Đề xuất "bơm" 110.000 tỷ đồng phát triển NƠXH: Người dân vừa mừng, vừa lo
BÀI LIÊN QUAN
Năm 2023, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển thêm 18.000 căn nhà ở xã hội Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội “khó chồng khó” vì lợi nhuận thấpKỳ vọng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2023 vẫn rất xa vờiGói tín dụng dành cho chủ đầu tư và người dân mua NƠXH
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Bởi, đây được xem là vấn đề an sinh xã hội được ưu tiên. Vì thế, những năm gần đây, hàng loạt các quyết sách đã được đưa ra nhằm hướng đến mục đích người dân được sở hữu nhà phù hợp với túi tiền của mình.
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo Bộ Xây dựng gói tín dụng này cũng giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện ở giai đoạn 2013 - 2016 trước đây.
Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội lâu nay gặp rất nhiều khó khăn từ việc quy định chọn chủ đầu tư dự án, luật chồng chéo cho đến các chính sách ưu đãi dành cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn. Thực tế cho thấy, nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị bỏ không gây lãng phí. Một vấn đề khá phức tạp là việc xác định đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội còn tương đối bất cập. Vì vậy, để phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở công nhận.
Vậy, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng này sẽ được sử dụng như thế nào, đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Trả lời câu hỏi này, Bộ Xây dựng cho biết, dành khoảng 50% gói tín dụng tương đương với 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. 50% còn lại sẽ được cho người mua nhà là người thu nhập thấp, công nhân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm có nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất đưa việc đầu tư nhà ở xã hội nhà ở công nhân hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương.
Vào giữa tháng 10/2022, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Theo đề án này, mục tiêu giai đoạn 2022-2025, cả nước sẽ xây được hơn 570.000 căn và 2026-2030 là hơn 845.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Để đạt được mục tiêu 2030 cả nước xây được 1,4 triệu căn nhà xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế... Trước đó, vào tháng 8/2022, phát biểu tại hội nghị phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đề xuất xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Và đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý và giao Bộ Xây dựng lập đề án.
Người dân vừa mừng, vừa lo
Vừa đọc được thông tin Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và người thu nhập thấp vay để mua nhà, chị Nguyễn Thanh Lương (đang trọ ở phường Mỗ Lao, Hà Đông) cảm thấy rất vui mừng. Chị Lương năm nay 26 tuổi, lập gia đình được hơn 3 năm, hiện đang làm giáo viên mầm non. “Gia đình tôi luôn ước mơ có một căn hộ nhỏ để thoát khỏi cảnh đi thuê. Nhưng giá nhà hiện nay quá cao, không biết đến bao giờ chúng tôi mới sở hữu được. Lương thấp, giá nhà cao, lãi suất cao, vợ chồng tôi không dám nghĩ đến việc mua nhà. Giờ nghe tin Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng lớn để cho người mua nhà ở xã hội vay mà mừng quá. Nếu được thông qua, các doanh nghiệp phát triển nhiều dự án và chúng tôi chắc chắn sẽ có cơ hội sở hữu nhà. Bên cạnh đó, người thu nhập thấp cũng sẽ được vay lãi suất ưu đãi từ gói tín dụng này”, chị Lương nói.
Khác với chị Lương, anh Trần Quang Thụy, hiện đang là công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) thì lại tỏ ra khá lo lắng. Anh Thụy nói rằng, dù gói tín dụng được thông qua thì chưa chắc tất cả người thu nhập thấp, công nhân tiếp cận được. Anh Thụy dẫn chứng về gói tín dụng năm 2013 trị giá 30.000 tỷ đồng khi đưa vào thực tế, người dân tiếp cận rất khó, chẳng khác nào leo cột mỡ. Việc giải ngân gói tín dụng này cũng rất chậm. Anh Thụy chia sẻ: “Ngoài việc người có nhu cầu thực, thu nhập thấp thật khó tiếp cận vì thủ tục pháp lý rườm rà thì lại có tình trạng những người không thuộc đối tượng lại được vay. Báo chí phản ánh rất nhiều về việc này rồi. Vậy, tôi đặt câu hỏi liệu gói tín dụng này có đi theo vết xe đổ trước hay không. Đó là điều rất đáng quan tâm. Vì thế, đứng trước thông tin này, người dân vừa mừng lại vừa lo”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nhà ở xã hội xây dựng nhằm giúp các đối tượng chính sách có cơ hội an cư. Chính vì vậy, cần phải có chế tài phạt nặng những trường hợp sử dụng không đúng mục đích, trục lợi chính sách.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, tình trạng trục lợi từ nhà ở xã hội là điều rất đáng lên án. Mới đây, báo chí còn đăng tải thông tin nhiều người khi mua nhà ở xã hội phải mua kèm thêm nội thất 350 triệu đồng và Bộ Xây dựng đã yêu cầu làm rõ.
Cũng theo Luật sư Bình, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Cụ thể, tại điểm b (khoản 1), điểm b (khoản 6) của Điều 64 sẽ bổ sung qui định cụ thể về hành vi vi phạm mua bán, cho thuê nhà ở xã hội không đúng đối tượng cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thu hồi nhà và buộc hoàn trả số tiền mua, thuê nhà ở xã hội.