Người bán nhà cần cẩn trọng với chiêu trò “có khách cọc ngay” của môi giới
BÀI LIÊN QUAN
Mức độ quan tâm tìm kiếm chung cư Hà Nội giảm 47%: Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân "chốt lời”?"Loạn" giá chung cư Hà Nội: Cùng diện tích, dự án nhưng chênh nhau cả tỉ đồngBất động sản đang “hút” dòng tiền từ kênh chứng khoán?Mới đây, anh Nguyễn Đông (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ về câu chuyện “mất trắng 200 triệu đồng” vì tin lời “cò bất động sản. Theo anh Đông, từ đầu năm 2024, thị trường bất động sản bắt đầu nóng lên, anh thường xuyên nhận được những cuộc gọi từ môi giới hỏi mua nhà với mức giá lần sau cao hơn lần trước. Kèm theo đó, là những lời thuyết phục “bùi tai” như “căn hộ của gia đình đang tăng mạnh”, “anh chị đồng ý bán là có khách cọc ngay”.
Mất tiền vì tin lời môi giới
Anh Đông cho biết, ban đầu không mấy quan tâm nhưng môi giới gọi nhiều quá, anh cũng lên các trang web và hội nhóm mua bán nhà đất để tìm hiểu giá thì thấy một số căn hộ trong tòa nhà của mình cũng được rao bán với mức giá tương tự như môi giới đã thông tin, dao động khoảng 4,2 – 4,5 tỉ đồng cho một căn hộ 75m2.
Nhận thấy thị trường đang “sốt”, cùng với mong muốn chuyển về khu vực gần trường học của các con, sau khi bàn bạc anh Đông đã quyết định bán căn hộ. Mỗi ngày, môi giới dẫn khách đến xem nhà, nên anh cho rằng việc bán căn hộ sẽ không khó khăn nên trong thời gian này, anh đã đi xem nhà mới, và đặt cọc 200 triệu đồng cho chủ một căn hộ ưng ý.
Tuy nhiên, sau vài tuần, mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Mặc dù có nhiều người đến xem nhà, nhưng không có khách nào quyết định "xuống cọc ngay” như những gì các môi giới đã nói. Sau một tháng, thời hạn cuối cùng để thanh toán cho căn hộ anh dự định mua đã đến nhưng căn hộ hiện tại vẫn chưa bán được, anh phải chấp nhận bỏ cọc.
Tương tự, gia đình anh Đỗ Công Trường (Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, anh đang sống tại căn chung cư diện tích hơn 90m2 ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Nghe nói chung cư đang được giá nên gia đình anh dự định bán đi để thêm tiền mua một mảnh đất xây nhà.
Ban đầu, anh rao bán căn chung cư với giá 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó có rất nhiều môi giới gọi điện nói rằng chung cư đang sốt nên căn hộ của gia đình anh phải nâng giá lên 6 tỉ đồng. Một số môi giới cũng đến xem nhà và hứa sẽ dẫn khách đến đặt cọc, cũng không quên nhắc nhở có ai hỏi thì báo giá 6 tỉ đồng vì mức giá anh đang rao bán là quá rẻ.
“Nghe vậy, tôi đã từ chối nhiều khách gọi điện hỏi mua, thậm chí đồi cọc luôn với giá 5 tỉ vì sợ bán hớ. Nhưng suốt gần 1 tháng nay, gia đình tôi chờ mãi cũng không thấy môi giới nào dẫn khách đến”, anh Trường cho biết.
Không chỉ tại phân khúc chung cư, chị Đinh Thúy Liên cho biết đang “mắc kẹt” tại một mảnh đất ở Văn Giang (Hưng Yên) từ năm 2021. Thời gian gần đây, , hàng loạt môi giới bắt đầu liên hệ lại và cho biết mảnh đất của chị có thể bán được với giá 4,5 - 5 tỷ đồng, cao hơn giá chị mua 1,5 – 2 tỉ đồng. Thấy được giá, chị vội vàng quyết định bán ngay, nhưng từ tháng 6 đến nay chỉ có môi giới gọi điện đến xem chứ không có khách.
Theo đuổi giá trị cao trên thị trường bất động sản là rất mạo hiểm
Theo một chuyên gia có kinh nghiệm trong giới đầu tư bất động sản, việc người bán nhà liên tục được đưa ra mức giá nhà cao chót vót như trên khá phổ biến trong những giai đoạn thị trường bất động sản nóng sốt. Đây có thể là chiêu trò của những người tham gia đầu cơ, lướt sóng thị trường hoặc một số “cò” đất, mục đích là làm nhiễu loạn thị trường để trục lợi, kiếm lời.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, ngoài các yếu tố khách quan từ thị trường, có những cá nhân tham gia trực tiếp vào việc "thổi giá" bất động sản, gây ra những giao dịch bất thường với mục tiêu đẩy giá lên cao nhất có thể. Trước đó, nhiều dự đoán cho rằng vào nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản có thể phục hồi, khiến một số nhà đầu tư có ý định đầu cơ, mua trước khi giá tăng.
Họ đặt cọc, giao dịch, chuyển nhượng qua lại, tạo ra các giao dịch giữa các nhà đầu cơ để chờ thời điểm giá tăng, không phải do nhu cầu thực tế. Tại một con ngõ nhỏ hẹp ở quận Hai Bà Trưng, một ngôi nhà giá 6 tỉ đồng được liên tục sang tay giữa hàng xóm.
Một căn hộ cũ hơn 10 năm tại Hoàng Mai khi được ký gửi lên sàn môi giới đã bị nâng giá lên hàng trăm triệu đồng dù chưa có người mua. Tại Long Biên, một khu nhà liền kề có giá hàng triệu đô nhưng lại đối mặt với tình trạng ngập nước, an ninh kém.
Trong khi đó, một khu nhà ở xã hội để đến được tay người thực sự có nhu cầu đã phải trải qua nhiều lần mua bán qua trung gian. Những giao dịch này phần lớn bị cuốn vào cơn sốt FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), trong đó cả các nhà môi giới và nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đều góp phần vào quá trình "thổi giá".
Trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, người mua cần phân biệt môi giới có chứng chỉ với những "cò đất" tự phát, chỉ tranh thủ lướt sóng khi giá đất sốt. Bởi giao dịch chung cư cũ với số lượng hạn chế, thường chỉ có sự tham gia của các cá nhân nhỏ lẻ, còn các công ty lớn không mặn mà. Trong nhiều trường hợp, chính chủ nhà tự nâng giá kỳ vọng, cùng với môi giới muốn hưởng hoa hồng cao.
Sau những bài học, nhiều người bán cho biết, việc theo đuổi giá trị cao của thị trường bất động sản có thể rất mạo hiểm và không phải lúc nào cũng như những gì mà môi giới hứa hẹn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bình tĩnh để khảo sát đúng giá trị thực của căn hộ, nhất là khi khắp nơi đều nghe nói chung cư đang sốt, và môi giới thì ngày nào cũng nói rằng căn nhà của mình đã tăng giá mạnh.
Thực tế, người bán ai cũng mong muốn bán được giá cao nhất có thể, nhưng giá trị thực và khả năng thanh khoản mới là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, khi bán nhà đừng chỉ nhìn vàocác mức giá rao bán trên mạng hay tin vào lời môi giới, vì đó có thể chỉ là "giá ảo". Tốt nhất, hãy tìm hiểu kỹ về những giao dịch thực tế trong tòa nhà hoặc khu vực mình đang sinh sống.