“Vua nha đam” G.C Food sắp sửa lên sàn chứng khoán Việt: Lãi gần 3,5 tỷ đồng/tháng nhờ bán thạch dừa, nha đam
BÀI LIÊN QUAN
Credit Suisse - ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ làm ăn ra sao trước "tin đồn" phá sản?Doanh thu chủ yếu đến từ mảng dầu ăn, những mảng khác của KIDO đang làm ăn ra sao?Nhóm "Big 4" công ty kiểm toán tại Việt Nam làm ăn như thế nào?Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần thực phẩm G.C (GC Food) chuyên hoạt động trong ngành chế biến cùng với sản xuất thực phẩm, trong đó những sản phẩm liên quan đến thạch dừa và nha đam là những sản phẩm chủ lực, chiếm đến gần 90% tổng doanh thu của công ty này trong 2 năm 2020 và 2021. Đáng chú ý, những sản phẩm nha đam và thạch dừa của G.C Food chủ yếu được bán để làm nguyên liệu đầu vào cho những hãng trong ngành F&B lớn như Vinamilk và Lotte Chilsung...
Thông tin trên website cho thấy, thời điểm hiện tại G.C Food đang sở hữu nhà máy chuyên về sản xuất thạch dừa với diện tích lên đến hơn 1 ha tại Khu công nghiệp Hố Nai, tỉnh Đồng Nai cùng với nhà máy chuyên sản xuất nha đam với quy mô 2 ha tại Ninh Thuận.
Được biết, G.C Food được thành lập vào năm 2011 dưới hình thức công ty TNHH, số vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng. Đến năm 2017, G.C Food đã chuyển đổi từ loại hình TNHH sang CTCP. Thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của G.C Food đã được nâng lên 260 tỷ đồng (trong khi cuối năm 2020 là 160 tỷ đồng) sau khi được Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt cùng với 3 cá nhân khác góp thêm 100 tỷ đồng.
Sau khi tăng vốn điều lệ, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT trở thành cổ đông lớn nhất của G.C Food khi chiếm đến 47,84% vốn góp ở trong công ty này. Tiếp theo là Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt với 19,23% vốn góp, con số này tương đương 50 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Thứ được nhiều người biết đến là doanh nhân tiên phong trong việc sản xuất cũng như kinh doanh nha đam một cách bài bản và quy mô. Trước đây, ông Thứ từng có khoảng thời gian đảm nhiệm vị trí quan trọng của một ngân hàng thương mại. Thế nhưng sau đó, ông đã quyết định từ bỏ ngân hàng, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khi nhận ra giá trị kinh tế mà cây nha đam có thể mang tới cho doanh nghiệp, người nông dân và cả người tiêu dùng. Thời điểm đó, đây được coi là một lĩnh vực kinh doanh khá mới lạ tại thị trường Việt.
Thời điểm mới bắt đầu, ông Thứ và cả G.C Food đều gặp không ít khó khăn trong quá trình thuyết phục người nông dân tin tưởng và làm theo mình. Khi ấy, người nông dân đã từ chối cung cấp hàng G.C Food vì “chê” công ty thu mua ít nhưng lại đòi hỏi nhiều. Thế nhưng, với sự kiên trì cùng với những nỗ lực chứng minh thông qua thực tế, ông Thứ cùng với các cộng sự đã đến tận nơi hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP, bón phân ít đi, không phun thuốc nhưng vẫn đạt được năng suất cao.
Lãi gần 3,5 tỷ đồng/tháng nhờ bán thạch dừa, nha đam
Thời điểm hiện tại, nhà máy sản xuất nha đam của G.C Food đang được đặt tại tỉnh Ninh Thuận - thủ phủ nha đam của cả nước với diện tích là 2 ha. Tính đến tháng 6/2022, sản lượng sản xuất thành phẩm bình quân mỗi ngày là 14 tấn/giờ, con số này tương đương với 112 tấn/ngày. Đồng thời, công suất của nhà máy đạt mức 17.000 tấn/năm.
Theo như báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 được công bố bởi G.C Food cho thấy, doanh thu hợp nhất của công ty là khoảng 341 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2020. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của G.C Food là hơn 41 tỷ đồng, so với năm trước đã tăng 168%. Tính trung bình mỗi tháng, công ty này thu về gần 3,5 tỷ đồng tiền lãi trước thuế. Đáng chú ý, đây chính là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi G.C Food thành lập cho đến nay. Nguồn thu chính mang đến lợi nhuận của G.C Food đến từ sản phẩm thạch dừa và nha đam.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực lên thị trường cũng như các nhà máy sản xuất thạch dừa, nha đam của G.C Food đều phải thực hiện 3 tại chỗ. Thời điểm ấy, ông Trần Văn Hải, Giám đốc nhà máy Vina CoCo cho biết: “Làm việc 3 tại chỗ khổ trăm bề. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của toàn thể nhân viên và ban lãnh đạo, năm 2021, nhà máy chế biến thạch dừa Vina CoCo – thành viên của G.C Food - vẫn đạt được doanh thu hơn 111 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 21 tỷ đồng, đồng thời đóng góp 50% lợi nhuận cho G.C Food”.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của G.C Food vẫn nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu nhờ biên lợi nhuận đã được cải thiện lên gần 4%, từ mức trung bình 24,5% trong năm 2020 lên mức 28,4% vào năm 2021. Giá nha đam thô đầu vào không bị biến động mạnh như năm 2020 đã khiến biên lợi nhuận của công ty tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của G.C Food đã tăng 48% so với đầu năm và đạt 374 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm nay, G.C Food ghi nhận doanh thu xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, công ty này cũng đã ký kết thành công nhiều đơn hàng xuất khẩu với những thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á thông qua 2 sản phẩm chính là nha đam và thạch dừa.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết, G.C Food đạt được kết quả xuất khẩu ấn tượng là nhờ công ty đã chủ động tìm hiểu và theo dõi sát sao diễn biến dịch trên thế giới, từ đó có thể dự báo đúng tình hình, có được sự chuẩn bị sớm.
Từ đầu tháng 10/2021, G.C Food đã đầu tư dây chuyền hiện đại để đón đầu xu hướng, có thể nâng tổng công suất các nhà máy lên 35.000 tấn sản phẩm/năm, gấp đôi so với trước đó. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng đã mang đến nhiều thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản. Dự kiến trong năm nay, G.C Food sẽ xuất khẩu gần 2.000 tấn sản phẩm nha đam, thạch dừa cùng với một số loại trái cây khác sang châu Âu.
Thời điểm hiện tại, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với sản phẩm thạch dừa, nha đam của G.C Food và chiếm 60% tổng sản lượng. G.C Food cũng tiêu thụ khoảng 6 triệu lít nước dừa mỗi năm. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sản xuất 12.000-15.000 tấn thành phẩm nha đam/năm, trong đó xuất khẩu chiếm đến 60% sang 20 nước trên thế giới, số còn lại phục vụ thị trường nội địa.
Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của G.C Food năm 2022 sẽ tăng 30% so với năm ngoái. Đáng chú ý, công ty còn có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn UpCom vào tháng 10 năm nay. “Chúng tôi không thiếu dòng tiền và cũng không phải niêm yết để huy động vốn, chúng tôi muốn thành một công ty đại chúng có hoạt động tài chính ổn định và minh bạch trên thị trường”, ông Thứ cho biết.