Chi tiết quỹ đất xây nhà ở xã hội tại nhiều địa phương
BÀI LIÊN QUAN
"Nhà ở xã hội" và "căn hộ dịch vụ" là từ khóa "hot trend" tại TP. HCMQuỹ đất xây dựng nhà ở xã hội dần khan hiếmĐề xuất chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí MinhQuỹ đất dự án nhà ở xã hội
Theo Vneconomy, UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin Sở Xây dựng tỉnh này vừa công bố công khai, giới thiệu quỹ đất dành cho đầu tư dự án nhà ở xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Cụ thể, có 20 vị trí quỹ đất cần thu hút đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tại TP Quảng Ngãi có 4 vị trí gồm 50 ha tại xã Tịnh Hòa; 21 ha tại xã Nghĩa Dũng; 35 ha tại xã Tịnh Ấn; 2,28 ha tại xã Nghĩa Dõng.
Tại Huyện Bình Sơn có 10 vị trí gồm 5 ha ở Dốc Sỏi; 13,7 ha phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân viên nhà máy lọc dầu Dung Quất; 37 ha xây dựng khu nhà ở xã hội Vạn Tường và thiết chế công đoàn; 19,1 ha cho dự án khu nhà ở công nhân và người lao động có thu nhập thấp tại khu kinh tế Dung Quất.
20 ha đất cho dự án phát triển nhà ở xã hội tại Bình Chánh; 20 ha phát triển nhà ở xã hội tại xã Bình Long; 20 ha đất cho phát triển nhà ở xã hội tại xã Bình Tân Phú; 10 ha đất cho phát triển nhà ở xã hội tại xã Bình Châu; 8,66 ha cho phát triển nhà ở xã hội Vạn Tường; 0,97 ha phát triển khu chung cư dành cho người lao động có thu nhập thấp.
Tại huyện Sơn Tịnh có 5 vị trí gồm 40 ha phát triển khu nhà ở xã hội Tịnh Phong; 15 ha cho nhà ở xã hội Trường Xuân; 8,07 ha cho dự án khu dân cư và dịch vụ phục vụ khu công nghiệp Tịnh Phong; 2 ha đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà trẻ cho công nhân lao động các khu công nghiệp Quảng Ngãi; 2 ha đất dành cho nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Tịnh Phong theo đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại huyện Mộ Đức có một vị trí phát triển nhà ở xã hội để phục vụ cụm công nghiệp An Sơn - Đức Lâm, có diện tích 1 ha.
Tỉnh Bình Định mới đây cũng đã công khai giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội trong năm 2023 để các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Trên cơ sở kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020 và bổ sung giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, tỉnh đã quyết định công bố danh mục 6 dự án nhà ở xã hội cần thu hút đầu tư trong năm 2023.
TP Quy Nhơn có 3 dự án gồm nhà ở xã hội tại khu đất quốc lộ 1D, khu vực 7, phường Nhơn Phú với diện tích 3,95 ha, đây là khu đất thu hồi của Công ty điện lực Bình Định; khu đất dọc quốc lộ 1D, phường Nhơn Phú có diện tích 3,52 ha, đây là khu đất thu hồi từ Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn; khu nhà ở xã hội Long Vân 1, phường Trần Quang Diệu có diện tích 2,08 ha.
Tại thị xã Hoài Nhơn có 2 dự án gồm nhà ở xã hội khu vực đô thị Hoài Tân (nhà liền kề) có diện tích 5 ha; dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị Tam Quan (nhà liền kề), phường Tam Quan có diện tích 3,5 ha.
Tại thị xã An Nhơn có một dự án nhà ở liền kề tại khu đất thuộc phường Nhơn Hòa với diện tích 1,4 ha.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở trong khu vực đô thị và nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn hộ, tổng diện tích là 7.790.000 m2. Với số lượng mới này đã đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình có thu nhập thấp và công nhân được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội. Bên cạnh những kết quả này cũng tồn tại không ít những khó khăn trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, một trong số đó liên quan đến quỹ đất.
Địa phương có trách nhiệm giới thiệu quỹ đất
Bộ Xây dựng cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội, cần có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát, phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Đồng thời sửa đổi những văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương nhằm đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn thủ tục hành chính…
Về phía địa phương, có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Các địa phương phải tự cân đối bố trí ngân sách địa phương giúp khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn. Địa phương cần quy hoạch, bố trí dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện với quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn, tập trung nhiều dân cư như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Trong đó, cần làm rõ mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021. Đây chính là cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn.
Theo Bộ Xây dựng, người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư dự án nhà ở xã hội theo từng năm, từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Bên cạnh đó, phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư hay việc quy hoạch, bố trí và công khai quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất đầu tư dự án. Đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ trên phạm vi cả nước.