Nhân tố nào giúp chỉ số Dow Jones vọt lên 658 điểm sau 5 phiên giảm liên tiếp?
BÀI LIÊN QUAN
Phố Wall chìm trong sắc đỏ khi lạm phát Mỹ lên cao nhất kể từ năm 1981Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ giữa lo ngại về suy thoái và lạm phátTrong khi chờ số liệu lợi nhuận và lạm phát, chứng khoán Mỹ tụt dốc, Nasdaq mất hơn 2%Theo Vietnambiz, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 658 điểm, tương đương với 2,15% và kết phiên ở mốc 31.288 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tương ứng lần lượt là 1,92% và 1,79%. Đây là phiên tăng đầu tiên của cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq sau chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp.
Tuy diễn biến tích cực trong phiên giao dịch thứ Sáu (15/7) nhưng các chỉ số chính hiện nay đều thấp hơn cuối tuần trước. Dow Jones giảm gần 0,2% trong tuần qua, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 0,9% và 1,6%.
CNBC dẫn lời chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty môi giới OANDA - ông Edward Moya nhận định rằng: "Thị trường đang tin tưởng hơn vào kịch bản Fed sẽ không tăng lãi suất 100 điểm cơ bản vào cuối tháng này và nhà đầu tư sắp chứng kiến đỉnh của chu kỳ thắt chặt của Fed được phản ánh vào giá trên thị trường chứng khoán".
Kết quả kinh doanh quý II vừa được các ngân hàng Wells Fargo và Citigroup công báo vào ngày 15/7 đã giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin về tình trạng của nền kinh tế. Cổ phiếu của Wells Fargo bật tăng 6,2% dù ngân hàng này thông báo lợi nhuận giảm tới 48%, một phần vì phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu.
Cổ phiếu Citigroup tăng vọt 13,2% khi nhà băng này công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng và hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. Biểu đồ phía dưới cho thấy tài chính ngân hàng là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất S&P 500 trong phiên giao dịch cuối tuần 15/7.
Một ngày trước, hai đại gia ngân hàng khác là JPMorgan Chase và Morgan Stanley cùng công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo, kéo theo giá cổ phiếu đi xuống. Ngân hàng là nhóm giảm sâu nhất phiên 14/7. Sang ngày 15/7, JPMorgan và Morgan Stanley đã bật tăng lần lượt là 4,6% và 4,5%.
Ngoài kết quả kinh doanh của ngành tài chính ngân hàng, nhà đầu tư còn đón nhận số liệu tâm lý người tiêu dùng và doanh số bán lẻ tích cực vượt mức kỳ vọng.
Những con số này có vẻ đã xoa dịu một số lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 100 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp ngày 26-27/7 tới đây. Thống kê cũng cho thấy người tiêu dùng đang đẩy mạnh chi tiêu dù cho lạm phát đang trên đỉnh 4 thập kỷ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ tháng 6 đạt 680,6 tỷ USD, tăng 1% so với tháng liền trước. Kết quả này khả quan hơn dự báo tăng 0,9% mà các nhà kinh tế của Dow Jones đã đưa ra, đồng thời cải thiện đáng kể so với mức giảm 0,1% trong tháng 5.
Không giống các số liệu khác mà chính phủ Mỹ đã công bố, doanh số bán lẻ không được điều chỉnh theo lạm phát. Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 1,3% so với tháng 5 và cao hơn mức tăng của doanh số bán lẻ. Biểu đồ phía dưới cho thấy doanh số bán lẻ tháng 6 năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 8,5% và cao hơn đáy đầu năm 2020 khoảng 67%.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại BMO Capital Markets - ông Sal Guatieri nhận xét rằng: "Nhờ có tỷ lệ tiết kiệm cao và tiền lương đang tăng, các hộ gia đình Mỹ đang chi tiêu gần như ngang với trước kia, nhưng chủ yếu là để bắt kịp với đà tăng của giá cả chứ không mua được nhiều hàng hơn".
Trong một diễn biến khác, ông Raphael Bostic, một trong 7 thống đốc của Fed, bày tỏ sẽ không ủng hộ việc nâng lãi suất 100 bps trong cuộc họp cuối tháng 7, cao hơn mức tăng 75 bps của tháng 6. Ông Bostic cho rằng, tăng lãi suất quá nhanh có thể "hủy hoại rất nhiều việc đang diễn ra tốt đẹp".