Chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi chỉ số Dow Jones “bay” hơn 300 điểm, giá dầu tăng hơn 4%
BÀI LIÊN QUAN
Nhân tố nào giúp chỉ số Dow Jones vọt lên 658 điểm sau 5 phiên giảm liên tiếp?Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm, chỉ số Dow Jones có lúc mất hơn 600 điểm rồi hồi phục một phầnChứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ giữa lo ngại về suy thoái và lạm phátTheo Vietstock, tính đến lúc 21h ngày 18/7 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 314 điểm (tương đương với 0,99%), chỉ số S&P 500 tăng 0,8%, còn Nasdaq Composite tăng 1%.
Trong tuần này, Phố Wall đang chờ đợi hàng loạt báo cáo lợi nhuận từ các công ty lớn, sau khi nhận được nhiều kết quả trái chiều từ JPMorgan Chase và Morgan Stanley vào tuần trước.
Trong ngày 18/7, Goldman Sachs công bố lợi nhuận và doanh thu vượt xa dự báo của Phố Wall. Ngân hàng này ghi nhận thấy mảng tài sản có thu nhập cố định tạo ra doanh thu nhiều hơn 700 triệu USD so với dự báo. Cổ phiếu liền tăng vọt 4%.
Bank of America cũng ghi nhận được doanh thu vượt kỳ vọng và cổ phiếu tăng 3%.
"Chúng tôi cho rằng sự biến động vẫn còn rất lớn khi thị trường đang xem xét giữa rủi ro suy thoái và khả năng hạ cánh mềm", Scott Chronert, chuyên gia tại Citi cho biết trong báo cáo mới đây.
Bất chấp nỗi lo về suy thoái, các công ty thuộc S&P 500 được dự báo lợi nhuận tăng 4,2% trong quý II năm nay, theo dự báo từ FactSet. Các thành viên của S&P 500 cũng được kỳ vọng tăng 10,2% doanh thu trong cùng giai đoạn này, theo FactSet.
Các công ty lớn sắp công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này bao gồm Johnson & Johnson, Netflix, Lockheed Martin, Tesla, Union Pacific, United Airlines, Verizon và hàng loạt công ty khác.
Nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất nhẹ tay hơn so với dự báo trước đó. Tờ Wall Street Journal đưa tin cho biết Fed chuẩn bị nâng lãi suất 75 điểm cơ bản thay vì mức 1 điểm cơ bản như dự báo trước đó của một số chuyên gia.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn đang lo ngại về xu hướng thị trường sắp tới. Một trong những chuyên gia mang quan điểm "gấu" nổi tiếng trên phố Wall nhận định rằng chứng khoán Mỹ tiếp tục đối diện với rủi ro giảm điểm dù nền kinh tế số một thế giới có thể "né" được suy thoái hay không.
"Những phiên giao dịch tích cực có thể tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới, nhưng đừng sai lầm, chúng tôi cho rằng giai đoạn thị trường giá xuống vẫn chưa kết thúc, ngay cả khi kinh tế Mỹ tránh được một cuộc suy thoái", theo nhóm nghiên cứu tới từ Morgan Stanley, dẫn đầu bởi chuyên gia kinh tế Michael J. Wilson cho hay.
Chiến lược gia David J. Kostin đến từ Goldman Sachs Group Inc. dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô ảm đạm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận doanh nghiệp, hiện đang trong xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Lợi nhuận và lãi suất là hai yếu tố chính tác động đến tỷ suất lợi nhuận trên giá vốn của cổ phiếu, vốn liên tục tăng trong thời gian qua dù doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, dịch bệnh hoành hành và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, vị chuyên gia này viết trong một báo cáo công bố vào ngày 15/7.
Wilson, giám đốc đầu tư tại Morgan Stanley, người từng dự báo chính xác giai đoạn bán tháo cổ phiếu gần đây nhất, giữ quan điểm "hoài nghi" trước quan điểm áp lực lợi nhuận sẽ suy giảm sau quý II năm 2022.
"Áp lực chi phí lao động, nguyên liệu thô, hàng tồn kho và vận tải, cùng với đó là rủi ro sụt giảm nhu cầu thị trường sẽ là vật cản lớn đối với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, điều chưa được phản ánh trong nhiều dự báo trước đó", Wilson chia sẻ.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu tăng vọt khi lo ngại về nguồn cung thiếu hụt. Giá dầu Brent tăng gần 5% lên 106 USD/thùng, dầu WTI tăng 4,7% lên 102 USD/thùng.
Trước đó, sắc xanh cũng tràn ngập chứng khoán châu Á, chí số Kospi tăng 1,42% trong khi chỉ số Kosdaq tăng 1,22%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng nhẹ 0,51%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,06%. Chứng khoán thị trường Trung Quốc trái chiều. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,69%, trong khi đó chỉ số Shenzhen Component giảm 0,42%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản cũng tăng 0,5%.