Cầu thủ bóng đá Việt và bất động sản: Cứ đem tiền đổ vào nhà đất là sống khỏe
BÀI LIÊN QUAN
Móng Cái – Thiên đường cho các nhà đầu tư đón sóng thị trườngThiết kế biệt thự có hồ bơi giúp gia chủ thư giãn, giảm nhiệt giữa mùa hè oi bứcSiêu biệt thự trị giá 500 tỷ đồng tại Vinhomes Ba Son: Tọa lạc trên khu đất giá 1 tỷ/m2, không gian sống đẳng cấp dành riêng cho giới thượng lưuCứ có tiền chuyển đổi thành đất thành nhà là nhất...
“Quyết định nếu mà nói đúng đắn nhất của cuộc đời em, là khi có tiền lót tay hợp đồng là dồn vào mua đất rồi xây nhà, cái ô tô em vẫn còn nợ tiền, mua để làm phương tiện đi lại. Tiền mà cứ cầm để tiêu thì bao nhiêu chẳng hết, còn giờ mình có cái nhà là yên tâm hẳn, nhất là với hoàn cảnh của em...”
Hậu vệ Xuân Hùng đã nói như vậy khi đứng bán quán cafe được đặt ở tầng 1 ngôi nhà của anh ở một khu dân cư mới thuộc huyện Thanh Trì. Cái “hoàn cảnh của em” mà Hùng nói, là 1 nách tới 4 ông con. Các đồng đội vẫn phong cho Xuân Hùng danh hiệu “Cầu thủ yêu vợ nhất bóng đá Việt Nam”. Đi thi đấu xa nhà, Hùng về thăm vợ 3 lần thì không hiểu kiểu gì tòi ra tới...4 thằng cu, vừa đủ một hàng hậu vệ, với 2 cậu nhóc đầu và thêm 2 nhóc sinh đôi nữa.
“Con cái là của trời cho, đẻ nhiều vất vả, nhà cứ như cái chợ cả ngày, nhưng vui anh ạ. Đời cầu thủ thì biết như nào, có được món tiền lớn là nhờ những lần chuyển nhượng, mà cả sự nghiệp thì chỉ có được 1-2 lần kí hợp đồng như thế, đổ mồ hôi nước mắt trên sân cỏ đấy. Nhà đông con, được cái nhà cửa cũng rộng rãi nên cũng đỡ anh ạ...”, Xuân Hùng chia sẻ.
Xuất thân từ bóng đá trẻ năng khiếu rồi ăn tập tại CLB Hà Nội, Xuân Hùng từng được triệu tập U23 Quốc gia, sau đó kí hợp đồng chuyên nghiệp với Than Quảng Ninh. Lúc trẻ măng đã có SH phóng vi vu, nhưng Xuân Hùng không ăn chơi tiêu pha phung phí. Cầm tiền tỉ - khoản tiền lớn đầu đời với 1 cầu thủ, nhưng cũng không lớn khi muốn mua nhà đất, Xuân Hùng mạnh dạn vay thêm rồi mua mảnh đất. Cưới vợ sinh con, Xuân Hùng xây 1 căn nhà 4 tầng rưỡi, tầng 1 thông sàn để kinh doanh, còn các tầng trên để ở.
Ông bố 4 con trải qua những thời điểm đầy khó khăn trong sự nghiệp, với chấn thương phải sang Singapore điều trị. Rồi sau đó vụ lùm xùm Than Quảng Ninh giải tán, Xuân Hùng cùng 1 cơ số bị nợ lương đến cả năm, rồi bị mất những khoản tiền lót tay. Việc “an cư” được, có nhà có đất khiến Xuân Hùng yên tâm hơn nhiều, ổn định được cuộc sống gia đình, rồi tiếp tục xách giầy chinh chiến ở V-League.
Xuân Hùng là một trong số hàng vạn cầu thủ của bóng đá Việt Nam, đều là dân quần đùi áo số, đằng sau những hào quang sân cỏ, là những số phận, những cuộc đời khác nhau.
Kể từ ngày ông Park Hang Seo xuất hiện, với “kỳ tích Thường Châu” năm 2018, rồi lứa HA Gia Lai trưởng thành, thế hệ của Quang Hải bay cao, bóng đá Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Cầu thủ giờ đây chuyên nghiệp hơn, “khôn” hơn, là những người trẻ hiện đại, có người đại diện, quản lý tốt hơn về tiền bạc, tài sản.
Trước đó, bóng đá Việt Nam là kiểu “chuyên nghiệp nửa mùa”, với nhiều những ông bầu vào rồi lại ra, những khoản tiền lớn vung ra rồi sau đó bỗng dưng một đội bóng lại biến mất. Cầu thủ bóng đá vốn là một nghề có đặc thù riêng, cầu thủ bỗng dưng thành tỉ phú chỉ sau khi đặt bút kí vào bản hợp đồng, với những khoản tiền được gọi là “lót tay” – vốn là đặc trưng rất riêng của bóng đá Việt.
