sapo-1679047909.jpg
 

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17.500 tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10.500 tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5.900 tỷ đồng.

Sự ra đời của Nghị định 08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi, sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác, quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

a1-1-1679048398.jpg
 
sub-1-1679047699.jpg
 

PV:  Nghị định  08/2023/NĐ-CP tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Mục tiêu của Nghị định 08 là tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ và có 5 điểm nổi bật.

Thứ nhất, tư cách của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Theo đó, trước đây Nghị định 65 quy định nhà đầu tư phải có tài khoản với một công ty chứng khoán với trị giá tài khoản lên tới 2 tỷ đồng và giữ giá trị tài khoản trong vòng 6 tháng. Với Nghị định 08, quy định này được dời tới 1/1/2024. Việc rời quy định là tín hiệu tốt có thể làm sôi động thị trường trái phiếu bởi các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia vào thị trường trái phiếu, mua bán trong đó và không bị giới hạn bởi quy định cũ. Tuy nhiên, lại xuất hiện rủi ro như chúng ta từng chứng kiến khi nhà đầu tư cá nhân ồ ạt nhảy vào thị trường, tiền đầu tư của họ bị lạm dụng và mang tính lừa đảo. Có thể thấy điều này qua các đại án như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát vừa qua.

Thứ hai, Nghị định 08 cho phép các nhà phát hành đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn trái phiếu nếu trái phiếu đến hạn trả nợ. Đây là điều tốt nhưng tôi nghĩ, không cần phải có 1 quy định riêng về điều này trong nghị định mới. Bởi thông thường, với 1 người đi vay nếu không có khả năng trả nợ thì họ hoàn toàn có thể đàm phán để gia hạn thời gian trả nợ.

a1-2-1679048673.jpg
 

Thứ ba, trong trường hợp không có đủ tiền mặt, các nhà phát hành có thể dùng tài sản để cấn trừ nợ nếu nhà đầu tư chấp thuận. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng, không cần phải quy định điều này trong Nghị định mới phát hành bởi không có Luật nào bắt nhà phát hành trái phiếu trả bằng tiền mặt và nếu trái chủ đồng ý hoán đổi nợ bằng tài sản thì họ hoàn toàn có thể thực hiện dựa trên thỏa thuận.

Thứ tư, tổng số trái phiếu phát hành trong 1 lô theo quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP là không quá 6 tháng đã được rời lại trong tương lai. Tức là tất cả các đợt phát hành có thể kéo dài sau 6 tháng, các nhà phát hành sẽ có nhiều thời gian hơn để bán trái phiếu của mình. Điều này là tốt nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của thị trường trái phiếu đang bị đóng băng hiện tại.

Thứ năm, Nghị định 08 cũng hoãn thời gian xếp hạng tín nhiệm cho những lô phát hành lớn tới đầu năm 2024. Điều này thật đáng tiếc bởi theo tôi, các nhà phát hành cần được xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng ngay bây giờ cho những lô phát hành trái phiếu mới trở đi để nhà đầu tư có công cụ thẩm định khả năng trả nợ của nhà phát hành.

a1-3-1679049099.jpg
 

PV: Ông đánh giá 5 cột trụ này chưa giải quyết được các vấn đề đang “nóng” của thị trường trái phiếu. Vậy vấn đề mấu chốt của thị trường hiện nay là gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề chính hiện tại đó là nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường trái phiếu. Nên vấn đề của chúng ta là làm sao có thể tạo lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Ra đời với mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu nhưng Nghị định 08 dường như đang làm tăng rủi ro cho các nhà đầu tư, tính rủi ro của thị trường. Và từ đó cũng không giúp xây dựng lại niềm tin từ họ.

