Chuyên gia: Xuất hiện nhiều cơn gió ngược, lãi suất khó giảm thêm trong 3 tháng cuối năm
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất cơ bản của các ngân hàng hiện nayTheo Doanhnhan.vn thông tin, mặt bằng lãi suất tiền gửi cùng lãi suất cho vay trong thời gian qua đã có xu hướng giảm với nhiều nỗ lực từ nhà điều hành cùng hệ thống ngân hàng, dù lãi vay vẫn giảm chậm hơn vì có độ trễ nhất định.
Tính tới thời điểm cuối tháng 9 năm nay, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng đã giảm 4,87 điểm % và đạt 0,19% và duy trì mức dưới 1% kể từ tháng 7. Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng giảm 2,42 điểm %, đạt 5,58%.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay mới vào cuối tháng 9 đã giảm 1-1,3 điểm %. Trong khi đó, lãi suất bình quân cho vay đối với những khoản vay ngắn hạn ở mức 5,5 - 5,7%/năm, đối với các khoản vay trung ngắn hạn là 5,8 - 10%/năm, các khoản vay cũ lãi suất vẫn ở mức khoảng 9 - 12%.
Thông điệp và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với các Tổ chức tín dụng là phải hạ lãi suất cho vay. Điều này diễn ra rất tích cực kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong 1 tháng gần đây, thể hiện rõ nét qua các con số tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92% so với cuối năm 2022, cao hơn so với mức ước tính ban đầu trong khoảng 6,1 đến 6,2%, song vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước ở mức 11,1%.
Các chuyên gia SSI cho biết, sự bứt tốc này có thể đến từ yếu tố mùa vụ vào cuối quý cùng xu hướng tín dụng trong tháng 10. Đây là điểm quan trọng thể hiện hiệu quả của việc hạ lãi suất huy động cũng như cho vay từ phía các ngân hàng đến cầu tín dụng.
Xu hướng giảm lãi suất cuối năm gặp nhiều ‘cơn gió ngược’
Theo giới chuyên gia, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, xu hướng giảm cũng sẽ gặp nhiều cản trở trong 3 tháng cuối năm, cũng chính là thời điểm bắt đầu xuất hiện những cơn gió ngược.
Liên quan đến vấn đề này, Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, áp lực lạm phát cùng tỷ giá gia tăng trong vòng 2 tháng gần đây chính là trở ngại chính đối với việc giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại. Các chuyên gia này nhận định: “Với mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng tôi không cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ đảo chiều tăng trong năm nay (trừ khi DXY và Bond yield tiếp tục tăng nóng)”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, xu hướng hạ lãi suất trong các tháng cuối năm nay không thể thuận lợi trước những ‘cơn gió ngược’ nêu trên. Ngoài ra, dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng cũng được đánh giá sẽ được thu hẹp đáng kể trong quý cuối năm.
Liên quan vấn đề này, ông Jochen Schmittmann, chuyên gia từ IMF chia sẻ, lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam thời điểm hiện tại đã gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây nên những tác động đáng kể về tỷ giá. Vị này cũng khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần hết sức cân nhắc đối với việc hạ lãi suất, nguyên nhân bởi dư địa hiện tại gần như đã không còn.
Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup nhấn mạnh, dư địa giảm lãi suất huy động hiện nay đã không còn nhiều. Vị này cũng bổ sung, dự báo lạm phát đầu năm 2024 có thể lên mức 4,5%, lãi suất trung bình các kỳ hạn khi đó ở mức trung bình khoảng 5,5%. Với mức lạm phát như thế, lãi suất huy động khó có thể giảm thêm. Nguyên nhân bởi, nếu lãi suất thực tiệm cận 0 hoặc âm thì người dân sẽ có xu hướng không gửi tiền vào ngân hàng mà dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Trong một sự kiện mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, việc điều hành lãi suất cần phải thận trọng, nếu quyết liệt hoặc nóng vội quá sẽ dẫn đến một thời điểm nào đó khi độ trễ khi bắt đầu thực hiện được tác động đến nền kinh tế thì có thể dẫn đến sự thái quá, có thể gây ra hệ lụy không tốt.
Dự báo về khả năng giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều nhận định khác nhau. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 9 có thể sẽ không tạo ra nhiều áp lực thanh khoản đối với hệ thống. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành cho đến hết năm nay Tương tự, theo dự báo của Chứng khoán Maybank (MBKE), Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất thay vì cắt giảm bởi rủi ro về áp lực tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn đến nợ xấu cao hơn cũng như bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.
Còn theo Ngân hàng UOB, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng trước tình hình kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn thông qua việc cắt giảm lãi suất 4 lần liên tiếp, nhưng nhiều khả năng sẽ có thêm 1 đợt giảm lãi suất nữa vào cuối năm.
Trong báo vào giữa tháng 8 vừa qua, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục giảm với kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm Ngân hàng Thương mại Nhà nước, bổ sung tiền gửi kho bạc nhà nước vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.