nhằm hạ lãi suất cho vay để phục vụ nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách nhằm hạ lãi suất cho vay để phục vụ nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng ổn định mặt bằng lãi suất. Cụ thể, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước ngay trong những ngày đầu năm 2023 đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm nay. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Về vấn đề điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước hết cần tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.

Trong thời gian tới điều kiện nếu có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

Tin mới cập nhật

Giảm áp lực tạm thời tình trạng đầu cơ: Có thể áp dụng "giá trần và giá sàn" trong đấu giá đất?

5 giờ trước

Chủ đầu tư “đua” tung ưu đãi nhưng vẫn không dễ bán hàng

5 giờ trước

Tận dụng triệt để quỹ đất để gia tăng nguồn cung nhà ở

5 giờ trước

Hoạt động M&A bất động sản sẽ có một cuộc sàng lọc lớn

1 ngày trước

Người bán nhà cần cẩn trọng với chiêu trò “có khách cọc ngay” của môi giới

1 ngày trước