PV: Vậy theo ông, chúng ta làm sao có thể giải tỏa khó khăn cho thị trường?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể nói, những vụ đại án trong năm 2022 như Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh đã làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, gây ra những khó khăn mà chúng ta đã thấy. Nhà đầu tư giờ đây dù có tiền họ cũng không dám mua trái phiếu nữa. Bởi những nhà đầu tư đã mua, trước những tín hiệu không mấy tích cực của thị trường, họ đã gõ mọi cánh cửa nhưng không có cánh cửa nào mở ra khiến họ có tâm lý hoang mang. Nhà đầu tư không phải ai cũng có tiềm lực kinh tế, trong dố họ còn là những cá nhân, những người về hưu tích cóp từng đồng thì giờ rơi vào hoàn cảnh không biết bao giờ có thể lấy lại tài sản được. Họ đang trong tình trạng rất khó khăn.

Trong tình trạng như vậy, tâm lý của họ lan truyền ra để không những nhà đầu tư hiện hữu mà cả nhà đầu tư trong tương lai có tâm lý lo sợ có thể mất vốn nếu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

a1-4-1679070237.jpg
 

PV: Nghị định 08 mới ra đời đã “nới lỏng” những quy định đã có trước đây. Bài học của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vẫn còn rất nóng, vậy chúng ta cần làm gì để phát huy tối đa được giá trị của Nghị định này, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để phát triển tối đa tác động tốt của Nghị định 08, theo tôi Chính phủ cần nhìn nhận được trong năm nay, khoảng 300 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn trong đó 1/3 là trái phiếu bất động sản, nếu doanh nghiệp phát hành không có khả năng trả nợ có thể kéo cả thị trường trái phiếu vào khủng hoảng, thậm chí sụp đổ.

Thậm chí, khi các nhà phát hành không có khả năng trả nợ, các nhà đầu tư có thể kiện ra tòa và yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. Nếu tình huống này xảy ra, có thể xảy ra tình trạng domino, sự đổ vỡ sẽ lan truyền ra toàn hệ thống, không chỉ làm sụp đổ thị trường trái phiếu mà còn có thể kéo theo thị trường cổ phiếu và cả các ngân hàng. Bởi ngân hàng là thành phần kinh tế nắm giữ rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì ngân hàng cũng đối diện với khả năng mất vốn.

Vậy làm sao chúng ta phải chặn đứng được hàng loạt các doanh nghiệp phát hành rơi vào tình trạng vỡ nợ? Theo tôi, Chính phủ nên có chương trình hoãn nợ quốc gia, tức là các trái phiếu đến hạn trong năm 2023 và 2024 sẽ được hoãn trả nợ. Trong thời gian đó, các trái chủ là các nhà đầu tư không được phép kiện các nhà phát hành ra tòa để xin thủ tục phá sản. Có như vậy, doanh nghiệp phát hành mới có hi vọng phục hồi và tái tạo khả năng trả nợ cũng như cứu được thị trường trái phiếu.

a1-5-1679070385.jpg
 
sub-2-1679047699.jpg
 

PV: Trong bối cảnh, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang dần tăng lên. Việc ra đời của Nghị định 08 dường như giúp các doanh nghiệp phát hành được hưởng lợi? 

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy. Nghị định 08 có nhiều điểm lợi cho nhà phát hành.

Đầu tiên là quy định nới lỏng cho nhà đầu tư cá nhân nên họ có thể đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu một cách mạnh mẽ hơn. Điều này là điểm lợi cho các nhà phát hành. Thêm vào đó, việc được cấn trừ nợ bằng tài sản được quy định rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm có cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, dùng tài sản để cấn trừ nợ cũng giúp nhà phát hành có nhiều phương án để trả nợ hơn.

Ngoài ra, các đợt phát hành được giãn sau 6 tháng giúp họ có thời gian để bán hàng hơn. Cùng với đó, không có quy định bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, các nhà phát hành cũng giảm được chi phí. Các điểm lợi với nhà phát hành thì có nhưng để giải tỏa khó khăn cho thị trường theo tôi thì chưa.

a1-6-1679070741.jpg
 

PV: Nghị định 08 được coi là giải pháp tình thế khi các quy định khắt khe đã tạm ngừng áp dụng. Nếu thực sự có chương trình hoãn nợ như vậy, trong thời gian đó, doanh nghiệp nên làm gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Điều đầu tiên doanh nghiệp phải tìm cách phục hồi lại kinh doanh của mình, tạo được dòng vốn để trả nợ. Khi họ trả nợ được thì các nhà đầu tư cũng nhìn vào đó để tái tạo lại được niềm tin, từ đó phục hồi thị trường trái phiếu.

