Luật Các tổ chức tín dụng 2024 mới được Quốc hội thông qua với hàng loạt quy định mới, kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu của một cổ đông và người liên quan xuống lần lượt còn 10% và 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin. Theo ông, việc công bố những thông tin này có ý nghĩa gì trong mục tiêu ngăn thao túng hoạt động điều hành ngân hàng?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các quy định về việc hạn chế sở hữu cổ phần sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của tổ chức tín dụng.
Quy định việc cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên phải cung cấp thông tin của cá nhân và người liên quan giúp đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông thiểu số. Điều này sẽ góp phần tạo ra sự minh bạch trong hoạt động, ngăn chặn sự "mập mờ" trong quản lý cổ đông và sở hữu, giảm thiểu khả năng nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, thông qua việc minh bạch thông tin như trên, cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng có thể điều tra, xác minh nguồn tiền cổ đông đóng góp. Qua đó, giúp ngăn chặn sở hữu chéo, chi phối việc ra quyết định trong hoạt động ngân hàng.
Điều này cũng cần thực hiện theo lộ trình để hạn chế sự xáo trộn tới hệ thống ngân hàng. Theo đó, từ ngày luật có hiệu lực, cổ đông và người có liên quan có tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt quy định vẫn được tiếp tục duy trì, song không được tăng thêm cổ phần, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo tôi, một vấn đề rất quan trọng là các ngân hàng cũng cần nâng cao năng lực quản trị, tăng cường khả năng tự giám sát và hài hoà lợi ích giữa ngân hàng, khách hàng, cổ động.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định giảm giới hạn cho vay đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan từ 15% xuống 10% vốn tự có của ngân hàng; giảm tỷ lệ của một khách hàng từ 25% về mức 15% của tổ chức phi ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029. Xin ông cho biết nhận định của mình về điều này? Trong ngắn hạn, các ngân hàng cấp tín dụng cho nhóm khách hàng liên quan có thể bị tác động ra sao bởi quy định này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Với sự điều chỉnh này, tôi cho rằng sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro cho vay khi phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, tránh bất ổn hệ thống. Bên cạnh đó, việc ban hành lộ trình giảm dần tỷ lệ cấp tín dụng này cũng giúp các doanh nghiệp lớn tránh bị đứt gãy vốn đột ngột.
Việc giảm dần tỷ lệ cấp tín dụng cũng góp phần hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro đạo đức, rủi ro mất khả năng thanh toán của các tổ chức ngân hàng cấp tín dụng. Việc hạn chế tình trạng các tổ chức tín dụng cấp quá nhiều cho một hay một nhóm khách hàng cũng giúp giảm thiểu nguy cơ các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng khi khách hàng gặp rủi ro trong hoạt động.
Tuy nhiên, việc giới hạn cấp tín dụng như trên cũng khiến các ngân hàng khi giải ngân vốn cho các đối tác phải thẩm định kỹ các tài sản bảo đảm, các hồ sơ liên quan đến khoản vay nợ mới, có thể khiến việc giải ngân vốn trên thị trường giảm xuống.
Theo ông, với những quy định mới trong luật, liệu còn những khe hở nào để "lách luật" không? Cũng đồng thời mong ông chia sẻ những đề xuất/kiến nghị tới cơ quan quản lý trong việc thực thi, giám sát các quy định của luật?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra nhiều điều kiện chặt chẽ đối với các cổ đông lớn và người liên quan tại tổ chức tín dụng là biện pháp thắt chặt quản lý. Đây là điều cần thiết phải làm, tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống có những vấn đề chưa có trong luật.
Ví dụ tình trạng 2 hội đồng quản trị ở một công ty chẳng hạn. Khi đó, một hội đồng trên giấy tờ, còn một hội đồng không xuất hiện mới là quản trị thực sự. Rõ ràng, thị trường tài chính có nhiều quan hệ phức tạp, nên tạo ra kẽ hở cho không ít người lợi dụng để "lách luật".
Chúng ta thấy, các quy định theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra để nhằm hạn chế việc chi phối quản trị của cổ đông lớn, người có liên quan, tăng cường minh bạch trong quản trị điều hành của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quy định của luật cũng chỉ là một phần, quan trọng là quá trình thanh tra, giám sát những hành vi cố tình “lách” luật.
Theo đó, để đảm bảo hiệu quả thực hiện quy định pháp luật, hạn chế những hành vi vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng. Quá trình này phải có sự kết hợp, phối hợp, trao đổi thông tin thật chặt chẽ giữa các cơ quan, cũng như sự phối hợp giữa các bộ ngành. Điều đó mới kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm các quy định liên quan đến sở hữu chéo để ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu đăng ký doanh nghiệp để thông tin liên quan đến cá nhân và doanh nghiệp có liên quan với ngân hàng minh bạch hơn.
Cùng với các quy định giảm tỷ lệ sở hữu, giới hạn cấp tín dụng thì xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm cũng là vấn đề được thị trường đặc biệt quan tâm. Theo ông, việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 tại Chương XII của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tác động thế nào tới việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Nhất là trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao như hiện nay?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế hiện nay là vô cùng cần thiết.
Trước hết, khi luật hóa các quy định sẽ tạo ra khung pháp lý cho xử lý nợ xấu tốt hơn, hiệu quả hơn, lấp đầy những khoảng trống còn thiếu của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Quy định cụ thể, rõ ràng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các quy định đảm bảo được phần nào quyền lợi của các bên, thúc đẩy sự chủ động, thanh toán của khách hàng. Từ đó, sẽ làm giảm thiểu được tình trạng cố tình chây ỳ không hợp tác của khách hàng, ý thức của người dân và doanh nghiệp về nghĩa vụ trả nợ vốn vay cho các tổ chức tín dụng sẽ cải thiện và nâng cao hơn. Thêm nữa, các tổ chức tín dụng có thêm công cụ pháp lý có hiệu lực cao để chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện xử lý thu hồi nợ xấu.
So với Nghị quyết 42 thì Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cho phép các tổ chức tín dụng kéo dài thời hạn nắm giữ bất động sản do xử lý nợ từ lên 5 năm, thay vì 3 năm. Thưa luật sư, ông nhận định như thế nào về triển vọng xử lý nợ xấu khi quy định này có hiệu lực?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Những yếu tố mang tính biến động, thách thức khiến thời gian xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng kéo dài. Vì vậy thời hạn 5 năm như luật quy định tôi cho rằng hợp lý.
Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, tăng khả năng thu hồi nợ, còn các ngân hàng có thêm thời gian tìm kiếm người mua, tránh phải bán tháo tài sản đảm bảo với giá thấp. Quy định này cũng góp phần giải phóng lưỡng bất động sản mà các tổ chức tín dụng đang nắm giữ, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, việc nắm giữ bất động sản trong thời gian dài hơn cũng tiềm ần những rủi ro nhất định. Ví dụ tài sản bảo đảm là bất động sản có thể bị giảm giá trị do biến động thị trường, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của ngân hàng. Thêm nữa việc quản lý tài sản bảo đảm trong thời gian dài hơn cũng tốn kém chi phí và gia tăng gánh nặng quản lý cho ngân hàng.
Có thể thấy, việc kéo dài thời hạn nắm giữ bất động sản do xử lý nợ có thể mang lại lợi ích cho cả tổ chức tín dụng và thị trường nợ xấu. Tuy nhiên, cần có các biện pháp quản lý hiệu quả để hạn chế rủi ro và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình xử lý nợ.
Xin cảm ơn ông!