Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: Các tiệm vàng có thể đang chuyển sang hoạt động ngầm
Cuối năm âm lịch là thời điểm nhu cầu vàng thông thường tăng do cưới hỏi, do người dân mua trước ngày Thần tài để tránh khan hiếm. Từ đầu tháng 1 tới nay, giá bán vàng miếng dao động quanh vùng 85- 85,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cũng được giao dịch sát với giá SJC. Tuy nhiên, thị trường lại khá ảm đạm.
Cửa hàng đìu hiu như “chợ chiều”
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, giá vàng trong nước đang tăng nhanh hơn thế giới do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhu cầu mua vàng để dành và tích lũy vào dịp cuối năm của người dân tại Việt Nam và các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ thường gia tăng. Thứ hai, nguồn cung trong nước đang khan hiếm, không đủ nguyên liệu để các doanh nghiệp sản xuất vàng nhẫn và vàng trang sức.
Hiện, các doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn và vàng trang sức phải tuân thủ quy định chặt chẽ về hóa đơn và chứng từ đầu vào. Mặc dù nguồn cung vàng miếng SJC không thiếu, người dân vẫn phải đăng ký mua vàng online qua các ngân hàng thương mại nhà nước, và mỗi người chỉ được mua tối đa 1 lượng/lần.
Ngoài ra, ông Huỳnh Trung Khánh cho biết thêm, để có nguyên liệu sản xuất vàng trang sức phục vụ nhu cầu Tết, một số doanh nghiệp đã phải thu mua vàng nhẫn của người dân với giá cao, dẫn đến giá vàng nhẫn và vàng trang sức tăng nhanh, thậm chí cao hơn cả vàng miếng SJC.
Hiện tại, giá vàng nhẫn tại các công ty như SJC, PNJ, DOJI dao động quanh mức 83,8 triệu đồng/lượng mua vào và 85,1 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, một số tiệm vàng lại báo giá vàng nhẫn cao hơn, khoảng 86,5 triệu đồng/lượng. Do đó, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, điều này đã khiến sức mua trên thị trường vàng giảm sút.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết, một số cơ sở đã thu mua vàng nhẫn 4 số 9 để chế tác thành trang sức phục vụ mùa Tết, vì vậy vàng nhẫn đang thu hút nhiều người mua và giá cả cũng tăng cao. Trong khi đây lại không phải mặt hàng thiết yếu, khiến người mua e dè.
Thực tế cho thấy không khí mua bán vàng tại TP.HCM vẫn khá trầm lắng. Các chủ tiệm vàng tại chợ Tân Định, chợ Bến Thành (quận 1), chợ Hòa Bình (quận 5)... dù mở cửa và trưng bày các quầy vàng, nhưng lại không có sản phẩm vàng, thay vào đó là trang sức đá, bạc, vàng Ý. Hầu hết các tiệm vàng đều vắng vẻ.
Nhân viên tại một tiệm vàng trên đường An Dương Vương (quận 5) cho biết tiệm vẫn giao dịch bình thường, nhưng sức mua rất chậm. Khách chủ yếu đến để đổi vàng trang sức như bông tai, nhẫn, lắc, dây chuyền, trong khi việc mua mới rất ít do giá cao. Tình trạng vắng vẻ này cũng diễn ra tại nhiều khu vực khác ở TP.HCM như phố vàng ở chợ Bến Thành, dọc đường Lê Thánh Tôn, chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu... trong nhiều ngày qua.
Sức mua sẽ không quá đột biến
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhu cầu đối với vàng miếng SJC và vàng nhẫn vào dịp Thần Tài sẽ không quá đột biến. Nếu người dân có mua, chủ yếu cũng chỉ là để lấy may đầu năm, chứ khó có thể xuất hiện cảnh xếp hàng hay mua vàng với số lượng lớn.
Đặc biệt, vàng miếng SJC vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chẽ về giá nhằm duy trì chênh lệch không quá lớn so với giá vàng thế giới. Trong trường hợp giá vàng thế giới giảm hoặc duy trì quanh mức 2.700 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng khó có thể tăng mạnh.
Nhìn lại năm 2024, thị trường vàng đã trải qua nhiều biến động mạnh mẽ, đặc biệt là các vụ bắt giữ các đường dây buôn lậu vàng quy mô lớn. Nhờ sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, vàng không rõ nguồn gốc đang tìm cách trốn tránh và không dám công khai.
Trước thực tế này, ông Huỳnh Trung Khánh đã đặt câu hỏi về lý do tại sao các tiệm vàng vẫn hoạt động dù buôn bán không sôi động, chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải trả. Liệu điều này có phải do việc kiểm soát chặt chẽ đã buộc các tiệm vàng phải chuyển sang hoạt động ngầm?
Theo ông Khánh, giá vàng nhẫn hiện tại cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nhập khẩu nữ trang thay vì sản xuất trong nước. Mặc dù đây là phương án an toàn cho các doanh nghiệp, nhưng sẽ làm giảm hoạt động sản xuất nữ trang trong nước. Do đó, ông Khánh kỳ vọng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng sẽ sớm được sửa đổi, cho phép doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu vàng để sản xuất nữ trang.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú, nhận định sau các biện pháp quản lý và điều hành trong năm 2024, thị trường vàng đã bước đầu đạt mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC so với vàng thế giới, từ mức chênh lệch lên tới 20 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng hiện nay. Giá vàng miếng hiện nay cũng biến động tương đương với giá vàng nhẫn 99,99.
"Hiện NHNN đang tiếp tục xem xét để điều hành và quản lý thị trường vàng, trong đó có định hướng sửa Nghị định 24 sao cho đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc mua bán và tích trữ vàng miếng, và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của ngành", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.