“Tôi nói thật, chẳng hề tự ái, chứ VĐV thể thao đỉnh cao và cầu thủ bóng đá bọn tôi thời xưa là có được học hành đến nơi đến chốn đâu. Ngày ngày đi tập, thời bọn tôi chỉ học láo nháo lấy cái bằng bổ túc cho xong, còn với cuộc đời thì ít ai khôn được, chỉ có vài người như tiền đạo Anh Đức. Vì thế, bỗng dưng lại có cục tiền đến 5-7 tỉ, mà cách đây nhiều năm tiền có giá lắm, thì rồi lại lao vào những cuộc chơi, bar sàn các kiểu, rồi thỉnh thoảng dính tí bóng bánh cá độ, rồi thì cuối cùng thì tiền bay hết. Ngẫm lại, nhiều khi thấy tiếc, cứ tiền găm vào nhà vào đất là khôn, bọn tôi thì trình độ gì mà là nhà đầu tư cái nọ cái kia, nhưng đất cát, bất động sản đúng là kênh giữ tiền và đẻ ra tiền tốt nhất, tiền thì cứ mất giá còn đất thì chỉ thấy lên. Đời cầu thủ ngắn lắm, qua 30 đã qua thời đỉnh cao, mà có mấy người theo được nghiệp HLV đâu, bước ra khỏi sân cỏ mà mênh mang vô định...”
Đó là lời tâm sự của một cầu thủ từng đình đám của bóng đá Việt, đã vô địch AFF Cup năm 2008. Đã từng nhận 7 tỉ tiền tươi thóc thật về thẳng tài khoản cho 3 năm hợp đồng, nhưng rồi chẳng biết tiền đi đâu về đầu với những cuộc chơi gì, đến khi giải nghệ, cầu thủ này chẳng còn gì trong tay, vất vả mãi mới mua được căn chung cư bình dân làm chỗ chui ra chui vào. Cá biệt có trường hợp cầu thủ, cũng từng có tiền tỉ, nhưng khi giải nghệ trở thành con nợ, loanh quanh vay mượn đủ nơi đủ chỗ khiến anh em đồng đội cũ đều ngán ngẩm tránh xa.
"Hãy mua đất, người ta không tạo ra nó nữa đâu"
Trong số vô vàn cầu thủ Việt, tiền đạo Nguyễn Anh Đức được coi là cầu thủ tỉ phú, vừa là cầu thủ bóng đá vừa là doanh nhân thực sự. Cùng thời với Công Vinh, Văn Quyến, nhưng mãi tới năm 2018 thì Anh Đức vẫn vô địch AFF Cup cùng với đàn em đàn cháu là những cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn.
Là cầu thủ kỳ cựu, cách đây hơn chục năm, Anh Đức đã là chủ của một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao tại Thủ Dầu Một, Bình Dương, nơi đặt đại bản doanh của đội bóng Becamex Bình Dương mà anh khoác áo. Công ty TNHH MTV Anh Đức Sport được Anh Đức mở ra, do anh làm giám đốc. Từ một cửa hàng ban đầu, Anh Đức phát triển thành chuỗi chuyên cung cấp đồ thể thao cao cấp với nhiều cửa hàng khắp các tỉnh phía Nam. Vẫn vừa thi đấu, lại còn học thêm kiến thức về quản trị kinh doanh, Anh Đức mở rộng sang các lĩnh vực gồm xuất khẩu nông sản, kinh doanh khách sạn và spa. Anh Đức mua đất xây nhà trọ cho thuê, xây sân bóng cỏ nhân tạo cho thuê thi đấu kết hợp tổ chức các giải đấu phong trào. Cho đến thời điểm hiện tại, Anh Đức vẫn còn thi đấu, là cầu thủ kiêm HLV của đội hạng nhất Long An. Anh Đức hiện chỉ còn chơi bóng cho vui, vì đam mê, chứ sự nghiệp kinh doanh đã được xây chắc, và bất động sản thì kha khá trong tay.
Có nhà trọ cho thuê cũng là cách giữ tiền mà một đồng nghiệp khác cũng có tuổi nghề “dai” không kém Anh Đức là thủ thành Tấn Trường lựa chọn. Cách đây hơn chục năm, khi có tiền từ hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp, Tấn Trường đã mở 2 tiệm internet lớn nhất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), mua đất để xây dãy trọ cho thuê và mở cụm sân cỏ nhân tạo với 6 sân bóng tại TP HCM. Với các cầu thủ, kinh doanh đồ thể thao và thuê đất lâu dài kinh doanh sân cỏ nhân tạo là lĩnh vực gần với chuyên môn nhất, và cũng cho dòng tiền ổn định. Hiện tại, hình thức kinh doanh mở tiệm internet không còn tốt nữa, nhưng việc “có nhà cho thuê” vẫn cứ là nguồn thu nhập rất dài lâu. Có cơ ngơi, có cô vợ đảm đang hậu trường phía sau phụ trách kinh doanh, thủ thành “ông chú” Tấn Trường vẫn cứ yên tâm chinh chiến trong màu áo ĐTQG cùng “các cháu”, thỉnh thoảng vẫn “lên tóc tóc” live-stream giao lưu hài hước vui nhộn với người hâm mộ đến nỗi từng bị ông Park phê bình.
