Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất "bơm" 110.000 tỷ đồng phát triển NƠXH: Người dân vừa mừng, vừa loNƠXH có thể lên đến 40 triệu đồng/m2: "Dập tắt" giấc mơ của người nghèoChuyên gia nói gì về đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất xây NƠXH ở những khu đô thị?Đề xuất Tổng liên đoàn Lao động làm NƠXH
Câu chuyện phát triển nhà ở xã hội đang là chủ đề nóng của thị trường bất động sản. Bởi hầu hết các quy định, nghị định mới đều nhắm đến việc gỡ khó cho loại hình nhà ở này. Chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn là mục tiêu rất lớn của các bộ ngành thuộc Chính phủ.
Lâu nay, vấn đề các doanh nghiệp ngại xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà ở công nhân là có thật. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do việc xây dựng nhà ở xã hội vừa “nhiêu khê” về mặt thủ tục hành chính vừa có tỷ suất lợi nhuận thấp. Thậm chí, có doanh nghiệp “quên” hoặc cố tình “quên” quy định phải dành 20% quỹ đất phát triển một dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Việc đua nhau xây chung cư hạng sang, biệt thự chục tỷ đã xảy ra suốt một thời gian dài và đến nay, các doanh nghiệp phải lãnh hậu quả. Các chung cư thương mại, siêu sang “ế sưng” trong khi đó nhà ở xã hội, nhà ở bình dân đang có nhu cầu thực thì lại thiếu nguồn cung. Doanh nghiệp cần nguồn tiền nhưng đứng trước nguy cơ chết trên đống tài sản được gắn cái mác “sang” của mình.
Ai sẽ làm nhà ở xã hội được xem là một câu hỏi rất lớn đối với Bộ Xây dựng. Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi và dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2024.
Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay, thị trường bất động sản đang khó khăn và phải đến giữa năm 2024 các giải pháp hiện nay mới giúp thị trường vực dậy phần nào. Do đó, để tháo gỡ một số điểm nghẽn trong lúc chờ sửa luật, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách.
Về quy định về chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm nhà ở xã hội. Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 chưa cho phép đơn vị này đầu tư nhà ở xã hội và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Nhưng, Bộ Xây dựng khẳng định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức có nguồn lực tài chính. Tổng Liên đoàn cũng đã trực tiếp thực hiện đầu tư vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cách đây mấy ngày, Chính phủ cũng đã đề xuất nội dung trên lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở xã hội đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Từ năm 2021, Tổng Liên đoàn cũng có kiến nghị với Chính phủ được tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang từng cho rằng, chính sách phát triển nhà ở xã hội chỉ đề cập đến đối tượng trong khu công nghiệp, chưa có sự tham gia của các đối tượng khác. Trong khi đó lại có các thành phần khác tham gia rất tích cực. Ông Khang nói rằng, kinh nghiệm tại một số nước khu vực Đông nam Á như Singapore hoặc Châu Á là Hàn Quốc cho thấy có sự tham gia của đầu tư công, hoặc giao cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở xã hội là nội dung mới so với Luật Nhà ở hiện hành. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét vì quy định này chưa thống nhất với Điều 27 của Luật Công đoàn. Hơn nữa, tài chính của các dự án nhà ở xã hội này sẽ lấy từ đâu khi giao cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư.
Bởi nếu sử dụng tài chính của công đoàn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì hoạt động này tiềm ẩn khả năng không bảo toàn nguồn vốn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khác của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Khi đó, quyền và lợi ích của các công đoàn viên sẽ bị ản hưởng. Vì thế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình làm rõ sự khả thi của chính sách này.
Trao đổi với Phóng viên, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm cho rằng, Bộ Xây dựng đề xuất Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây dựng nhà ở xã hội cũng là điều dễ hiểu. Thứ nhất, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức rất có uy tín đối với công nhân, người thu thập thấp. Bên cạnh đó, họ tiếp cận, xác thực được các trường hợp nằm trong diện được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thứ ba. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 2 năm trước đã đề xuất Chính phủ cho tham gia phát triển nhà ở xã hội chứng tỏ tổ chức này cũng đã sẵn sàng cho việc này.
Cũng theo ông Tâm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Cụ thể, Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam có quy mô hơn 4 ha, với gần 980 căn h. Hiện nay đã hoàn thành được 300 căn giai đoạn 1. Tiếp đó là dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An tỉnh Tiền Giang có quy mô hơn 3 ha cung cấp gần 1.000 căn hộ. Dự án này đang được triển khai đầu tư xây dựng. “Tuy nhiên, có hai vấn đề cũng cần cân nhắc trước đề xuất này. Việc Tổng liên đoàn Lao động đang triển khai đầu tư 2 dự án mang tên Thiết chết Công đoàn nhưng cũng chưa thể nói tổ chức này có kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội được. Hơn nữa, nguồn vốn từ đâu để Tổng liên Đoàn làm chủ đầu tư thì cần phải làm rõ. Điều này càng làm rõ đến đâu thì sau này thực hiện càng dễ dàng bấy nhiêu. Đây là vấn đề rất quan trọng”, ĐBQH Trần Khắc Tâm đặt vấn đề.