meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Phải đề cao vấn đề xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu"

Thứ tư, 10/08/2022-08:08
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc phát triển thị trường vốn hiện nay cần những giải pháp mang tính nền tảng hơn trước. Cụ thể là phải đề cao vấn đề xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP, nhấn mạnh đến vấn đề phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả. Trong bối cảnh thị trường vốn ở Việt Nam đang bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn, nhiều người kỳ vọng Nghị quyết lần này sẽ giải quyết những điểm nghẽn và tạo đà để thị trường vốn, trong đó có thị trường vốn bất động sản phát triển trở lại.

Để có cái nhìn rõ hơn về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn được đề cập trong Nghị quyết 86 của Chính phủ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa. Ông là một chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và tiền tệ và từng làm cố vấn kinh tế cho các đời Thủ tướng ở Việt Nam và Lào.


Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 /NQ-CP nhấn mạnh về vấn để minh bạch thị trường vốn. Ông có nhận xét gì về Nghị quyết này của Chính phủ?

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đề cao vấn đề minh bạch thị trường vốn trong Nghị quyết 86. Bất luận thị trường nào cũng vậy, minh bạch vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nếu có thông tin minh bạch thì bản thân thị trường có thể giải quyết được những vấn đề tồn đọng trong đó.

Trong thời gian vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chuyện thị trường không được giám sát từ xa, có nhiều kẽ hở để kinh doanh theo lối chụp giật, hoặc lợi dụng những thông tin sai lệch để thu gom cổ phiếu, làm lũng đoạn thị trường. Điều này dẫn đến thị trường cổ phiếu của Việt Nam bị một vài cá nhân, tổ chức lũng đoạn, tăng giảm, đầu cơ theo ý muốn. Bản thân các nhà đầu tư bị thiệt hại vì không nắm được thông tin và không xử lý được tình huống "làm ăn" như vậy.

Nghị quyết là một chuyện nhưng phải có luật quy định thật rõ về các chế tài xử phạt thật nặng những hành vi lũng đoạn và xử lý hình sự cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng vì thị trường tài chính chủ yếu phụ thuộc vào lòng tin nên vô cùng nhạy cảm.

Vậy theo ông, việc Chính phủ đề cao thị trường vốn ở thời điểm hiện nay liệu có hợp lý không, khi thị trường này đang bộc lộ rất nhiều bất cập?

Mặc dù thị trường vốn Việt Nam đang có nhiều bất cấp nhưng điều này không đồng nghĩa với việc thị trường vốn ở nước ta không có tiềm năng. Điều cần làm bây giờ là minh bạch hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro.

Thị trường vốn ở Việt Nam thiếu những công ty Nhà nước hoặc công ty hợp danh làm nhiệm vụ xây dựng thị trường. Cụ thể, trong trường hợp thị trường phát triển quá “nóng”, các công ty này sẽ bán tài sản để giảm sốt. Còn trong trường hợp, thị trường “nguội lạnh”, các công ty này sẽ làm nhiệm vụ giữ cho biên độ lợi nhuận ở mức hợp lý. Nếu có những công ty chuyên làm nhiệm vụ như vậy thì sẽ không có một cá nhân, tổ chức nào dám nhảy vào để làm lũng đoạn thị trường.


Thị trường vốn Việt Nam đang có nhiều bất cập, đòi hỏi phải đề cao tính minh bạch
Thị trường vốn Việt Nam đang có nhiều bất cập, đòi hỏi phải đề cao tính minh bạch

Ông nghĩ sao về con số mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP trong Nghị quyết 86 của Chính phủ?

Những nhà hoạch định chính sách phải nhận thấy, thị trường trái phiếu trong tương lai quan trọng hơn nhiều so với tín dụng trung, dài hạn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, khoảng 3-5 năm nữa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ lớn mạnh và dần thay thế cho tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, nguồn vốn huy động từ thị trường trái phiếu chỉ đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng thương mại và một vài tập đoàn bất động sản.

Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là làm thế nào để trái phiếu đáp ứng nguồn vốn trung, dài hạn cho tất cả các doanh nghiệp và các ngành nghề khác. Tiếp đến là phải làm thế nào để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển như thị trường trái phiếu của Chính phủ. Và cuối cùng là phải làm thế nào để thị trường trái phiếu có lãi suất thấp, dài hạn để các nhà đầu tư không phải lo ngại vỡ nợ khi thị trường xảy ra những rủi ro nhất định. Đây là mới là mục tiêu mà chúng ta cần hướng đến, những con số ở đây không nói lên được vấn đề gì.

Ông có nhận xét gì về tiềm năng, rủi ro của thị trường vốn hiện nay ở Việt Nam?

Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay vẫn rất nhỏ bé, số lượng các nhà đầu tư còn thấp. Tính riêng thị trường chứng khoán, Việt Nam có khoảng 4 triệu tài khoản, trong khi dân số Việt Nam có khoảng 60 triệu người. Tổng số tài sản của thị trường chứng khoán mới chỉ bằng 5,6% tổng tài sản của thị trường tài chính. Cho nên, mức độ ảnh hưởng của thị trường này đối với thị trường tài chính chưa đủ lớn.

Thị trường chứng khoán mang lại một nguồn lợi nhuận lớn hơn thị trường khác nên Nhà nước phải có chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư. Đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư F0, đây là cách để kiếm được nguồn đầu tư khác, tiềm năng hơn các nguồn đầu tư bấy lâu nay. Sau cùng là làm cho thị trường phát triển bền vững, minh bạch, an toàn và ổn định.


Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư chứng khoán
Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư chứng khoán

Trong bối cảnh thị trường vốn Việt Nam đang có nhiều bất cập, chúng ta nên có những giải pháp gì, thưa ông?

Tôi nghĩ, những vấn đề hiện nay của thị trường vốn cần được giải quyết bằng những giải pháp mang tính nền tảng hơn. Cụ thể là phải đề cao vấn đề xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Việc xếp hạng tín nhiệm là thước đo sức khỏe của doanh nghiệp, đồng thời cũng là thước đo sức khỏe tài chính, phi tài chính. Các nhà đầu tư không thể nào ngồi đọc bảng cân đối tài sản, báo cáo tài chính để đánh giá, xếp loại từng doanh nghiệp. Cho nên, họ cần một bảng xếp hạng tín nhiệm để đưa ra quyết định mua hay không mua, hoặc mua với lãi suất nào.

Muốn xếp hạng tín nhiệm có hiệu quả, vững chắc thì việc phát hành trái phiếu ra công chúng phải được chú trọng. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu phát hành trái phiếu nhỏ lẻ, chưa tập trung vào việc làm thế nào để tỷ trọng phát hành ra công chúng phải cao lên. Hay việc phát hành ra công chúng phải có sự giám sát của ủy ban chứng khoán từ xa hoặc tại chổ để người đầu tư biết vấn đề đó là tốt hay không tốt.

Các nhà đầu tư không có thời gian để kiểm tra xem đòn bẩy thị trường tài chính của công ty phát hành trái phiếu này cao hay thấp, lợi nhuận là tốt hay xấu, báo cáo tài chính là thực hay không thực. Cho nên, vấn đề cốt lõi ở đây là phải làm cách nào để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải nằm dưới sự giám sát của ủy ban chứng khoán và phải được xếp hạng tín nhiệm.

Trân trọng cám ơn ông!

Thiên Vân
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản sắp bước vào chu kỳ “thật” hơn

Người Hà Nội ưu tiên chung cư, TP.HCM chọn nhà riêng

Bất động sản bất ngờ dẫn đầu lợi nhuận của quý IV/2024

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

Thị trường chung cư cuối năm: Môi giới liên tục mời bán giá cao nhưng chủ yếu "hỏi để đấy"

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "nằm im" trong cuộc đua phục hồi

Cho vay mua nhà dự kiến sẽ tăng trưởng 15% trong năm 2025

Hà Nội: Năm 2025 nguồn cung căn hộ bất ngờ giảm nhẹ

Tin mới cập nhật

Amazon gây sức ép cho các đối tác bán hàng trên Temu

1 giờ trước

Nga bắt đầu sử dụng bitcoin trong giao dịch quốc tế

1 giờ trước

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

1 giờ trước

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

1 giờ trước

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản sắp bước vào chu kỳ “thật” hơn

1 giờ trước