meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

10.000 căn nhà ở xã hội “bung ra” năm 2023 tại Hà Nội, TP.HCM chỉ là “muối bỏ bể”

Thứ tư, 10/05/2023-08:05
Theo dự báo, trong năm 2023, 10.000 căn nhà ở xã hội sẽ được đưa ra thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đây là con số chỉ được ví như “muối bỏ bể” so với nhu cầu của người dân.

10.000 căn NƠXH sẽ ra thị trường

Những ngày qua, thông tin người dân Đà Nẵng xếp hàng từ lúc “gà gáy” để nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội. Đó là dự án Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). 3h sáng, người dân đã có mặt. Thậm chí, do văn phòng ban quản lý dự án không bố trí đủ ghế ngồi, những người này phải đứng hoặc ngồi bệt xuống đất. Tại Hà Nội, tình trạng này cũng tương tự khi hàng nghìn người dân thức đêm để xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại một dự án thuộc quận Nam Từ Liêm.

Anh Nguyễn Công Minh, công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp tại TP.Đà Nẵng than thở: “3h30 sáng 8/5 tôi có mặt tưởng đã được sớm. Ai ngờ, khi tôi đến nơi đã có khoảng hơn  20 người đứng xếp hàng. Có người bảo họ đi từ 11h đếm hôm trước, đến nơi đợi ngoài cổng, khi có người mở cửa thì vào. Dù xếp hàng như vậy nhưng đến 11h30 tôi vẫn chưa đến lượt”.

Khủng khiếp hơn là tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). 8h30, chủ đầu tư mới làm việc, song từ 18h tối hôm trước đã có người dân đến xếp hàng chờ đợi vì mỗi ngày chỉ 40 hồ sơ được tiếp nhận. 


Người dân xếp hàng tại dự án nhà ở xã hội Trung Văn từ 18 giờ tối hôm trước.
Người dân xếp hàng tại dự án nhà ở xã hội Trung Văn từ 18 giờ tối hôm trước.

Dẫn chứng sự việc đăng ký xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Đà Đẵng và Hà Nội để thấy rằng, hiện nay nhu cầu mua phân khúc nhà ở này rất lớn. Không chỉ “nóng” ở Hà Nội và TP.HCM, nhà ở xã hội “sốt” trên mọi tỉnh thành. Dự án ra đến đâu hết đến đó, nguồn cầu của nhà ở xã hội đang rất nhiều.

Mới đây, Cushman & Wakefield vừa đưa ra một bản báo cáo về nhà ở xã hội Việt Nam rất đáng chú ý. Theo đơn vị này, trong năm 2023, Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn nhất cả nước dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội. Sở dĩ Cushman & Wakefield đưa ra căn cứ này vì đến hết Qúy I/2023, Việt Nam đã hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng quy mô gần 156.000 căn. Ngoài ra hiện nay, còn khoảng trên 400 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô khoảng trên 450.000 căn.

Tại Hà Nội, trong năm 2023, Cushman & Wakefield cho biết dự kiến sẽ “bung” ra thị trường 11 dự án với trên 6.100 căn nhà ở xã hội. Thị trường TP.HCM sẽ đón nhận 6 dự án với khoảng hơn 3.800 căn hộ. Đây là thông tin tích cực cho thị trường nhưng vẫn chưa phải là niềm vui đối với những người có nhu cầu thực.

Đọc được tin này trên báo chí, chị Nguyễn Thị Nhân (quê Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội, hiện đang là giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm) thở dài: “Chắc không đến lượt mình đâu”.

Chị Nhân tâm sự, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội của chị cũng như các bạn bè, đồng nghiệp là có. Bởi ai cũng muốn an cư lạc nghiệp, sống ở nơi tốt hơn những căn phòng trọ cũ kỹ, ẩm thấp. Tuy nhiên, khi đã có đủ tiền đóng vào (30%) thì điều rất khó với họ là làm sao để có tên trong danh sách được mua.

“Tôi là người có kinh nghiệm đi nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội. 3 lần tôi đi nộp thì cả 3 lần không may mắn. Dự án ở gần, xa nơi đang công tác tôi đều nộp hết. Nhưng chưa bao giờ được hưởng niềm vui. Bởi có quá nhiều người muốn mua. Có lúc hồ sơ được duyệt rồi thì lại phải bốc thăm và rồi tiếp tục trượt. Trong năm 2023, tại Hà Nội, các chủ đầu tư sẽ mở bán hơn 6.100 căn nhà ở xã hội, nhưng mình phải tự hiểu rằng có lẽ đến cả vài chục ngàn người muốn mua, thậm chí là hơn”, chị Nhân nói.