PV: Nghị định 08 đã lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm đến 1/1/2024. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tạm ngưng quy định về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu minh bạch và thiếu thông tin, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề xếp hạng tín nhiệm là vấn đề mấu chốt cho thị trường. Trước đây, các nhà phát hành phát hành trái phiếu phần lớn không được xếp hạng tín nhiệm. Tức là các nhà đầu tư không có công cụ để xếp hạng các trái phiếu thuộc loại đáng đầu tư hay không nên đầu tư.

Chẳng hạn ở Mỹ, rất nhiều nhà phát hành được xếp hạng tín nhiệm từ AAA, BBB và CCC để nhà đầu tư có thể đánh giá, nhìn nhận xem có nên đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp đó hay không.

Việc xếp hạng tín nhiệm đã được quy định tại Nghị định 65 với các lô phát hành lớn từ 500 tỷ trở lên. Tuy nhiên tới Nghị định 08 thì lùi thời hạn tới 2 năm. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần xếp hạng tín nhiệm ngay từ bây giờ cho tất cả các lô phát hành không kể lớn hay nhỏ.

a1-7-1679070857.jpg
 

PV: Ông đánh giá ra sao tác động của thị trường trái phiếu tới thị trường bất động sản?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường bất động sản liên quan, tương quan nhiều với thị trường trái phiếu. Bởi các nhà kinh doanh bất động sản kinh doanh thì phải có vốn mà vốn đó trước nay chủ yếu từ ngân hàng và trái phiếu. Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân hàng bị siết lại thì các nhà bất động sản trông chờ vào trái phiếu. Và khi trái phiếu đóng lại các nhà bất động sản đang rất đói vốn. Việc khát vốn khiến đóng băng thị trường lại, nên chúng ta phải mở được thị trường trái phiếu thì thị trường bất động sản mới được tháo gỡ bất động sản đang khó khăn.

PV: Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang tự “cứu” mình bằng cách bán hạ giá sản phẩm, thậm chí bán cắt lỗ. Theo ông động thái này sẽ có giúp thị trường ấm dần lên?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khi các nhà kinh doanh bất động sản không thể bán được sản phẩm thì họ không thể ngồi yên trên đống sản phẩm của họ. Bởi ngồi càng lâu thì gánh nặng tài chính càng đè nặng lên vai họ khi họ còn trách nhiệm trả lãi cho ngân hàng, trả nợ cho các chủ nợ trong đó có các nhà đầu tư trái phiếu mà doanh nghiệp họ phát hành.

Vì vậy, bán đi là điều bắt buộc. Nhưng bán đi khi thị trường đang đi xuống, việc bán và phải chiết khấu từ 10-50% là điều không dễ dàng. Nhưng thà rằng bán đi để có tiền trả nợ còn hơn “chết” trên đống tài sản. Mà điều này thì không ai mong muốn.

a1-8-1679071448.jpg
 

PV: Theo ông, những động thái gỡ khó vừa qua của Chính phủ có giúp thị trường bất động sản có triển vọng hồi phục trong năm nay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta đều mong muốn thị trường bất động sản sẽ có triển vọng tốt trong năm nay. Tôi cho rằng thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Chính phủ với những chương trình thực tế như chương trình hoãn nợ quốc gia thì hi vọng sang nửa cuối năm 2023, cả thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông!

tac-gia-1679047698.jpg
 
Chia sẻ:

Tin mới cập nhật

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

18 giờ trước

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

18 giờ trước

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

1 ngày trước

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

1 ngày trước

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

1 ngày trước