Cầu thủ khi còn thi đấu là hào quang, là sự tung hô của cả vạn người hâm mộ trên sân cỏ, nhưng phía sau hào quang là những cám dỗ. Trong cả nghìn cầu thủ chuyên nghiệp, cũng chỉ số ít có thể trở thành ngôi sao, mà tuổi đời thi đấu thì lại ngắn. Sớm hiểu được điều đó, tiền vệ Cao Sỹ Cường – người từng khoác áo HN T&T (giờ là HN FC) và ĐT Việt Nam đã gom góp toàn bộ vốn liếng cùng vợ mua một khách sạn tại Khánh Hòa. Việc sở hữu khách sạn giúp cuộc sống của Sỹ Cường và gia đình ổn định tại thành phố biển, còn thời gian rảnh thì tiền vệ này đi dạy các lớp bóng đá trẻ em, vốn chỉ đem lại niềm vui sống chứ không phải nguồn thu nhập tốt. Hai năm dịch, lượng khách du lịch tuy có ít đi nhưng vợ chồng Sỹ Cường vẫn sống ổn. Khách sạn của Sỹ Cường vẫn là nơi lưu trú cho nhiều đội bóng, các đoàn VĐV ở nhiều môn khi đến thi đấu tại Khánh Hòa.
Tương tự, trung vệ Nguyễn Đại Đồng cũng đã sở hữu 1 khách sạn tại Thanh Hóa quê anh, tạo ra nguồn thu nhập cho cả gia đình.
Nói về bất động sản, người đang sở hữu bất động sản có giá nhất trong giới cầu thủ là ngôi sao lừng danh một thời Lê Công Vinh. Căn biệt thự hạng sang của vợ chồng Công Vinh có giá trị lên tới 50 tỷ. Nữ ca sĩ Thủy Tiên – phu nhân của Công Vinh từng khoe rằng “chồng mình kinh doanh bất động sản cứ mua rồi bán lại là có lời”, cho Thủy Tiên đến cả tiền tỉ để...tiêu vặt. Thực hư chuyện Công Vinh kinh doanh bất động sản lãi lời ra sao thì cũng khó có ai biết rõ được, chỉ chắc chắn rằng vợ chồng Công Vinh có bỏ tiền đầu tư vào bất động sản.
Hiện tại, bóng đá Việt có một lứa những ngôi sao mới, “ngoan” hơn, bản lĩnh và chuyên nghiệp hơn. Truyền thông báo chí, mạng xã hội vẫn cứ luôn chú ý đến cuộc sống ngoài sân cỏ của các ngôi sao bóng đá, và liên tục là những tin tức về việc cầu thủ nọ cầu thủ kia mua nhà mua đất. Tiền vệ đội trưởng ĐT Việt Nam Đỗ Hùng Dũng đã bỏ tiền xây căn nhà cả chục tỉ làm nơi sống cho cả gia đình. Những cầu thủ trẻ như Văn Hậu, Văn Toàn chọn mua, sở hữu riêng chung cư cao cấp.
Là cầu thủ trẻ nhất, có mặt ở ĐT U23 lúc mới 18 tuổi, 19 tuổi lên ĐT Quốc gia, Đoàn Văn Hậu sau đó bỏ ra khoản tiền khoảng 5 tỉ để mua 1 căn chung cư cao cấp. Những ngôi sao nổi tiếng như Văn Hậu khi mua nhà mua xe luôn được nhận nhưng ưu đãi lớn để phía doanh nghiệp bán đổi lại các quyền lợi về quảng cáo, truyền thông. Các doanh nghiệp bất động sản luôn là các đơn vị thưởng những khoản tiền lớn cho các ĐTQG khi có thành tích, và sau đó mời HLV Park và các cầu thủ hợp tác quảng cáo. Tiền đạo Hà Đức Chinh sau thành công ở Thường Châu là dồn tiền về xây căn biệt thự to đẹp ở quê, và Chinh “đen” đã vừa cưới vợ hot girl. Câu chuyện về cầu thủ bóng đá giờ đây không phải những câu chuyện “ăn chơi” như xưa nữa, mà giờ là mua nhà to, mua xe xịn và tình yêu bên cạnh những cô gái xinh đẹp, thành đạt.
Sở hữu, đầu tư bất động sản là xu hướng từ lâu của các ngôi sao, các cầu thủ nổi tiếng nước ngoài. Hiện tại, đây cũng là xu hướng của cầu thủ Việt. Đầu tư vào bất động sản, mua nhà đất vẫn cứ là cách để tận hưởng cuộc sống, tận hưởng thành quả lao động, và bên cạnh đó là giữ tiền, bảo quản và tăng giá trị tài sản tốt nhất cho giới cầu thủ.