Bộ Xây dựng đề xuất bỏ điều kiện thường trú, tạm trú khi người dân mua nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội tại khu công nghiệp120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà cho công nhân: Chỉ vốn thôi là chưa đủChuyển KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội cho thuê: Tin vui cho các gia đình khó khănChỉ cần đáp ứng điều kiện nhà ở và thu nhập
Theo Thanh niên, tại Tờ trình “Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp”, Bộ Xây dựng cho rằng Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014 quy định các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ điều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện gồm nhà ở, cư trú và thu nhập.
Trong thực tế, quy định này đã dẫn đến nhiều bất cập, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, để thuê nhà ở xã hội mà không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở thì cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh đầy đủ 3 điều kiện trên.
Quy định điều kiện về cư trú còn nêu rõ: “Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này”. Tuy nhiên quy định này nhằm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của địa phương có dự án nhà ở xã hội chỉ chăm lo vấn đề nhà ở cho người dân, người lao động làm việc tại địa bàn hiện không còn phù hợp trong tình hình mới, mà lại còn phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất đối với các trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không cần đáp ứng các điều kiện như đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đảm bảo đồng thời 2 điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Điều kiện về nhà ở, người muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà của mình nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và khu vực.
Điều kiện về thu nhập, người muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội phải thuộc diện thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập; hộ nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở; người đã trả lại nhà công vụ.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không cần đáp ứng điều kiện về thu nhập.
Đối với người muốn thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Doanh nghiệp, hợp tác xã được thuê nhà ở xã hội
Một nội dung đáng chú ý khác tại Tờ trình của Bộ Xây dựng là đề xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã được thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp nhằm cho người lao động tại đơn vị thuê lại. Điều kiện kèm theo là những doanh nghiệp này phải có hợp đồng thuê mặt bằng tại khu công nghiệp, đang sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp; đồng thời phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hiện có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động thuộc doanh nghiệp. Nhưng quy định pháp luật chưa cho phép nhóm này được hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội nên an cư luôn là vấn đề khiến các chủ doanh nghiệp “đau đầu”.
Do đó, đề xuất trên của Bộ Xây dựng sẽ giúp thúc đẩy nguồn cung và đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho thuê, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhóm chính sách này cũng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính.