Chứng khoán Mỹ tiếp tục đà lên sau phiên tăng mạnh hôm 19/7 trong đó hai nhóm công nghệ và dầu khí hỗ trợ đắc lực
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi chỉ số Dow Jones “bay” hơn 300 điểm, giá dầu tăng hơn 4%Ngược dòng với những người tháo chạy khỏi chứng khoán Mỹ, một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ quyết trung bình giá đến cùngNhân tố nào giúp chỉ số Dow Jones vọt lên 658 điểm sau 5 phiên giảm liên tiếp?Theo Vietnambiz, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã bật tăng 1,58% lên gần 11.898 điểm. S&P 500 cũng tăng 0,59% lên gần 3.960 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có phần yếu thế hơn khi chỉ lên được 0,15%, kết thúc phiên ở gần 31.875 điểm. Trong phiên, Dow Jones dao động quanh mức tham chiếu, xanh đỏ thay phiên nhau.
Kết phiên ngày 20/7, Nasdaq đang ở mức cao nhất kể từ ngày 8/6 đến nay còn Dow Jones và S&P 500 đang ghi nhận mức đỉnh kể từ hôm 9/6.
Thị trường trong ngày 20/7 diễn biến tích cực sau khi tăng mạnh vào hôm 19/7. Theo CNBC, nhiều nhà đầu tư nhận định đợt giảm giá trong tháng 6 là thời kỳ tạo đáy của chứng khoán Mỹ, do vậy họ đã bắt đầu mua lại các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu đang dẫn đầu đà tăng của S&P 500 trong phiên vừa qua. Biểu đồ bên dưới cho thấy, cổ phiếu dầu khí đang nằm trong nhóm tăng mạnh khí giá dầu thô thế giới đang dần hồi phục trên mốc 100 USD/thùng.
Trong khi đó, nhóm ngành nghề mang tính phòng thủ như y tế và tiện ích công cộng đang có chiều hướng ngược lại, điều này cho thấy các nhà đầu tư không còn thận trọng như khoảng thời gian trước.
Cổ phiếu của các công ty bán dẫn đang tăng vượt trội khi khi Thượng viện Mỹ thúc đẩy một dự luật có giá trị lên đến 50 tỷ USD để góp phần hỗ trợ cho ngành sản xuất chip tại Mỹ. Chỉ số của Advanced Micro Devices và Nvidia đã tăng lần lượt là 4,1 và 4,8% trong khi đó Qualcomm đi lên chậm hơn với mức tăng 2,9%.
Cổ phiếu của các hãng phát trực tuyến như Netflix và Roku tăng vọt tương ứng với mức 7,4% và 6,9%. Bên cạnh đó, Disney và Paramount cũng tăng thêm 3,8%. Cuối ngày 19/7, Netflix đã công bố lợi nhuận quý II khả quan hơn kỳ vọng. Hãng phát trực tuyến này cũng thông báo số lượng người dùng trả tiền (subscriber) trong quý vừa qua đã giảm 970.000, ít hơn so với con số 2 triệu người dùng mà công ty này đã dự báo trước đây.
Đối với thị trường tiền mã hóa, Bitcoin đã vượt lên trên mốc 24.000 USD lần đầu tiên sau hơn 1 tháng qua, điều này cho thấy các nhà đầu tư đã sẵn sàng chịu rủi ro hơn lần trước.
Nhiều nhà đầu tư đang có sự lạc quan và tin tưởng thị trường đã tạo đáy nhờ các tín hiệu tốt trong thời gian gần đây. Hôm 19/7, sàn giao dịch New York (NYSE) đã ghi nhận trên 90% số cổ phiếu trên đà tăng trở lại và chiếm hơn 90% thanh khoản thị trường.
CNBC dẫn lời của ông Stephen Suttmeier, một nhà phân tích kỹ thuật làm việc tại Bank of America, ông này viết hôm 20/7: “Chúng tôi coi ngày tăng trên diện rộng 19/7 là một tín hiệu cho thấy đợt phục hồi mùa hè của thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều chuyên gia còn đang nghi ngờ về ý nghĩa của phiên tăng mạnh mới đây và bày tỏ sẽ đợi thêm tín hiệu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như sức của nền kinh tế. “Lịch sử cho thấy, nhưng không đảm bảo được chắc chắn, rằng phiên giao dịch hôm 19/7 là một cú hồi trong thị trường gấu chứ không phải là sự khởi đầu của một thị trường giá lên”, theo nhận định của ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA Research.
Về dữ liệu kinh tế, Hiệp hội Ngân hàng Cho vay thế chấp (MBA) cho biết, nhu cầu vay thế chấp tuần vừa rồi đã giảm 6% so với tuần trước đó và đã chạm mức thấp nhất trong 22 năm qua. Diễn biến này chỉ ra rằng, các gia đình đang phải chật vật vì vấn đề liên quan đến chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao và lãi suất tăng, họ không còn mong muốn mua nhà.
Số liệu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản cho thấy, doanh số bán nhà đã từng có người ở trong tháng 6 vừa qua đã giảm 5,4% so với tháng 5.
Doanh số bán nhà tại Mỹ trong thời gian vừa qua đang đi xuống trong bối cảnh lạm phát ở nước này đang ở đỉnh 40 năm, Fed tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất.
FactSet cho biết, đã có khoảng 12% số doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 thông báo lợi nhuận của quý II và có khoảng 68% trong số này đạt được kết quả cao hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Thời điểm này các nhà đầu tư cho biết, họ đang đặc biệt chú ý theo dõi mùa công bố kết quả kinh doanh này để đánh giá xem các doanh nghiệp đang ứng phó như thế nào với tình trạng lạm phát cao nhất trong 40 năm.
Cổ phiếu Baker Hughes ghi nhận mức giảm 8,3% sau khi công ty dịch vụ dầu khí này đưa ra thông báo lợi nhuận quý II chỉ đạt một nửa kỳ vọng của các nhà phân tích.
Biogen đã giảm 5,8% trong phiên giao dịch ngày 20/7 bất chấp việc công ty này công bố lợi nhuận quý II ở mức khả quan hơn dự báo. Công ty này cảnh báo, doanh thu sắp tới của hốc thể bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh lớn hơn thời gian trước.
Trong khi đó, Tesla và United Airlines đã thông báo kết quả kinh doanh trong quý II của mình sau khi thị trường đóng cửa.