Áp lực tăng cao, nhà đầu tư bán bất động sản lấy tiền tiêu Tết
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư kỳ cựu âm thầm nghe ngóng thị trường để "săn" bất động sản cuối nămThị trường càng biến động, tâm lý nhà đầu tư vẫn xem BĐS là kênh “giữ tiền” bền vữngNhà đầu tư kiệt sức vì "gồng lãi", chuyên gia dự báo về diễn biến thị trường thời gian tớiNhà đầu tư giảm giá bán đất lấy tiền tiêu Tết
Như đã thấy, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn về thanh khoản. Nhiều nhà đầu tư theo đó lâm vào cảnh "chôn vốn", mặc dù đã rao bán cắt lỗ suốt thời gian dài nhưng vẫn không tìm được người mua mới. Nguyên nhân bởi chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tín dụng bất động sản cũng như trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã dồn hết tiền, "tất tay" vào bất động sản, đến nay họ phải tiếp tục giảm giá để bán được hàng lấy tiền tiêu Tết. Anh Nguyễn Tuấn, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời điểm năm 2021, dịch bệnh hoành hành khiến các hoạt động kinh doanh của anh phải đình trệ. Khi đó, thấy thị trường bất động sản ở nhiều nơi lên cơn sốt, anh Tuấn cũng tranh thủ dồn hết 8 tỷ đồng để mua 3 mảnh đất tại ven đô với mong muốn kiếm lời.
Nhà đầu tư này cho biết, khi đó anh đã dồn hết toàn bộ tài sản để mua. Đến đầu năm vừa rồi, dịch bệnh đã được kiểm soát, nghĩ rằng mảnh đất của mình đã có lãi nên anh rao bán để lấy tiền quay trở lại kinh doanh. Mặc dù môi giới xác nhận đã có lãi so với thời điểm khi xuống tiền, nhưng rao bán mãi đến nay vẫn không có người mua.
Sau nhiều tháng rao bán, mức giá cũng dần tụt nhưng mảnh đất của anh Tuấn đến nay vẫn chưa sang tay được chủ mới. Nhiều môi giới hiện nay cũng cho rằng, nếu bán ngay thì cần phải cắt lỗ sâu thêm nữa.
Anh Tuấn chia sẻ, bây giờ tiền của anh đã nằm hết ở đất, thời điểm cuối năm phải tất toán nhiều khoản và trả lương cho nhân viên. Trong khi đó, thanh khoản thị trường ngày càng kém đi. Anh đành rao bán cắt lỗ sâu một mảnh đất trước để lấy tiền trang trải và tiêu Tết.
Trong tình cảnh tương tự, cũng "tất tay" vào đất nền, anh Phạm Giang, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, đầu năm 2021, có sẵn trong tay 4 tỷ đồng nên anh đã xuống tiền mua 2 mảnh đất tại Hưng yên với tổng diện tích là 150m2. Tới đầu năm 2022, nhận thấy thị trường vẫn sôi động, anh Giang tiếp tục vay thêm 2 tỷ đồng để mua một mảnh đất tại Thường Tín (Hà Nội), diện tích 80m2, tương đương 25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, rao bán suốt một thời gian dài nhưng vẫn không tìm được người mua, dù đã đồng loạt giảm giá 20-30%. Hiện tại cuối năm cũng khó khăn, Tết đã cận kề nên anh Giang tính tiếp tục giảm giá mảnh đất ở ven đô trước. Bán để lấy tiền thanh toán với ngân hàng cũng như dùng cho dịp Tết. Còn lại 2 mảnh đất kia vẫn tạm thời giữ nguyên giá bán.
Càng về cuối năm áp lực càng lớn
Anh Nguyễn Trường, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho rằng, thanh khoản trên thị trường vàng về cuối năm càng giảm sâu. Do đó, nhiều nhà đầu tiếp tục giảm giá để có thể thoát hàng sớm.
Chủ phòng giao dịch này cho biết, không ít người trước đó đã tất tay vào bất động sản, bây giờ thanh khoản khó nên họ phải giảm giá sâu. Đặc biệt, thời điểm cuối năm là lúc phải tất toán nhiều khoản tiền, áp lực của các nhà đầu tư theo đó càng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho một số nhà đầu tư có tiềm lực ép giá vào lúc này.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, các đợt giảm giá, xả hàng trong năm 2022 chỉ là bước khởi đầu, có thể năm 2023 sẽ là giai đoạn nhiều nhà đầu tư giữ tiền mặt chủ động nắm bắt cơ hội săn hàng giá tốt.
Ông Quang cho biết, dự kiến các khó khăn về tài chính có thể trở nên nặng nề hơn bởi các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính mất khả năng thanh toán sẽ phải chấp nhận giảm giá bất động sản để tái cơ cấu danh mục, do đó vùng trũng về giá có thể sẽ xuất hiện vào năm sau.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết thêm, hiện tại không phải thời điểm tốt để bán bất động sản nhưng lại là thời điểm tốt để mua vào bởi không ít sản phẩm đã được bán ra với mức giá hợp lý. Nhà đầu tư nào chấp nhận được rủi ro có thể mua ngay trong tháng 12 này, còn nếu chờ đợi các chính sách cũng như sự điều tiết của Nhà nước,... thì nên quyết định từ tháng 3 cho đến tháng 6 năm sau.
Dựa trên bài học từ giai đoạn khủng hoảng nhà đất hồi năm 2008 - 2012, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, nếu như theo chu kỳ trước đây, tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ trần lãi suất đến lúc thị trường bất động sản đảo chiều và có bước phục hồi cần phải mất 1,5 năm. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào chỉ báo lãi suất, xét theo bối cảnh hiện nay, với kịch bản tích cực nhất thì có thể trần lãi suất sẽ được điều chỉnh vào quý 1/2023. Như vậy, phải tới quý 2 hay quý 3/2024, bất động sản mới có thể đảo chiều.
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản nhưng sẽ dần được tháo gỡ sau khi nới lỏng tín dụng và các chính sách hỗ trợ người mua nhà và doanh nghiệp được thực thi.
Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhà đầu tư đang có xu hướng thận trọng hơn. Nếu không được tháo gỡ, có thể thị trường bất động sản sẽ bước vào một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Do đó, ông Đính cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường được diễn ra. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang tăng cao, phương án tốt nhất là nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy tài chính.