Chuyển KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội cho thuê: Tin vui cho các gia đình khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
Công nhân làm việc trong khu công nghiệp có được mua nhà ở xã hội không?Không nên quy định thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng mới được mua nhà ở xã hội3 kỳ vọng từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hộiTP.Hà Nội dự kiến phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn khoảng hơn 12.000 tỉ đồng (ngân sách khoảng 280 tỉ đồng). Trong đó, một nội dung đáng chú ý là sẽ dành 220 tỉ đồng để điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê.
Được biết, ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp rộng hơn 40.000 m2, gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3, đường Giải Phóng… Dự án này được đầu tư với hơn 1.900 tỉ đồng từ vốn ngân sách với mục đích cung cấp chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên với mỗi phòng rộng hơn 50 m2, 8 người/phòng.
Tuy nhiên, dự án này được triển khai năm 2009 gồm 6 khối nhà nhưng đến nay mới chỉ có 2 khối nhà được đưa vào sử dụng, còn lại vẫn bỏ hoang nhiều năm. Các tòa nhà mới chỉ hoàn thành phần thô, nhiều khu vực xuống cấp; nhiều người dựng lều lán tại đây để ở, kinh doanh, khiến khu vực này càng thêm nhếch nhác, lộn xộn.
Thực tế, từ năm 2017, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất chuyển đổi các khối nhà còn lại ở dự án này sang nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm ủng hộ, hướng dẫn xử lý một số tồn tại tại dự án này. Tuy nhiên, nhiều năm nay dự án vẫn không có tiến triển. Với đề xuất tiếp tục chuyển đổi dự án ký túc xá này sang nhà ở xã hội, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng đây là phương án tốt và cần triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 – một đơn vị có kinh nghiệm trong triển khai nhà ở xã hội cho rằng, đây là tin vui cho các gia đình khó khăn có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội, đặc biệt các vợ chồng trẻ.
“Diện tích bình quân mỗi căn hộ khoảng 60m2, dự án nằm trong quần thể khu đô thị Pháp Vân hiện đại, khá gần trung tâm, phù hợp với người lao động đang làm việc các quận lân cận bán kính khoảng 10km. Do dự án đã xây xong phần thô vì vậy việc hoàn thiện dự án chỉ cần dưới 12 tháng tính từ thời điểm được bố trí vốn, hoàn thiện thủ tục xây dựng”, ông Quê nói.
Ông Quê cũng cho biết, người dân Hà Nội rất háo hức, mong mỏi dự án sớm hoàn thành đưa vào hoạt động để bộ mặt cửa ngõ phía nam Hà Nội đẹp hơn và hàng nghìn hộ gia đình được tiếp cận nhà giá rẻ.
Theo ông Quê, đây là dự án nhà ở xã hội cho thuê đầu tiên ở Việt Nam vì lâu nay ở các dự án nhà ở xã hội quy định chủ đầu tư phải để 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua.
“Quy định chủ đầu tư thu cọc khách hàng thuê từ 3-12 tháng tiền thuê nhà và trong trường hợp cần thiết được thu 50% giá trị căn hộ. Thực tế 100% chủ đầu tư đều thu 50% giá trị căn hộ và cam kết sau 5 năm bán lại cho người thuê, thành ra thực chất đây là thuê mua”, ông Quê nói. Theo vị này, UBND Thành phố Hà Nội chủ trương chuyển đổi nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp để cho thuê các hộ gia đình đủ điều kiện và mức thuê khoảng 2 triệu/căn hộ/tháng.
Trong khi đó, theo ông Quê, giá nhà ở xã hội thuê Hà Nội hiện nay khung cao nhất khoảng 75.000 vnđ/m2/tháng. Mức các chủ đầu tư nhà ở xã hội đang áp dụng khoảng 50.000 vnđ/m2/tháng. Như vậy giả sử 1 căn hộ 60m2 thì giá thuê 1 tháng khoảng 4.500.000 vnđ/m2/tháng + phí dịch vụ.
Ví dụ 1 căn 60m giá 16.500.000 vnđ/m2 thì người mua nhà cần chuẩn bị 30% giá trị căn hộ là 297 triệu, nếu tiếp cận được gói vay 4.8%/năm trong 25 năm thì hàng tháng thì mỗi tháng người mua nhà đóng số tiền là 4,62 triệu/tháng bao gồm gốc và lãi.
“So sánh giữa việc thuê 4,5 triệu/tháng và bỏ ra 297 triệu ban đầu cộng hàng tháng đóng 4,62 triệu/tháng thì người dân chọn sở hữu hơn vì số tiền 297 triệu ban đầu không quá lớn”, ông Quê nói.
Ông Nguyễn Anh Quê kiến nghị, ở Việt Nam tính sở hữu người dân vẫn còn rất cao, vì vậy cơ quan chức năng nên chuyển đổi thành nhà ở xã hội bình thường, tức diện tích thuê chỉ chiếm 16% tổng diện tích sàn sử dụng.
“Tâm lý thuê nhà dài hạn Việt Nam chưa có nên nếu pháp lý thuê không có pháp lý chuyển tiếp sang mua thì người dân không thích, không mua sắm nội thất, không coi đấy là ngôi nhà của mình, ý thức gìn giữ kém, vướng vấn đề thanh lý sau khi hết hạn hợp đồng thuê”, ông Quê nêu.
Ông Quê cũng cho rằng, nên đấu thầu, đấu giá dự án giúp việc hoàn vốn nhà nước nhanh hơn và nhà nước không phải bỏ thêm tiền hoàn thiện, tiền bảo trì đối với dự án này.
“Nếu cơ quan nhà nước quản lý, vận hành sợ rằng nhà nước tiếp tục bù lỗ tiền vận hành vượt tiền cho thuê thu được”, ông Quê nêu.
Ông Nguyễn Anh Quê đề xuất, nên chọn doanh nghiệp có năng lực, uy tín thực hiện xây dựng và vận hành dự án vì chất lượng nhà ở tái định cư do cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư thấy rõ là chất lượng kém, nhanh xuống cấp.
Cũng bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp có vị trí tốt, nếu dự án này được chuyển đổi thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Đính, cần bố trí nguồn vốn để triển khai việc hoàn thiện hạ tầng, nội thất; đồng thời thay đổi cách quản lý, tháo gỡ vướng mắc để để công trình phát huy được hiệu quả.