Vì sao bất động sản công nghiệp Vĩnh Phúc trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp FDI?
BÀI LIÊN QUAN
Đất nền ven khu công nghiệp đắt hàng tại Phú Thọ Lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e ngại với thị trường bất động sản công nghiệp Việt NamHàng loạt “ông lớn” gia nhập thị trường Việt Nam, giá bất động sản công nghiệp lập “đỉnh” mới?Thủ phủ của các khu công nghiệp
Tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, là địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với đầy đủ các tiềm năng như vị trí đón đầu quy hoạch, đầu tư công được thúc đẩy, hạ tầng giao thông đồng bộ, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng... đã dần định hình một bức tranh đầy triển vọng của thị trường bất động sản Vĩnh Phúc.
Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ là động lực, kéo theo sự phát triển của bất động sản đô thị - dịch vụ. Ngoài ra, với dư địa lớn về du lịch, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại địa phương này cũng có nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới đây.
Như đã biết, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nằm trong “top” những tỉnh dẫn đầu về phát triển công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng và an toàn cho các nhà đầu tư.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Toyota, Honda, Piaggio đã hoạt động thành công tại đây trong những năm qua, đồng thời tiếp tục mở rộng dự án với quy mô lớn và tạo “lực đẩy” hấp dẫn để kéo theo nhiều dự án vệ tinh, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo dấu “đại bàng về tổ”, mới đây nhất nhà sản xuất linh kiện cho Apple đã đầu tư nhà máy tại Vĩnh Phúc, khẳng định tiềm năng hấp dẫn của một thủ phủ công nghiệp lâu đời bậc nhất khu vực phía Bắc.
Hiện tại Vĩnh Phúc đang có khoảng hơn 14 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập. Trong đó, đến hết tháng 9/2021, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các khu công nghiệp còn hiệu lực đạt 404 dự án, gồm 75 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.428,61 tỷ đồng và 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.378,43 triệu USD.
Theo dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, Vĩnh Phúc sẽ đầu tư xây dựng từ 23 - 25 khu công nghiệp với tổng quỹ đất khoảng 7.000ha.
Với xu thế phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp trong nước và khu vực, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung phát triển đa dạng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm chú trọng đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics. Chính vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đang được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp.
Vĩnh Phúc điểm đến của các doanh nghiệp FDI
Với những chính sách “trải thảm đỏ” thu hút FDI một cách có chọn lọc, Vĩnh Phúc đang trở thành “cái nôi” của bất động sản công nghiệp khi quy tụ nhiều nhà đầu tư với những thương hiệu sản xuất nổi tiếng toàn cầu. Từ các doanh nghiệp tên tuổi như Honda, Toyota của Nhật Bản cho đến các công ty của châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều cam kết gắn bó lâu dài với Vĩnh Phúc, thể hiện ở việc không ngừng tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối các doanh nghiệp khác đầu tư vào tỉnh.
Hiện tại toàn tỉnh có 428 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 7 tỷ USD và 821 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 106 nghìn tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp xem Vĩnh Phúc là “mảnh đất lành” để đầu tư hiệu quả.
Thời gian qua dù dịch bệnh Covid -19 bùng phát khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài của Vĩnh Phúc vẫn giữ ở mức khả quan. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, trong năm 2021, Vĩnh Phúc có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD được cấp mới và 135 triệu USD điều chỉnh tăng vốn.
Ông Lê Duy Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong nhiều năm qua, FDI luôn được coi như “quả đấm thép” giúp tỉnh vượt trội về công nghiệp. Từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách năm 1997 chỉ khoảng 80 tỷ đồng, tới nay Vĩnh Phúc đã có đóng góp về ngân sách Trung ương. Trong đó, khu vực FDI đóng góp chính vào số thu ngân sách của tỉnh, chiếm phần lớn dữ liệu đầu vào về kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng của tỉnh.
Theo ông Thành, nếu so sánh về số vốn đầu tư và số dự án, Vĩnh Phúc thấp hơn rất nhiều so với các địa phương thuộc “top” đầu thu hút FDI cả nước. Nhưng quy mô vốn/dự án của tỉnh lại thuộc nhóm cao trong cả nước, trung bình khoảng 11 triệu USD/dự án. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua.
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực không nhỏ trong việc thiết lập cơ chế, chính sách ưu đãi, cải cách hành chính để từng bước kiến tạo một môi trường thuận lợi nhằm trở thành “cực hút”, “vùng trũng” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, trong 3 tháng đầu năm 2022, Ban quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 6 dự án và thực hiện thủ tục tăng vốn đầu tư cho 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 181,25 triệu USD. Trong đó, có 2 dự án đến từ Hàn Quốc, 2 dự án từ Nhật Bản, 1 dự án Đài Loan (Trung Quốc) và 1 dự án từ Singapore.
Ông Phương cho biết, dự án nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc là dự án thứ 45 của Nhật Bản đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến nay, toàn tỉnh có 339 dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 5,59 tỷ USD. Trong số 18 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, Nhật Bản đứng thứ ba về số dự án và vốn đầu tư với 921,69 triệu USD, chiếm 16,47% tổng vốn đầu tư FDI.
“Ủy ban Nhân dân tỉnh nói chung và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh nói riêng sẽ luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện dự án để Vĩnh Phúc luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Phương khẳng định.
Mặc dù vốn FDI đổ vào Vĩnh Phúc trong 3 tháng không nhiều, nhưng đáng chú ý là các dự án này đều tập trung trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp chất lượng cao như sản xuất điện tử, phụ tùng ô tô xe máy và các sản phẩm công nghiệp khác. Hơn nữa, hai trong số sáu dự án này có tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD.
Ngoài việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, trong quá trình thực hiện dự án, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam đặc biệt là các quy định về môi trường như kiểm soát, xử lý ô nhiễm khói bụi, nguồn nước...
Dự kiến nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản tiếp tục đổ vào Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Đáng chú ý nhất tại thời điểm này là dự án đầu tư 500 triệu USD chăn nuôi bò thịt tại huyện Tam Đảo giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty thành viên Vilico, đã được khởi công vào đầu năm 2022.