Cổ phiếu công nghệ Việt Nam ngược dòng với tăng trưởng bền vững và dòng tiền dồi dào
BÀI LIÊN QUAN
Triển vọng cổ phiếu chứng khoán trong và sau năm 2022 ra sao?Lạm phát gây "sóng gió" lên thị trường chứng khoán, các nhóm ngành phòng thủ lên ngôiChứng khoán Việt Nam hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn và kịch bản cho thị trường trong thời gian tới"Bong bóng dotcom" liệu có lặp lại?
Theo Nhịp sống kinh tế, tính từ đầu năm 2022, nhóm chỉ số NASDAQ đại diện cho các cổ phiếu công nghệ đã giảm 26%, dưới tác động nặng nề của triển vọng lãi suất cao hơn, sau khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tìm cách kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Đối với giới đầu tư toàn cầu, việc đặt cược vào cổ phiếu công nghệ trên các thị trường phát triển trong những tháng biến động gần đây đã làm gợi nhớ đến "bong bóng dotcom" năm 2000. Khi bong bóng vỡ, chỉ số NASDAQ thời điểm đó đã lao dốc gần 80% từ trong giai đoạn 2000 - 2022.
Trước bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, các nhà đầu tư đã thay đổi cách đánh giá những công ty công nghệ, tập trung nhiều hơn vào khả năng tạo dòng tiền và lợi nhuận thay vì chỉ đơn thuần tăng doanh thu và người dùng như trước đây. Do đó, giá cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ trên các thị trường phát triển đã đang điều chỉnh mạnh.
Định giá suy giảm được cho chỉ là khởi đầu, một số công ty đang bắt đầu cắt giảm và thu nhỏ quy mô nhân sự khi áp lực đạt được lợi nhuận ngày càng tăng cũng như việc tìm kiếm tăng trưởng đơn thuần đã không còn dễ dàng. Kể từ đầu năm 2022, mỗi tuần qua đi, lại xuất hiện thêm thông tin mới về một công ty công nghệ sa thải nhân viên hoặc ngừng tuyển dụng mới. Đơn cử như Robinhood, Peloton, Netflix và Cameo đều tuyên bố sa thải. Meta, Uber, Snap, Instacart và Lyft cho biết họ sẽ tuyển dụng chậm hơn so với trước đây.
Chỉ tập trung vào các công ty đã trưởng thành và có lợi nhuận
Trong bối cảnh vĩ mô thay đổi, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư hãy tránh xa những công ty công nghệ non trẻ vẫn chưa tạo được năng lực tài chính thực sự, thay vào đó chỉ tập trung vào các công ty đã trưởng thành và có lợi nhuận.
"Nhìn chung, lĩnh vực công nghệ đã giảm khá mạnh ở Mỹ. Có hai loại công ty công nghệ được niêm yết ở Mỹ - một là công nghệ mới như Zoom, chỉ đi lên trong đại dịch và các công ty công nghệ trưởng thành", Neil Parikh, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ tương hỗ Parag Parikh (PPFAS MF) nói.
"Một số công ty new economy không có doanh thu hoặc lợi nhuận và chỉ được tài trợ hoàn toàn bởi vốn cổ phần tư nhân. Với lãi suất tăng, thời đại tiền rẻ đó sắp kết thúc, đây là chỗ bạn nên tránh xa", Parikh cho hay.
"Các công ty công nghệ trưởng thành là các công ty như Google, Microsoft và Amazon. Họ có một mô hình doanh thu tốt, có lợi nhuận cao hơn và hiện đang ở mức định giá hấp dẫn", Parikh nói thêm.
Đây cũng chính là lý do quỹ chủ lực ARK Innovation ETF - nơi nổi tiếng với những thương vụ tất tay vào những tên tuổi rủi ro nhất, hào ngoáng nhất trong giới cổ phiếu công nghệ, tiền mã hóa... của bà Cathie Wood mất hoàn toàn ưu thế so với chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ. Theo đó, tính từ đầu năm 2022 đến nay, quỹ này đã bị "bốc hơi" hơn 55%, mất gần như toàn bộ thành quả đạt được trong giai đoạn đại dịch.
Trong khi đó, quỹ Pacer US Cash Cows 100 ETF (mã COWZ) thường theo dõi các công ty vốn hóa trung bình và lớn có lợi suất dòng tiền tự do cao đã chứng kiến dòng vốn chảy vào mỗi tuần trong năm nay. Cụ thể, tài sản của quỹ này đã tăng lên 5,6 tỷ USD từ 1,3 tỷ USD vào đầu năm 2022. Tính từ đầu năm, COWZ đã tăng 7,2% so với mức lỗ gần 22% của S&P 500.
Ellen Hazen, chiến lược gia thị trường và quản lý danh mục đầu tư tại F.L.Putnam, cho biết. "Thị trường đang trả thưởng cho các công ty có dòng tiền. Và các công ty không có dòng tiền, mà chúng ta sẽ gọi là các cổ phiếu giá trị chất lượng thấp, đang bắt đầu có diễn biến kém hiệu quả. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ tiếp tục".
Cổ phiếu công nghệ Việt Nam ngược dòng với tăng trưởng bền vững cùng dòng tiền dồi dào
Tại thị trường Việt Nam, nhóm cổ phiếu công nghệ hầu hết thuộc về các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm và có lợi nhuận với các đại diện như FPT (Công ty cổ phần FPT), CTR (Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel), CMG (Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC)…
Điển hình như FPT, tập đoàn này đã duy trì tăng trưởng liên tục trong suốt gần 10 năm qua (không tính tác động của việc tái cơ cấu FPT Retail và Synex FPT vào năm 2017-2018). Trong 4 tháng đầu năm 2022, trước bối cảnh các công ty công nghệ tăng trưởng nóng và phải chật vật để đạt đến điểm hòa vốn thì FPT tiếp tục ghi nhận lợi luận sau thuế tăng gần 32% so với cùng kỳ.
Đồng thời, tập đoàn FPT cũng nắm giữ một khoản tiền mặt và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khổng lồ với khoảng 26,4 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD, tiền gửi tại quý I/2022 và hơn 5,8 nghìn tỷ từ dòng tiền hoạt động kinh doanh năm 2021.
Về nhân sự, FPT vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự cho các dự án công nghệ lớn tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Á và Việt Nam, cũng như công bố dự định tăng tuyển bình quân hơn 15% mỗi năm trong 3 năm tới.
Với những điểm tích cực kể trên, cổ phiếu của FPT cũng đã có kết quả tương đối khả quan với mức tăng 11% kể từ đầu năm 2022 so với mức giảm 14% của VN-Index, thậm chí vượt xa mức lỗ của các công ty công nghệ toàn cầu.
Bên cạnh đó, FPT cũng có truyền thống chia cổ tức tiền mặt mỗi năm 20%. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ chia thêm cổ phiếu thưởng tùy thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh. Như năm 2021, phương án chia cổ tức gồm 20% bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu 20%.