Các ngân hàng giảm lãi suất: Chưa phải là giải pháp căn cơ để phục hồi thị trường BĐS
BÀI LIÊN QUAN
Hội nghị tín dụng bất động sản: Các giải pháp còn chung chung, chưa đi đến cùng vấn đềNghẽn tín dụng, doanh nghiệp bất động sản "kêu trời"Có xảy ra “sốt đất” khi cấp room tín dụng cấp mới năm 2023?Nhiều nhà băng giảm lãi suất sau Tết
Thông tin các ngân hàng hạ lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản có lẽ là nội dung nhận được sự quan tâm nhất trong tuần qua. Bởi trước đó, câu chuyện lãi suất cho vay bất động sản tăng cao đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp địa ốc cũng như các nhà đầu tư, nhóm khách hàng mua nhà ở thực. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thanh khoản của thị trường địa ốc sụt giảm nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho biết, thời gian qua, lãi suất ngân hàng tăng cao đã tác động rất lớn đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Nhiều người mua nhà vì mức lãi suất cao mà phải cân nhắc thu chi và không xuống tiền mua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng bị ảnh hưởng lớn khi kênh trái phiếu không thể huy động, không tiếp cận vốn vay vì lãi suất cao
“Khi mua nhà, người mua nhà sẽ thường có một khoản tiền nhất định, còn lại sẽ chọn hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, với mức lãi suất cao thì không ít người đã từ bỏ ý định mua nhà. Do đó, sức mua giảm sút nghiêm trọng, điều này cũng ảnh hưởng đến dòng tiền của các doanh nghiệp địa ốc”, ông Điệp nói.
Theo ông, nếu hạ lãi suất tiền gửi, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi. Vì hiện nay, sức cầu trên thị trường khá tốt, đặc biệt là phân khúc vừa với túi tiền.
Thực tế, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu giảm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, tại Techcombank, mức lãi suất cho 12 tháng hiện đang là 9,2%/năm, giảm 03% so với trước Tết; 6 đến 9 tháng giảm 0,5% và được niêm yết mức 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng đều niêm yết lãi suất huy động là 8,7%/năm, giảm 0,3% so đầu tháng 1/2023. Còn tại Sacombank, mức lãi suất huy động cao nhất là 9,8%/năm trước Tết thì nay giảm xuống 9,2%/năm cho kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.
Sau một thời gian dài giữ mức huy động cao nhất thị trường là 10,5%, thì mới đây, SaigonBank cũng đã hạ xuống còn 9,5% cho kỳ hạn 12 tháng. Hay như CBBank, OceanBank,... cũng đã điều chỉnh lãi suất cao nhất xuống mức 9,5%/năm.
Thông tin tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại vừa qua đã có cuộc họp và thống nhất sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Đặc biệt, thời gian tới, sẽ giảm lãi suất cho vay trong đó có cả lĩnh vực bất động sản.
Mở van tín dụng mới là điều cần thiết
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay chúng ta đang tìm hướng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhưng điều đầu tiên phải làm đó là cần tháo gỡ nguồn tín dụng.
Mặc dù nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu. Thị tường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn này, nên việc siết chặt tín dụng đang gây nên nhiều khó khăn cho thị trường và việc tháo gỡ khó khăn tín dụng chính là giải pháp thiết yếu để khơi thông thị trường bất động sản.
"Việc nhiều ngân hàng cắt giảm lãi suất chắc chắn sẽ là xung lực nhất định thúc đẩy thị trường bất động sản, giúp thị trường ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay có thực hiện được hay không thì lại phải phụ thuộc vào tình hình thực tế", ông Thanh nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, tín dụng là vấn đề cấp thiết, cần được tháo gỡ càng nhanh càng tốt.
“Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp hiệu quả hơn, tránh tình trạng ngân hàng khẳng định không siết tín dụng, không thiếu tiền nhưng doanh nghiệp lại không thể tiếp cận được nguồn vốn, dẫn đến khó khăn cùng cực và phải giải thể”- ông Châu mong muốn.
Ông Châu cũng khẳng định, nhiều doanh nghiệp hiện nay không xin giảm lãi mà chỉ cần tiếp cận được khoản vay mới. Theo ông, năm 2023 là năm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp bất động sản mà trong đó nút thắt về vấn đề dòng tiền để đảm bảo thanh khoản là vấn đề quan tâm nhất.
Theo số liệu báo cáo, cuối năm 2022, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng cao, hơn 24% so với cuối năm 2021 - mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực. Tỷ trọng dư nợ tín dụng cho bất động sản cũng chiếm tới hơn 21% tổng dư nợ - mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trước những khó khăn về tín dụng mà doanh nghiệp và khách hàng mua bất động đang phải đối mặt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã kiến nghị các Bộ, ngành liên quan khơi thông điểm nghẽn.
Bộ Xây dựng đá đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án nới room tín dụng phù hợp với nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
“Bộ cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các trường hợp doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện theo đúng quy định. Ưu tiên các dự án nhà ở xã hội, nhà công dân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, các dự án an sinh xã hội có hiệu quả, khả năng trả nợ cao” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho nhấn mạnh, thị trường bất động sản cần “vốn” như con người cần ô xy, nếu không được bơm kịp thời sẽ khó hồi phục.