Cô giáo này nói rằng, nếu có bất cứ dự án nào mở bán năm nay, chị sẽ đến tận nơi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, chị nộp trong tâm lý cũng không hi vọng nhiều.

Nguồn cung như “muối bỏ bể” so với nhu cầu thực

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc phát triển dự án của Trần Liên Hưng cho rằng, cách đây không lâu, Bộ Xây dựng đã công bố khảo sát về nhu cầu nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp. Theo đó, có đến 2,4 triệu người có nhu cầu mua nhà ở xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến năm 2030. Hiện nay chúng ta đang cố gắng để phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nói như thế, ngay cả khi hoàn thành được mục tiêu này, thì thị trường vẫn còn thiếu 1,4 triệu căn nữa.


Cơn khát nhà ở xã hội đang diễn ra rất căng thẳng tại TP.HCM và Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, với con số 10.000 căn được cung cấp ra thị trường năm 2023 chẳng khác nào muối bỏ bể so với nguồn cầu.
Cơn khát nhà ở xã hội đang diễn ra rất căng thẳng tại TP.HCM và Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, với con số 10.000 căn được cung cấp ra thị trường năm 2023 chẳng khác nào muối bỏ bể so với nguồn cầu.

“Điều này cho thấy nguồn cung đang bị lép vế quá sâu so với nguồn cầu. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là rất bức thiết. Với 10.000 căn hộ trong năm 2023 tại hai đô thị lớn nhất cả nước thì chẳng khác nào muối bỏ bể”, ông Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giang, việc phát triển nhà ở xã hội lâu nay gặp khó bởi nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, quy định pháp luật… Tuy nhiên, một nguyên nhân không nhỏ nữa là xuất phát từ kế hoạch phát triển nhà ở của doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp không chú trọng vào việc phát triển loại hình bất động sản này và bây giờ họ đang phải trả giá.

Ông Giang chia sẻ: “Nếu tại Hà Nội hiện nay có căn hộ bình dân nào có giá tầm 20 triệu đồng/m2, có lẽ dự án đó sẽ bán hết chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, những dự án giá đó không có đâu mà thay bằng các dự án chung cư thương mại có giá 50-80 triệu đồng/m2, thậm chí là hơn. Mà với giá như này thì đến người có thu nhập ổn định khi xuống tiền mua một căn hộ cũng run tay chứ nói gì đến người thu nhập thấp, công nhân, người lao động. Điều này xảy ra khiến người mua không có hàng còn người bán thì phải bất lực ngồi ôm khối tài sản của mình dẫn đến thị trường gần như là đóng băng”.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, trọng tài viên Trung tâm trọng tài Thương mại và Công lý Việt Nam (VietJac) ví von lâu nay, việc xây dựng nhà ở xã hội tại đô thị, các chủ đầu tư công ty địa ốc coi như món rau sống để ăn kèm. Trong khi đó, món ăn chính lại là nhà ở thương mại.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân của việc này là do biên lợi nhuận mỏng chỉ không quá 10% tổng mức đầu tư dự án. Trong khi đó, nhiều cơ chế, chính sách chưa thực sự ưu ái nên không nhiều chủ đầu tư mặn mà phát triển nhà ở xã hội. Một điều “cản bước” các nhà đầu tư tiếp cận nhà ở xã hội chính là việc tiếp cận quỹ đất xây dựng phân khúc này khó khăn.

Tố Nhi
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chuyên gia không bất ngờ với nhà tập thể cũ có giá gần 10 tỉ đồng ở Hà Nội

Dòng vốn ngoại ngày càng "khắt khe" với các dự án nhà ở

Chuyên gia: Vàng là kênh đầu tư kém hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay

Những điểm cần lưu ý về bảo lãnh ngân hàng đối với nhà ở hình thành trong tương lai

Đất đấu giá Hoài Đức hạ nhiệt: Dân đầu cơ đang dần "cạn vốn"?

Mức độ quan tâm tìm kiếm chung cư Hà Nội giảm 47%: Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân "chốt lời”?

Nghịch lý về giá nhà ở xã hội giá ngang nhà thương mại

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

Tin mới cập nhật

Thu phí vào nội đô: Liệu có chuyển từ ùn tắc giao thông sang áp lực về mật độ dân cư?

17 phút trước

Chuyên gia không bất ngờ với nhà tập thể cũ có giá gần 10 tỉ đồng ở Hà Nội

17 phút trước

TP.HCM lập tổ công tác gỡ vướng cấp sổ hồng: Người dân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm

17 phút trước

Dòng vốn ngoại ngày càng "khắt khe" với các dự án nhà ở

53 phút trước

Chuyên gia: Vàng là kênh đầu tư kém hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay

1 ngày trước